Pakistan thận trọng với đầu tư từ Trung Quốc

Lục San |

Pakistan đã chính thức yêu cầu Trung Quốc gác lại kế hoạch xây nhà máy điện than chung trị giá 2 tỉ USD trong khuôn khổ dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Lý do là công trình này quá tốn kém và không thuộc diện ưu tiên.

Yêu cầu trên được đưa ra khi Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Pakistan Makhdoom Khusro Bakhtyar đến Bắc Kinh hồi tháng 12-2018 để dự hội nghị điều phối về CPEC.

Một quan chức chính phủ Pakistan cho biết nước này đang xem xét lại một số dự án của Trung Quốc có vốn đầu tư cao hơn và không cần thiết vào thời điểm này để tiết kiệm ngân sách công - theo báo The South China Morning Post hôm 16-1.

"Chúng tôi phải tập trung vào các ưu tiên như phát triển cảng Gwadar và tuyến đường phía Tây của CPEC, kết nối các tỉnh Baluchistan và Khyber-Pakhtunkhwa" - ông này nhấn mạnh.

Chính phủ Pakistan thời Thủ tướng Nawaz Sharif đã tìm cách trì hoãn dự án nhà máy điện than nói trên nhưng vấp phải sự phản đối của Trung Quốc nên đổi ý. Dù vậy, kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Imran Khan nỗ lực giảm bớt quy mô CPEC do nỗi lo nợ nần.

Cũng vì nợ nần, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Eran Wickramaratne cho biết nước này đang xem xét lời đề nghị từ Ngân hàng Trung Quốc về khoản cho vay 300 triệu USD (có thể tăng lên đến 1 tỉ USD).

Theo Reuters, tính đến cuối năm 2018, gần 25% nợ nước ngoài của Sri Lanka thuộc về Trung Quốc - nước đã cho vay khoảng 8 tỉ USD trong khi xây dựng cảng biển, đường sá và hoạch định các khoản đầu tư lớn khác ở quốc gia Nam Á này.

Không chỉ tăng cường vai trò ở Nam Á, Bắc Kinh còn đang mở rộng ảnh hưởng đến các đảo quốc ở Thái Bình Dương, khiến Úc không khỏi lo ngại. Ông Scott Morrison hôm 16-1 trở thành thủ tướng Úc đầu tiên thăm Vanuatu trong gần 30 năm qua giữa lúc có thông tin Bắc Kinh muốn lập một căn cứ quân sự tại đó.

Sau Vanuatu, ông Morrison dự kiến thăm Fiji ngày 17-1 trong chuyến công du khu vực Thái Bình Dương. Năm 2018, Úc đề nghị khoản tài trợ và cho vay ưu đãi đến 2,16 tỉ USD cho các quốc gia tại khu vực này để phát triển hạ tầng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại