Súng vẫn nổ sau hơn 1 tuần ngừng bắn: Lý do Israel thỏa thuận với Hezbolla là đây

Đại sứ Nguyễn Quang Khai (Nguyên Đại sứ Việt Nam tại UAE, Iraq và một số nước Trung Đông) |

Ngày 27/11, sau gần 14 tháng xung đột leo thang, Israel và nhóm Hezbollah đã đạt thoả thuận ngừng bắn. Đây là một thoả thuận tích cực nhưng mong manh và không dễ thực hiện.

Đến nay đã hơn một tuần trôi qua, nhưng tiếng súng vẫn chưa im. Cả Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon đều đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã bắt đầu tấn công “các mục tiêu khủng bố” ở Lebanon. Trước đó, quân đội Israel đưa tin Hezbollah đã bắn nhiều quả đạn pháo vào khu vực Har Dov nằm trên biên giới Israel - Lebanon. IDF tuyên bố sẽ "phản ứng quyết liệt" đối với hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah không có nghĩa là chiến tranh đã kết thúc.

Súng vẫn nổ sau hơn 1 tuần ngừng bắn: Lý do Israel thỏa thuận với Hezbolla là đây - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP

Nội dung thỏa thuận

Thỏa thuận kêu gọi rút quân Israel khỏi Lebanon trong vòng 60 ngày. Đồng thời Hezbollah cũng phải rút lực lượng, chuyển toàn bộ vũ khí và cơ sở hạ tầng của mình về phía bắc sông Litani cách biên giới Israel 30 km. Quân đội Lebanon sẽ thay thế Hezbollah kiểm soát vùng lãnh thổ này và triển khai dọc biên giới Israel - Lebanon sau khi quân Israel rút quân. Trong thời gian này, Israel phải rút toàn bộ lực lượng vũ trang khỏi Lebanon.

Thỏa thuận quy định thành lập một Uỷ ban giám sát quốc tế gồm Liên Hợp Quốc, Lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc (UNIFIL), quân đội Israel, Mỹ và Pháp do Mỹ đứng đầu. Uỷ ban này chịu trách nhiệm giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn, thực hiện thỏa thuận và loại bỏ các vi phạm. Mỹ đồng ý hỗ trợ hành động quân sự của Israel chống lại các mối đe dọa có thể xảy ra từ lãnh thổ Lebanon, cũng như các hành động nhằm hạn chế khả năng khôi phục sự hiện diện quân sự của Hezbollah ở miền nam Lebanon.

Thỏa thuận này có một điều khoản cực kỳ quan trọng đối với Israel: cho phép Tel Aviv nối lại các hoạt động quân sự ở Lebanon nếu phải đối mặt với mối đe dọa từ Hezbollah.

Thỏa thuận này về cơ bản giống như Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua năm 2006 và chấm dứt cuộc chiến của Israel với Hezbollah, nhưng được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi hơn.

Nguyên nhân Israel chấp nhận ngừng bắn với Hezbollah

Nhiều thông tin cho rằng việc Israel chấp nhận ngừng bắn với Hezbollah là do nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden ghi điểm cuối nhiệm kỳ sau nhiều tháng cố gắng chấm dứt xung đột ở Trung Đông.

Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ dưới thời Tổng thống Biden và Israel dưới thời Thủ tướng Netanyahu đã rất nhất trí với nhau trong việc tiêu diệt các phong trào Hamas và Hezbollah. Nếu ông Biden thực sự mong muốn thì đã có thể đạt được một lệnh ngừng bắn ở Gaza và Lebanon từ lâu, chứ không để kéo dài 14 tháng đến tận bây giờ.

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 7, vào tối 25/7, ông Netanyahu đã có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, trong đó ông nhấn mạnh Israel và Mỹ cùng chung vận mệnh.

"Chúng tôi không chỉ bảo vệ mình, chúng tôi đang bảo vệ các bạn [Mỹ]. Kẻ thù của chúng tôi cũng là kẻ thù của các bạn. Trận chiến của chúng tôi là trận chiến của các bạn, và chiến thắng của chúng tôi cũng là chiến thắng của các bạn", ông Netanyahu nói.

Ngay sau đó, ông Netanyahu đã rút ngắn chuyến thăm để trở về nước, mở một cuộc tấn công ác liệt nhất từ trước tới nay vào Lebanon chống lại Hezbollah.

Bất đồng giữa chính quyền Tổng thống Biden và Israel chỉ là hình thức. Cả hai bên đều có chung mục tiêu là tiêu diệt Hezbollah và Hamas. Washington đã cung cấp hơn 26 tỷ USD cho Israel chỉ trong vòng 14 tháng qua, chủ yếu là vũ khí, chưa kể khoản viện trợ hàng năm khoảng 3 tỷ USD.

Đồng thời, Mỹ đã đưa 2 tàu sân bay USS Abraham Lincoln và USS Georgia cùng hiện diện ở Trung Đông, mang theo nhiều tiêm kích F-35 và F/A-18E/F Block III nhằm bổ sung cho lực lượng Mỹ tại khu vực. Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hiện đại nhất đã được triển khai tại Israel. Tại Liên Hợp Quốc, Mỹ luôn phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi ngừng bắn, đàm phán hòa bình.

Được Mỹ hỗ trợ, Israel đã không chấp nhận ngừng bắn, mà tăng cường các cuộc tấn công tại Gaza và Lebanon. Tại Gaza đã có gần 44.000 người đã thiệt mạng, còn tại Lebanon là khoảng 4.000. Trong tình hình như vậy, rất khó tin chính quyền của Tổng thống Biden mong muốn một lệnh ngừng bắn thực sự.

Súng vẫn nổ sau hơn 1 tuần ngừng bắn: Lý do Israel thỏa thuận với Hezbolla là đây - Ảnh 2.

Nguyên nhân chính thúc đẩy Israel chấp nhận lệnh ngừng bắn với Hezbollah là do hơn một năm không đè bẹp được lực lượng này và bản thân Israel cũng thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, sức ép quốc tế ngày càng đè nặng lên chính quyền Tel Aviv.

Ngày 21/11, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant vì những cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Mặt khác, Israel muốn tạm ngừng bắn với Hezbollah để rảnh tay tăng cường chiến dịch quân sự chống lại Hamas ở Dải Gaza.

Súng vẫn nổ sau hơn 1 tuần ngừng bắn: Lý do Israel thỏa thuận với Hezbolla là đây - Ảnh 3.

Khói bốc lên sau các cuộc tấn công của Israel ở vùng ngoại ô phía nam Beirut, Lebanon, vào ngày 28/9/2024. Ảnh: EPA-EFE

Thực hiện thỏa thuận không dễ dàng

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Lebanon và Israel là một bước đi tích cực có thể ngăn chặn bạo lực, chấm dứt đổ máu ở Lebanon, nhưng việc này phải được thực hiện một cách nghiêm túc.

Đây mới là một thỏa thuận trên giấy, hết sức mong manh, không dễ dàng thực hiện, và điều này không có nghĩa là kết thúc chiến tranh. Thực chất, đây mới chỉ là thỏa thuận ngưng chiến 60 ngày giữa chính phủ Lebanon và Israel. Về mặt kỹ thuật, Hezbollah không phải là một bên tham gia thỏa thuận, mà chính phủ Lebanon là bên thay mặt Hezbollah đàm phán với Israel.

Ngay sau khi ký kết thỏa thuận, Thủ tướng Israel Netanyahu đã đe dọa quay trở lại chiến tranh toàn diện nếu Hezbollah vi phạm.

Trong khi đó, các phần tử cực hữu trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu, đặc biệt là Bộ trưởng An ninh quốc gia Ben-Gvir phản đối thỏa thuận, gọi thỏa thuận ngừng bắn với Lebanon là một "sai lầm lịch sử" và không đáp ứng được mục tiêu chính của cuộc chiến ở phía Bắc là đưa hàng chục nghìn dân sơ tán trở về nhà của họ. Ông kêu gọi tiếp tục chiến đấu chống lại Hezbollah đến khi giành được “chiến thắng tuyệt đối”.

Từ trước tới nay, và đặc biệt cuộc chiến của Israel 14 tháng nay đã chứng tỏ Israel không thể tiêu diệt được phong trào này.

Mặt khác, quân đội Lebanon phàn nàn rằng họ không có đủ nguồn lực, tiền bạc, nhân lực hoặc vũ khí để triển khai quân ở miền Nam thay thế cho lực lượng Hezbollah.

Uỷ ban giám sát gồm Liên Hợp Quốc, UNIFIL, quân đội Israel, Mỹ và Pháp do Mỹ đứng đầu rất khó có thể đưa ra các quyết định khách quan vì Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ Israel.

Thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah vừa qua rất giống Nghị quyết 1701 (2006) của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhưng kể từ năm 2006 đến nay, các điều khoản của nghị quyết này vẫn không được thực hiện và không chấm dứt được xung đột.

Khả năng thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza

Sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon, sự chú ý đang đổ dồn về Dải Gaza, nơi đang đặt ra câu hỏi về khả năng sớm đạt được thỏa thuận tương tự nhằm chấm dứt chiến tranh giữa Israel và Hamas.

Tổng thống Mỹ Biden cho biết nước ông sẽ nỗ lực với các nhà hòa giải để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và chấm dứt chiến tranh. Ông cho biết Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar và Israel sẽ phối hợp với nhau để tiếp tục tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Gaza, trả tự do cho những người bị giam giữ và kết thúc chiến tranh.

Bản thân Thủ tướng Netanyahu trong cuộc trả lời phỏng vấn với Kênh 14 của Israel vào ngày 28/11 cũng nói rằng, các điều kiện để đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin Israel ở Dải Gaza đã trở nên tốt hơn nhiều. Ông nói có thể đồng ý ngừng bắn ở Dải Gaza, trong khi các báo cáo cho biết ông đang đợi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức trước khi thay đổi quan điểm trong đàm phán với Hamas.

Về phần mình, nhóm Hamas được cho là tỏ ra hợp tác và mềm dẻo hơn. Họ tuyên bố sẵn sàng “hợp tác với bất kỳ nỗ lực ngừng bắn nào ở Dải Gaza và một lệnh ngừng bắn phải dẫn đến việc Israel rút quân, đưa những người trước đây phải di dời trở về nhà của họ và hoàn thành một thỏa thuận trao đổi tù nhân thực sự".

Thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah mới chỉ là bước khởi đầu, chưa thể giải quyết được các vấn đề cốt lõi là cuộc xung đột Palestine - Israel. Để lập lại hòa bình, an ninh và ổn định ở Trung Đông cần phải có một giải pháp toàn diện, công bằng, đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại