Nhận chìm triệu tấn chất thải: Nói không tác động biển là "cả vú lấp miệng em"!

Minh Thư |

Việc cấp phép đổ gần 1 triệu tấn chất thải ở biển Bình Thuận, chuyên gia cho rằng, quá trình thẩm định chưa đến nơi đến chốn nên cần tạm dừng giấy phép để có thời gian cho cán bộ có trách nhiệm nghiên cứu thêm và lấy ý kiến của cộng đồng…

Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), đến lượt Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lại xin giấy phép đổ xuống biển xã Vĩnh Tân 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét.

Theo thông tin mà EVNGENCO 3 trả lời báo chí thì vị trí xin đổ bùn cát thải sau nạo vét nằm cách vị trí mà Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ khoảng 5km về hướng Bắc và cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau 10km.

Riêng về việc cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, khi trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Chương trình Hải dương học Liên Chính phủ của Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang tỏ ra băn khoăn vì rất nhiều điểm không hợp lý.

Ông An cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) là đơn vị quản lý xử lý các hoạt động ven biển nên có quyền cấp phép, nhưng nội hàm của giấy phép còn rất nhiều thông tin, vấn đề không rõ ràng, lấp lửng, thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, có sở kinh tế và cơ sở xã hội

Người dân không đồng tình về cách thẩm định, soạn thảo, quy định của giấy phép không phù hợp.

Về luật pháp có cho phép nhận chìm, nhưng nhận chìm trong luật pháp hiểu kiểu khác, tức là đã nhận chìm là nhận chìm xuống, nhận chìm là được bao bọc, gói kín, thả ở độ sâu nhất định và được kiểm soát, không trôi đi đâu, không trở lại nguồn ô nhiễm thứ cấp thì giấy phép cho nhận chìm cát bản chất không phải nhận chìm mà là xả thải.

Một điểm bất cập khác, theo ông An vị trí nhận chìm theo quy định phải là vị trí ít hoặc không có giá trị về hải dương học, về di sản thiên nhiên, về bảo tồn và các lợi ích kinh tế, xã hội cho phát triển. 

Nhưng giấy phép của Vĩnh Tân 1 cho nhận chìm ở vùng ven bờ (sâu 36m) trong khi theo khoa học hải dương thì vùng biển ven bờ luôn luôn là vùng biển giàu có, là vùng có nhiều tiềm năng, là nền tảng cho phát triển của các quốc gia có biển.

Đặc biệt, vùng ven bờ ở vùng biển Bình Thuận là hệ sinh thái nước trồi độc nhất vô nhị của Việt Nam và của Đông Nam Á, rất nhiều giá trị, một di sản thiên nhiên không có nước nào có, mình xả thải vào đó coi như phá nó đi.

Cũng theo ông An, thời điểm nhận chìm là thời điểm nước biển động lực không mạnh, phải có nghiên cứu đầy đủ để chất nhận chìm đó chìm xuống biển và không nổi lại. 

Trong khi đó, giấy phép lại chọn từ tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ nước trồi động mạnh nhất để cho phép xả thải là không hợp lý. Bởi lẽ, theo tính toán của Viện Hải dương học, thời gian đó trồi mạnh đến mức 3cm/giây.

“Tuy có Hội đồng thẩm định, có chuyên gia nhưng mang tính hình thức, không ai có ý kiến phản biện gì đầy đủ, không ai đánh giá tác động gì cả. 

Nếu dùng xà lan hình phễu để thả xuống độ sâu 36m mà không cho lan truyền và dùng lưới để hạn chế… thì chỉ trẻ con mới nghe và đồng ý. 

Làm gì có lưới gì ngăn cản được chuyện đó, lại thải khối lượng rất lớn, gần 1 triệu m3 trên phạm vi 30ha thì làm sao nhận chìm được. Kỹ thuật thao tác mang tính tùy tiện”, ông An chỉ rõ.

“Vùng ven bờ là vùng tài nguyên rất quý giá, vùng hoạt động của nghề cá Việt Nam, nhiều ngư dân sinh sống nuôi trồng ở đó, thải ra gần 1 triệu m3 bùn cát ở 30ha thì nền đáy đội lên 3cm, đó là thảm họa về mặt sinh thái. 

Nếu Bộ TNMT nói không tác động thì đấy chỉ là “cả vú lấp miệng em” cho nó vui thôi. Nói gì thì nói phải minh chứng bằng cơ sở khoa học hợp lý để người bình thường chấp nhận được, còn làm gì có chuyện đổ bùn xuống biển mà không lan truyền”, ông An nhấn mạnh thêm.

Theo vị PGS.TSKH này, quá trình thao tác, thẩm định chưa đến nơi đến chốn nên cần tạm dừng giấy phép lại để có thời gian cho cán bộ có trách nhiệm nghiên cứu thêm, dư luận xã hội nghiên cứu thêm cơ sở khoa học kinh tế xã hội; đặc biệt cần lấy ý kiến của cộng đồng. 

Tiền lệ xấu không phải là cấp phép mà tiền lệ xấu là làm sơ sài, thiếu trách nhiệm thẩm định để ra một giấy phép không có điều khoản chế tài đúng đắn, sẽ khiến nhiều công ty khác thấy dễ lại xin theo.

“Giấy phép là công cụ quản lý rất quan trọng của nhà nước, nhất là vấn đề phát triển nhưng nó lại như con dao hai lưỡi, nếu chúng ta làm sơ sài thì giấy phép trở thành “tấm bùa” cho những người làm ăn không đàng hoàng, lách luật”, ông An nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại