Một cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump tham gia vào quá trình thảo luận cho biết có ba đề xuất từ ba cố vấn chủ chốt - Reuters đưa tin ngày 4/12.
Nội dung chính
Các cố vấn của ông Trump đề xuất biện pháp “cây gậy và củ cà rốt”;
Việc Ukraine gia nhập NATO không được đưa vào kế hoạch;
Chuyên gia nghi ngờ tính khả thi.
Theo phân tích của hãng tin Reuters về các tuyên bố và cuộc phỏng vấn với một số nhân vật thân cận với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, các cố vấn của ông đang đưa ra những đề xuất chấm dứt chiến sự Ukraine một cách công khai hoặc riêng tư.
Theo 4 cố vấn của ông Trump (ẩn danh), tính đến tuần trước, Tổng thống đắc cử vẫn chưa triệu tập nhóm công tác trung tâm để đưa ra kế hoạch hòa bình về Ukraine. Thay vào đó, một số cố vấn đã trao đổi ý tưởng với nhau tại các diễn đàn công khai hoặc trong một số trường hợp là nói riêng với ông Trump.
Cuối cùng, một thỏa thuận hòa bình có thể sẽ phụ thuộc vào sự tham gia trực tiếp giữa ông Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - các cố vấn cho biết.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết "không thể bình luận về các tuyên bố riêng lẻ nếu không có ý tưởng về toàn bộ kế hoạch".
Người phát ngôn của Trump, bà Karoline Leavitt, lưu ý rằng ông đã nói "sẽ làm những gì cần thiết để khôi phục hòa bình và tái thiết sức mạnh cũng như khả năng răn đe của Mỹ trên trường thế giới".
Ba đề xuất cho ông Trump, điểm chung là Ukraine không vào NATO
Một cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump tham gia vào quá trình thảo luận cho biết có ba đề xuất từ ba cố vấn chủ chốt của ông: đề xuất của Trung tướng Lục quân đã nghỉ hưu Keith Kellogg - người được đề cử làm đặc phái viên về vấn đề Nga - Ukraine, một đề xuất từ Phó Tổng thống đắc cử JD Vance và một đề xuất khác do cựu quyền Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Richard Grenell đưa ra.
Các cố vấn của ông Trump sẽ cố gắng buộc Moscow và Kyiv đàm phán bằng biện pháp “cây gậy và củ cà rốt”. Những đề xuất này của họ có một số điểm chung, bao gồm việc loại bỏ khỏi bàn đàm phán phương án tư cách thành viên NATO cho Ukraine.
Kế hoạch của cựu tướng Kellogg, được đồng tác giả bởi cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Fred Fleitz và trình lên ông Trump hồi đầu năm nay, kêu gọi đóng băng các chiến tuyến hiện tại.
Theo kế hoạch đó, Washington sẽ chỉ cung cấp thêm vũ khí cho Kyiv trong trường hợp nước này đồng ý đàm phán hòa bình. Đồng thời, ông Trump cũng cảnh báo Moscow rằng ông sẽ tăng viện trợ của Mỹ cho Ukraine nếu Nga từ chối đàm phán. Việc Ukraine gia nhập NATO sẽ bị hoãn lại. Ukraine cũng sẽ được Mỹ bảo đảm an ninh, có thể bao gồm việc tăng cường cung cấp vũ khí sau khi một thỏa thuận được ký kết bị phá vỡ.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài kỹ thuật số Times Radio (Anh) hồi tháng 6, Sebastian Gorka - người được đề cử chức Giám đốc cấp cao về chống khủng bố - cho biết Tổng thống đắc cử Trump đã nói với ông rằng sẽ buộc ông Putin phải đàm phán bằng cách đe dọa sẽ chuyển giao vũ khí chưa từng có cho Ukraine nếu Kremlin từ chối.
Theo Reuters, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ JD Vance, trước đây với tư cách là một thượng nghị sĩ Mỹ từng phản đối viện trợ cho Ukraine, đã đưa ra một ý tưởng riêng hồi tháng 9.
Ông Vance nói với người dẫn chương trình podcast Mỹ Shawn Ryan rằng một thỏa thuận có khả năng sẽ bao gồm một khu phi quân sự tại các tiền tuyến hiện có sẽ được "gia cố nghiêm ngặt" để ngăn chặn các cuộc xâm nhập tiếp theo của Nga. Đề xuất của ông sẽ từ chối tư cách thành viên NATO của Kyiv.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Đức dưới thời ông Trump, Richard Grenell, thì ủng hộ việc thành lập "các khu tự trị" ở miền đông Ukraine trong một cuộc họp bàn tròn hồi tháng 7 nhưng không giải thích thêm. Ông cũng cho rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine không phục vụ cho lợi ích của Mỹ.
Grenell vẫn chưa đảm bảo được vị trí trong chính quyền tương lai, mặc dù vẫn được ông Trump lắng nghe về các vấn đề châu Âu - một cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của ông Trump nói với Reuters. Nguồn tin tiết lộ Grenell là một trong số ít người dự cuộc gặp hồi tháng 9 tại New York giữa hai ông Trump và Zelensky.
Không ai có kế hoạch thực tế để chấm dứt cuộc chiến
Các nhà phân tích và cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ nhận định, các nội dung được đề xuất lên ông Trump có thể gặp sự phản đối từ Tổng thống Ukraine cũng như từ các đồng minh châu Âu và một số nhà lập pháp Mỹ. Ông Zelensky đã đưa việc nhận được lời mời gia nhập NATO vào "Kế hoạch Chiến thắng" của riêng mình.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Ukraine đã gửi thư cho các đối tác NATO, thúc giục họ đưa ra lời mời gia nhập liên minh tại cuộc họp của các ngoại trưởng NATO diễn ra ở Brussel (Bỉ) trong hai ngày 3 và 4/12.
Một số đồng minh châu Âu đã bày tỏ mong muốn tăng cường viện trợ cho Ukraine và Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tiếp tục gửi vũ khí. Điều đó có thể khiến ông Trump mất đi một số đòn bẩy để thúc đẩy Kyiv ngồi vào bàn đàm phán.
Kế hoạch của cựu tướng Kellogg xoay quanh việc tăng viện trợ cho Ukraine nếu Nga không tham gia đàm phán, có thể phải đối mặt với sự phản đối tại Quốc hội Mỹ, nơi một số đồng minh thân cận nhất của ông Trump phản đối việc tăng viện trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu.
"Tôi không nghĩ bất kỳ ai có kế hoạch thực tế nào để chấm dứt [cuộc chiến] này", Eugene Rumer - cựu chuyên gia phân tích tình báo hàng đầu của Mỹ về Nga, hiện làm việc tại tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace - nói.
Link bài gốcLấy linkhttps://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/co-van-cua-ong-trump-hien-ke-ngan-chien-su-ukraine-khong-phai-1-ma-tan-3-chuyen-nato-roi-ban-dam-phan-a487050.html