Trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 24/11, Mike Waltz - nhân vật được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lựa chọn cho vị trí Cố vấn an ninh quốc gia - đã trình bày quan điểm của đội ngũ ông Trump về kế hoạch ngừng bắn ở Ukraine, sau khi Kiev đã phát động các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa phương Tây như ATACMS và Storm Shadow vào lãnh thổ Nga.
Theo đó, ông Trump duy trì lập trường rất rõ ràng rằng, cần phải chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trước mắt, nhóm của ông sẽ phối hợp với chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình, và sẽ tiến hành ngay sau khi ông Trump nhậm chức tháng 1 năm sau.
Bên cạnh đó, phía ông Trump cũng đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền ông Biden về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng khác.
"Điều chúng ta cần thảo luận là ai sẽ ngồi vào bàn đàm phán? Đó sẽ là một thỏa thuận hay lệnh ngừng bắn? Chúng ta cần làm gì để đưa cả hai bên đến bàn đàm phán, và khuôn khổ đàm phán sẽ như thế nào?" - ông Mike Walz nói.
Theo tờ Kyiv Independent, các bình luận của ông Waltz được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden gần đây đưa ra một loạt quyết định nhằm tăng cường ảnh hưởng của Kiev trong các cuộc đàm phán tương lai.
Ông Trump "rất quan ngại"
"Nhóm của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt tay vào việc định hình tương lai Ukraine" - Đài RFI cho hay. Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ đã nhiều lần cam kết sẽ nhanh chóng kết thúc xung đột Nga-Ukraine.
Các nguồn thân cận của hãng tin Reuters cho biết, ông Trump đang xem xét thiết lập một vị trí mới là "Đặc phái viên về xung đột Nga-Ukraine" và dự kiến bổ nhiệm cựu giám đốc tình báo quốc gia Richard Grenell vào chức vụ này.
Đề cập vấn đề này, ông Waltz cho biết ông Trump "rất quan ngại" về tình hình thương vong trên chiến trường giữa Nga-Ukraine.
"Chúng ta cần khôi phục khả năng răn đe, tái lập hòa bình và thoát khỏi 'nấc thang leo thang' này, thay vì đối phó một cách bị động" - Ông nhấn mạnh.
Khi nhận được câu hỏi về việc Ukraine - dưới sự cho phép của chính quyền Biden - đã sử dụng tên lửa ATACMS tấn công lãnh thổ Nga (lần 1 vào tỉnh Bryansk ngày 19/11, lần 2 và lần 3 vào tỉnh Kursk ngày 23/11 và 25/11 - PV) khiến Moscow đáp trả bằng một loại vũ khí mới, ông Waltz nói: "Rõ ràng đây là một bước leo thang, và giờ đây mối lo ngại về sự leo thang này sẽ đi đến đâu?" .
Ngoài ATACMS, chính quyền ông Biden đã cho phép Ukraine sử dụng mìn sát thương để ngăn chặn quân đội Nga tiến sâu trên chiến trường. Ông Waltz mô tả điều này như một "cối xay thịt," biến các trận chiến ở miền đông Ukraine thành những cuộc chiến tương tự Thế chiến I.
Quyết định của ông Biden đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các tổ chức vận động kiểm soát vũ khí.
Nói về lý do ông Trump ít công khai thảo luận về tình hình Ukraine, ông Waltz trả lời: "Chúng tôi cần kết thúc mọi chuyện một cách có trách nhiệm".
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Waltz tiết lộ đã gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đương nhiệm Jake Sullivan để thảo luận một số vấn đề, trong đó ông nhấn mạnh rằng châu Âu nên đóng vai trò "chủ chốt" trong quá trình khôi phục hòa bình.
"Tất cả các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng cần gánh vác trách nhiệm này" - Ông Waltz nói.
Bình luận về tiết lộ của ông Waltz, tờ Kyiv Post nhận định: "Trong vài tuần hoặc vài tháng tới, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về ý định của ông Trump đối với Ukraine, cũng như vai trò của các quan chức chính sách đối ngoại mà ông bổ nhiệm".
Ông Waltz sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Kyiv Post lưu ý, nhân vật này từng bày tỏ lập trường ủng hộ Ukraine trong quá khứ.
Nga phản ứng tin "ông Trump đã bắt tay vào việc"
Ngày 25/11, phía Nga đã phản hồi về thông tin "Ông Trump bắt tay vào định hình tương lai Ukraine". Theo hãng thông tấn RIA Novosti, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết ông đã nắm được thông tin này.
"Từ 'hòa bình' hay 'kế hoạch hòa bình' đang xuất hiện trong phát ngôn của những người ủng hộ ông Trump, cũng như những nhân vật được đề cử trong chính quyền tương lai.
Trong khi đó, những người thuộc chính quyền hiện tại của Mỹ chưa bao giờ đưa ra các phát ngôn như vậy. Ngược lại, hành động khiêu khích và leo thang tình hình của họ vẫn tiếp diễn. Đây chính là thực tế mà chúng ta đang đối mặt" - ông Peskov nói.
Ông đồng thời lưu ý, Nga không nhìn nhiệm kỳ tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump qua "lăng kính màu hồng" và không có bất kỳ ảo tưởng nào. Hiện Moscow đang chờ đợi những bước đi đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức.
Tính đến thời điểm hiện tại, chính quyền Ukraine vẫn chưa đưa ra phản hồi về "kế hoạch" của nhóm ông Trump. Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 24/11, cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, ông không kỳ vọng rằng chiến tranh Nga-Ukraine sẽ nhanh chóng chấm dứt sau khi ông Trump nhậm chức.
Ông nêu 3 lý do khiến giải pháp nhanh chóng khó khả thi:
- Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ không nhượng bộ trước áp lực.
- Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ giải pháp "nhanh gọn" nào.
- Quan trọng nhất, chìa khóa hòa bình nằm ở Moscow chứ không phải Kiev.
Ông Kuleba cũng thừa nhận người dân Ukraine lo lắng trước việc Nga sử dụng các loại vũ khí mới để tấn công. Gần đây, Ukraine tuyên bố rằng Nga đã bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận Nga đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik để đáp trả việc Ukraine dùng vũ khí tầm xa của Mỹ và Anh tấn công lãnh thổ Nga.
Ngày 23/11, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói với BBC rằng Ukraine có thể tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa do Pháp sản xuất "theo logic tự vệ". Tuy nhiên, bà không đề cập liệu vũ khí Pháp đã được Kiev sử dụng hay chưa.
Bà Colonna nhấn mạnh rằng phương Tây không nên đặt ra "ranh giới đỏ" trong việc hỗ trợ Ukraine và tuyên bố Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine "lâu nhất có thể".
Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cảnh báo rằng quyết định của Pháp đang "đặt dấu chấm hết cho Ukraine" và làm gia tăng xung đột.
Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, Mikhail Ulyanov, tuyên bố rằng Pháp sẽ phải trả giá cho việc hỗ trợ Ukraine dùng tên lửa tấn công Nga.