Ông Trương Trọng Nghĩa: Không xây thêm và cần trừng trị xây dựng trái phép ở Sơn Trà

Đình Thức |

"Tôi từng có ý kiến rõ ràng, khẳng định rằng cái gì xây dựng trái phép thì phải dẹp, phải xử lý và trừng trị nếu sự vi phạm trầm trọng", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đà Nẵng đang rà soát lại quy hoạch Sơn Trà

Ngày 15/7, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng và Viện sinh thái học Miền Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà.

Hội thảo đã thu hút 180 đại biểu trong đó có các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học trên cả nước và TP Đà Nẵng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tái khẳng định tầm quan trọng của bán đảo Sơn Trà đối với Đà Nẵng cũng như sự đa dạng sinh học ở đây.

Ông Minh cũng cho rằng Đà Nẵng đang rà soát lại quy hoạch Sơn Trà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Việc phát triển Sơn Trà sẽ ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và phòng chống thiên tai.

Ông Trương Trọng Nghĩa: Không xây thêm và cần trừng trị xây dựng trái phép ở Sơn Trà - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo

"Phải đảm bảo lợi ích cho hàng trăm năm, hàng nghìn năm sau..."

Ông Trương Trọng Nghĩa, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, tham dự hội thảo đã tái khẳng định quan điểm Sơn Trà là di sản thiên nhiên cực kỳ quý báu và nếu để mất đi thì không thể tái tạo được. 

Ông Nghĩa cho rằng phát biểu trước đó của bản thân tại hội trường Quốc hội là đúng đắn.

"Phát biểu của tôi lúc đó là phản ứng tức thì dựa vào thông tin báo chí trên tinh thần ra sức bảo vệ di sản Sơn Trà. Ở hội thảo này, tôi được nghe thêm những thông tin quý giá và nhận định rằng đó là ý kiến đúng.

Sơn Trà không chỉ để ngó, chỉ để đi qua mà còn khai thác phục vụ mục đích kinh tế nữa. Nhưng phải có yêu cầu đi kèm là bảo vệ di sản đó mới gọi là phát triển bền vững", ông Nghĩa nói.

Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng phát triển bán đảo Sơn Trà phải đi đúng hướng dựa trên cơ sở khoa học, văn hóa để đưa đến đề xuất cuối cùng. 

Ông Trương Trọng Nghĩa: Không xây thêm và cần trừng trị xây dựng trái phép ở Sơn Trà - Ảnh 2.

Ông Trương Trọng Nghĩa: Nhất thiết không cho xây dựng thêm ở Sơn Trà

"Nhất thiết không cho phép xây dựng thêm và phải thay đổi cách phát triển du lịch đối với bán đảo Sơn Trà. Các cấp chính quyền đồng thời tăng cường hơn nữa tài lực, vật lực và quy định pháp lý để bảo vệ sơn trà hiệu quả hơn, chặt chẽ hơn", đại biểu Nghĩa nói.

Theo đại biểu Nghĩa, chính quyền Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ, bảo tồn bán đảo Sơn Trà trong khuôn khổ luật pháp quốc gia. 

Luật pháp của Việt Nam có đầy đủ khung pháp lý để chính quyền Đà Nẵng hành động dưới sự chỉ đạo, giám sát của Chính phủ và Quốc hội.

"Đà Nẵng rõ ràng có trách nhiệm và nghĩa vụ phục vụ lợi ích cho sự phát triển của thành phố và người dân Đà Nẵng. Người dân cũng có quyền lợi trong việc khai thác bán đảo Sơn Trà.

Đối với một số di sản thiên nhiên có vai trò đặc biệt như Sơn Trà thì ngoài việc đảm bảo lợi ích người dân tại chỗ còn phải đảm bảo lợi ích cho hàng trăm năm, hàng nghìn năm sau đối với các thế hệ con cháu", ông Nghĩa khẳng định.

Ông Trương Trọng Nghĩa: Không xây thêm và cần trừng trị xây dựng trái phép ở Sơn Trà - Ảnh 3.

Một góc bán đảo Sơn Trà.

Đại biểu Nghĩa nhận định việc thu hồi các dự án đã được cấp phép ở bán đảo Sơn Trà là một bài toán khó nhưng phải giải cho bằng được. Ông cho rằng với cơ sở pháp lý, tiềm lực cùng sự quan tâm của dư luận, Chính phủ, Quốc hội thì bài toán này khó đến bao nhiêu vẫn giải được.

"Tôi từng có ý kiến rõ ràng rằng cái gì trái phép thì phải dẹp, phải xử lý và trừng trị nếu sự vi phạm trầm trọng. Những gì hợp quy trình, hợp pháp nhưng bây giờ không hợp lý, không có lợi nữa thì phải cùng nhau tìm giải pháp để đáp ứng lợi ích của các bên.

Tất nhiên có những giải pháp hợp lý nhưng có thiệt hại thì phải bàn cách cùng nhau chia sẻ.

Chúng ta cần vận động các doanh nghiệp có chịu thiệt hại hãy hy sinh một phần nào đó cho Sơn Trà. Đó là việc làm vì thương hiệu của họ, vì tinh thần yêu nước, vì trách nhiệm xã hội. Nếu làm như vậy, họ sẽ được người dân tăng phần yêu mến", ông Nghĩa nói.

Theo đại biểu Nghĩa, trước đây đã có những doanh nghiệp hiến đất, hiến tài sản cho xã hội. Trong trường hợp này để bảo vệ Sơn trà mà doanh nghiệp thiệt hại thì chính quyền cần làm việc với họ.

"Nếu họ thiệt hại theo luật pháp cần được đền bù thì phải đền bù. Nếu quá sức chịu đựng của ngân sách thì chính quyền vận động họ hy sinh một phần nào đó. Nếu vậy nhân dân Đà Nẵng, nhân dân cả nước nói chung sẽ hoan nghênh họ", ông Nghĩa bày tỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại