Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Ngày 29/3/2024, trong cuộc phỏng vấn với CBS News, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev có thể bắt đầu, ngay cả khi Ukraine không đòi hỏi điều kiện tiên quyết là quay trở lại đường biên giới năm 1991.
Ông nói, bây giờ biên giới Ukraine sẽ là kể từ năm 2022.
Thay đổi quan trọng trong quan điểm của Tổng thống Zelensky về đàm phán với Nga
Trước đây, Tổng thống Zelensky đã từ chối mọi cuộc đàm phán với Nga cho đến khi các lực lượng vũ trang Ukraine trở lại đường biên giới năm 1991. Tháng 11/2022, Kiev đưa ra “Công thức hoà bình 10 điểm”, trong đó yêu cầu Nga rút khỏi toàn bộ các vùng đất Ukraine bị Nga sáp nhập vào lãnh thổ của mình bao gồm Luhansk, Donetsk, Zaporozhye và Kherson, thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra "tội ác chiến tranh" do Nga gây ra và đòi Moscow bồi thường thiệt hại cho Ukraine.
Tháng 10/2022, Tổng thống V. Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với Nga. Thậm chí tháng 10/2023, ngoài “Công thức hoà bình 10 điểm”, ông Zelensky còn nêu thêm điều kiện Tổng thống Nga Vladimir Putin phải rời bỏ quyền lực.
Mới đây, ngày 29/3/2024, trái với lập trường cứng rắn trước đây, Tổng thống Ukraine lần đầu tiên đưa ra đề nghị đàm phán với Nga. Ông nói, Moscow và Kiev có thể bắt đầu đàm phán trước khi Ukraine có thể quay trở lại đường biên giới năm 1991. Điều này có nghĩa là việc khôi phục đường biên giới năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã không còn là điều kiện tiên quyết để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Nga nữa.
Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ không cần phải giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình chỉ bằng biện pháp quân sự.”
Ngày 29/3/2024, trong chuyến thăm Ấn Độ, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đề nghị đàm phán với Nga có thể diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên dự kiến được tổ chức tại Geneva theo sáng kiến của Thuỵ Sỹ vào tháng 5/2024 và một hội nghị thượng đỉnh khác quy tụ các đồng minh của Ukraine và các bên trong khu vực có thể được tổ chức trước mùa thu để thảo luận về “công thức hòa bình” do Tổng thống V. Zelensky đưa ra.
Đây là sự thay đổi lớn trong quan điểm của Tổng thống Ukraine V. Zelensky về đàm phán với Nga.
Nguyên nhân ông Zelensky thay đổi quan điểm
Trên chiến trường: Quân đội Ukraine đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn và chịu tổn thất nặng nề.
Báo The Evening Standard của Anh số ra ngày 29/3/2024 viết: “Ukraine đang thua trong cuộc xung đột vũ trang với Nga và sẽ phải chịu thất bại hoàn toàn trong xung đột với Nga vào mùa hè tới nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ và châu Âu. Bản thân Tổng thống Ukraine Zelensky không loại trừ khả năng tình hình ở tiền tuyến sẽ trở nên tồi tệ hơn vào tháng 5, tháng 6 tới.
Theo nhà báo Robert Fox của Evening Standard, hỏa lực của Nga mạnh gấp 5 lần quân đội Ukraine, vốn thường xuyên phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo, tên lửa và máy bay không người lái. Ông cho rằng NATO và Liên minh châu Âu (EU) cần khẩn trương đưa ra chiến lược hành động chung để giúp Ukraine tránh khỏi thất bại.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang chia rẽ và gặp nhiều khó khăn, không thể tiếp tục viện trợ mãi cho Kiev khi các lực lượng Ukraine không giành được thắng lợi nào đáng kể trên chiến trường. Các nước này đang tính chuyển các viện trợ không hoàn lại cho Ukraine sang hình thức vay nợ. Đặc biệt, nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới thì sự hỗ trợ của Washington đối với Ukraine sẽ bị cắt giảm.
Ngoài ra, châu Âu không thể cung cấp đủ vũ khí, đạn dược cho Kiev và không sẵn sàng bù đắp các khoản viện trợ của Mỹ nếu Washington từ chối hỗ trợ thêm cho Kiev. Bản thân NATO cũng không muốn leo thang hơn nữa với Nga. Tổng thống Zelensky nói, nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ và châu Âu, Ukraine sẽ buộc phải rút lui từng bước.
Về chính trị: Cuối năm 2023, nhiều nguồn tin tiết lộ, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã bắt đầu trao đổi về khả năng đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga. Những cuộc thảo luận này mang tính sơ bộ, chưa đi vào các vấn đề cụ thể, nhưng là dấu hiệu cho thấy các đồng minh của Ukraine bắt đầu tính đến khả năng đàm phán với Moscow.
Báo Politico số ra ngày 21/2/2024 cho biết, hầu hết người châu Âu trước đây ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga, nhưng theo theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) tại 12 quốc gia EU tháng 1/2024, đại đa số cho rằng Ukraine sẽ thua Nga và coi một “giải pháp thỏa hiệp” là cần thiết để chấm dứt xung đột.
Đa số người được hỏi ở Hungary, Hy Lạp và Italia muốn các đồng minh thúc đẩy Kiev chấp nhận một giải pháp thương lượng với Nga. Đáng lưu ý, theo tờ Bild của Đức số ra ngày 24/11/2023, mặc dù tuyên bố ủng hộ Ukraine đến cùng, Mỹ và Đức đang có kế hoạch “bí mật” thúc đẩy Tổng thống V. Zelensky tham gia đàm phán với Nga.
Tình hình chính trị ở Mỹ không có lợi cho Ukraine. Các cuộc thảo luận để thông qua gói viện trợ mới 60 tỷ USD cho Ukraine đang bế tắc tại Quốc hội và cựu Tổng thống Trump đang tìm cách quay trở lại Nhà Trắng với tuyên bố sẽ chấm dứt viện trợ quân sự cho Kiev.
Báo Politico đưa tin, Washington đã thuyết phục Tổng thống Zelensky mềm mỏng hơn trong vấn đề đàm phán với Nga. Lập trường của ông Zelensky về đàm phán với Nga đã trở nên bớt cứng rắn hơn sau chuyến thăm Kiev của Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan ngày 20/3/2024.
The Washington Post cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đề nghị Kiev thể hiện sự sẵn sàng đàm phán với Moscow và xem xét lại việc họ bác bỏ đàm phán với Tổng thống Putin.
Tháng 2/2024, Giáo hoàng Francis kêu gọi Ukraine “hãy can đảm giương cờ trắng và đàm phán” để chấm dứt cuộc chiến. Đức cha nói thêm: “Khi thấy mình thất bại, mọi chuyện không như ý muốn, bạn phải có dũng khí để thương lượng. Đừng ngại đàm phán trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn”.
Ngày 8/3/2024, trong cuộc gặp với ông Zelensky tại Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đề nghị để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Ukraine và Nga nhằm chấm dứt chiến tranh.
Và mới đây nhất, ngày 30/3/2024, tỷ phú Elon Musk, chủ hãng Tesla và SpaceX, người đã cung cấp hàng nghìn thiết bị đầu cuối Starlink miễn phí cho Ukraine để tăng cường khả năng liên lạc cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến với Nga, cảnh báo: “Ukraine nếu không sớm đàm phán với Nga, có khả năng sẽ mất cả Odessa và toàn tuyến tiếp cận Biển Đen”.
Khả năng Nga đàm phán với Ukraine
Trước đây, ngay sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraine, Nga đã đề nghị đàm phán để giải quyết các vấn đề trong quan hệ hai nước. Ngày 28/2/2022, Nga và Ukraine đã tổ chức ba phiên đàm phán trực tiếp tại Belarus và sau đó 1 tháng 29/3/2022 đàm phán đã được nối lại Istanbul.
Các cuộc đàm phán đã đạt được kết quả tích cực. Đoàn Ukraine đã trao cho phía Nga một văn bản đề xuất về thỏa thuận hòa bình có chữ ký tắt của trưởng đoàn David Arakhamia, trong đó Kiev đồng ý quy chế trung lập, phi hạt nhân hóa, không tham gia các khối quân sự.
Đáp lại, phía Nga đã quyết định giảm bớt các hành động quân sự ở các hướng Kiev và Chernigov. Tổng thống Zelensky lúc đó đã nói, đàm phán là biện pháp duy nhất để giải quyết các vấn đề trong quan hệ với Nga. Tuy nhiên, do Mỹ và phương Tây thuyết phục được giới lãnh đạo Ukraine từ bỏ thỏa thuận với Nga và tiếp tục chiến tranh nên Kiev đã rút khỏi các cuộc đàm phán.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng trước hết Ukraine phải huỷ bỏ sắc lệnh của Tổng thống Zelensky cấm đàm phán với Nga và các cuộc đàm phán sẽ không dựa trên cơ sở “công thức hòa bình” của ông Zelensky mà phải tính đến thực tế mới sau khi Nga sáp nhập 5 khu vực là Crimea, Luhansk, Donetsk, Zaporozhye và Kherson.
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố chưa bao giờ từ chối đối thoại với Kiev. Moscow cho biết, hiện không có điều kiện tiên quyết nào cho các cuộc đàm phán, nhưng ưu tiên tuyệt đối của Nga là đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt và ở thời điểm hiện tại các mục tiêu này chỉ có thể đạt được bằng quân sự. Tuy nhiên tình hình ở Ukraine có thể chuyển sang giải pháp hòa bình với điều kiện là tình thực tế mới phải được tính đến và tất cả các yêu cầu của Moscow đều đã được nêu rõ.
Ngày 18/3/2024, sau khi thắng cử trong cuộc bầu cử ở Nga, Tổng thống Putin tuyên bố: “Nga ủng hộ đàm phán hòa bình, nhưng không phải vì kẻ thù sắp hết đạn. Và nếu họ thực sự, nghiêm túc, về lâu dài muốn xây dựng mối quan hệ láng giềng hòa bình, tốt đẹp với Nga.
Đề nghị đàm phán mới của Ukraine là dấu hiệu mong muốn giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hoà binh, phía trước còn rất nhiều khó khăn. Quan điểm hai bên vẫn còn rất xa nhau, cả Nga và Ukraine không ai sẵn sàng thỏa hiệp. Đến nay, cuộc chiến vẫn đang diến ra ác liệt, chưa bên nào giành được chiến thắng quyết định, cả Nga và Ukraine đang dốc toàn lực để giành lợi thế trước khi bước vào đàm phán. Khi nào bắt đầu đàm phán phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chiến sự trên chiến trường.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.