Theo thông tin từ hãng tin Anh Reuters, các cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề xuất với ông một số kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch này đều yêu cầu Kiev phải nhượng bộ, bao gồm việc từ bỏ một phần lãnh thổ và không gia nhập NATO.
Các cố vấn của Trump đã quyết định áp dụng chiến lược "cây gậy và củ cà rốt" đối với cả 2 bên.
Theo đó, nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý tham gia đàm phán, Mỹ sẽ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, còn ngược lại, nếu Putin từ chối, viện trợ cho Kiev sẽ được gia tăng.
Trong quá trình vận động tranh cử, Tổng thống Mỹ mới đắc cử đã từng công khai tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine trong vòng 24 giờ, chỉ sau khi lễ nhậm chức vào ngày 20 tháng 01 năm 2025. Tuy nhiên, theo Reuters, khả năng ông thực hiện được lời hứa này là rất thấp.
Trong thời gian qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần ngầm ám chỉ rằng, phía Ukraine có thể sẵn sàng đàm phán, nhưng chính quyền Kiev vẫn không muốn mất đi các lãnh thổ mà nước này đã giành được sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Hiện nay, Ukraine sẵn sàng chấm dứt các hoạt động quân sự, nhưng sẽ kiên trì giải quyết vấn đề lãnh thổ thông qua con đường ngoại giao.
Trong khi đó, Nga có lợi ích lớn hơn trong việc tiếp tục cuộc xung đột, nhờ vào những thành công quân sự trên chiến trường, theo nhận định của Reuters.
Eugene Rumer, cựu chuyên gia phân tích tình báo Mỹ về Nga, cho rằng ông Putin không có dấu hiệu từ bỏ các điều kiện cốt lõi trong thỏa thuận hòa bình, đó là: Chính thức chuyển giao các lãnh thổ mà Nga đã giành được quyền kiểm soát ở Ukraine và yêu cầu Kiev từ bỏ ước vọng gia nhập NATO.
Theo giới phân tích, ý tưởng chấm dứt xung đột của ông Trump sẽ không nhanh chóng trở thành hiện thực, bởi phía Nga sẽ duy trì một chiến lược trì hoãn, vừa tiếp tục tiến công trên chiến trường vừa đánh giá những quyền lợi mà họ có thể nhận được khi Trump lên nắm quyền.