Những người biểu tình giơ biểu ngữ có thông điệp kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức, trong khi nhiều người khác cầm cờ Hàn Quốc ra đường tối ngày 3/12.
Kênh tin tức Channel NewsAsia (CNA) của Singapore đưa tin, vào đêm 3/12 (giờ địa phương), những người biểu tình đã phẫn nộ tụ tập bên ngoài Nhà Quốc hội Hàn Quốc, đối mặt với hàng dài cảnh sát giữa giá lạnh, trong sự hoài nghi về quyết định ban bố thiết quân luật đầu tiên sau hơn bốn thập kỷ tại nước này của Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Chỉ vài giờ sau khi ông Yoon ban bố thiết quân luật với tuyên bố loại trừ "các lực lượng thân Triều Tiên” và “bảo vệ trật tự hiến pháp tự do", Quốc hội Hàn Quốc đã nhóm họp thông qua nghị quyết bãi bỏ quyết định này. Đến khoảng 4h30 sáng 4/12, ông Yoon đã chính thức dỡ bỏ thiết quân luật.
Theo CNA, quyết định thiết quân luật gây sốc của Tổng thống Yoon vào đêm 3/12 đã khiến hàng trăm người Hàn Quốc đổ ra đường.
"Tại sao chúng ta phải ra đây sau khi đã làm việc mệt mỏi vào giữa tuần?" một người biểu tình hét lên.
"Đó là vì lệnh thiết quân luật vô nghĩa này do [Tổng thống] Yoon ban bố", một người biểu tình hô to, được hàng trăm người khác cổ vũ.
Theo CNA, quyết định thiết quân luật của Tổng thống Yoon gợi lại ký ức về những ngày tháng đen tối dưới chế độ quân sự Hàn Quốc bốn thập kỷ trước.
Nhiều người biểu tình giơ biểu ngữ có thông điệp kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức, trong khi những người khác cầm cờ Hàn Quốc.
"Khi nghe tin, tôi nghĩ đó là tin giả", Lee Jin-wha - 48 tuổi, đến từ thành phố Incheon - cho biết. "Tôi không thể tin rằng lệnh thiết quân luật thực sự đã được áp đặt".
Kim Ene-sol, một nhân viên nhà hàng 30 tuổi - cho biết cô "cảm thấy vô cùng sợ hãi" khi nghe tin này.
"Tôi nghĩ mình phải ngăn chặn việc này lại, ngay cả khi phải liều mạng sống của mình", Kim nói.
Theo CNA, khi ban bố thiết quân luật, Tổng thống Yoon đã cáo buộc phe đối lập - chiếm đa số trong Quốc hội Hàn Quốc bao gồm 300 ghế - là "lực lượng chống nhà nước có ý định lật đổ chế độ".
Nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ (DP) đối lập Shin Chang Sik nói với hãng thông tấn Pháp AFP rằng ông đã vội vã đến Quốc hội bằng taxi để bỏ phiếu chống lại quyết định của Tổng thống, và lo sợ rằng mình sẽ bị bắt theo sắc lệnh thiết quân luật.
Ông Shin cho biết cảnh sát đứng trong khuôn viên Nhà Quốc hội, sẵn sàng bắt giữ bất kỳ ai cố gắng đột nhập vào trong. Một số nghị sĩ đồng nghiệp của ông đã buộc phải trèo qua tường rào để vào Nhà Quốc hội bỏ phiếu cho nghị quyết bãi bỏ thiết quân luật vì lối vào đã bị phong tỏa.
Lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae Myung tối 3/12 đã chỉ trích Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật mà không có lý do chính đáng, khẳng định ông không thể ngồi yên chứng kiến "quân đội giành quyền kiểm soát đất nước" và kêu gọi người dân tập trung quanh Nhà Quốc hội. Ông Lee sau đó đăng video phát trực tiếp trên Youtube, cho thấy ông đi bộ và trèo qua tường rào để tiến vào Nhà Quốc hội.
(Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung trèo tường vào Nhà Quốc hội Hàn Quốc ngày 3/12. Nguồn: Youtube)
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Shik - thành viên đảng Dân chủ đối lập - tiết lộ ông cũng phải trèo tường vào để chủ trì phiên họp, bỏ phiếu chặn lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon.
Khi nghị quyết buộc Tổng thống hủy bỏ thiết quân luật được thông qua, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã reo hò hưởng ứng.
Quy trình luận tội Tổng thống
Reuters đưa tin, các nghị sĩ đối lập đã cảnh báo họ sẽ bắt đầu thủ tục luận tội ngay trong hôm nay, 4/12, nếu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol không từ chức ngay lập tức.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, Quốc hội có thể thông qua thủ tục luận tội Tổng thống nếu ông “vi phạm Hiến pháp hoặc các Đạo luật khác khi thực hiện nhiệm vụ chính thức”.
Việc luận tội cần phải được đề xuất bởi đa số trong Quốc hội, và phải được 2/3 tổng số nghị sĩ chấp thuận.
Đề xuất sau đó sẽ được chuyển đến Tòa án Hiến pháp – một trong những tòa án cấp cao nhất của Hàn Quốc, cùng với Tòa án Tối cao. Ít nhất 6 trong số 9 thẩm phán phải đồng ý tiến hành luận tội.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, Tổng thống sẽ bị đình chỉ việc thực hiện quyền lực của mình trong suốt quá trình luận tội cho đến khi được xét xử.
Trong quá trình xét xử, Thủ tướng Hàn Quốc sẽ là người lãnh đạo đất nước tạm thời. Thủ tướng Hàn Quốc hiện tại Han Duck-soo cũng từng là Thủ tướng từ năm 2007 đến năm 2008 dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun - người đã bị luận tội và bị phế truất trong hai tháng trước khi được Tòa án Hiến pháp khôi phục quyền lực.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, nếu bản luận tội được chấp thuận và Tổng thống từ chức, chính phủ phải tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày.
Link bài gốcLấy linkhttps://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tong-thong-han-quoc-ban-bo-thiet-quan-luat-khan-cap-hang-tram-nguoi-bieu-tinh-phan-no-nghi-si-treo-rao-bo-phieu-bai-bo-quyet-dinh-a486736.html