Ở đơn vị đang sở hữu tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-300PMU-1 như Trung đoàn tên lửa 64 (Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ), vai trò của các chàng "ong thợ" - những làm công tác kỹ thuật - lại càng quan trọng...
Luyện rèn "ong thợ"
Lâu nay, tổ hợp tên lửa S-300PMU-1 là niềm tự hào của các chiến sĩ canh trời, bởi tính năng kỹ, chiến thuật ưu việt của nó. Hệ thống vũ khí này cũng là minh chứng cho quá trình "tiến thẳng lên hiện đại" của Quân chủng PK-KQ.
Tính đến nay, tổ hợp tên lửa S-300PMU-1 đã được đưa vào biên chế của Trung đoàn 64 hơn 10 năm, góp phần nâng cao khả năng quản lý vùng trời và tăng cường sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn phòng không 361. Duy trì "sức sống" cho "rồng lửa" S-300PMU-1 phải kể đến công sức của nhiều thành phần, trong đó ngành kỹ thuật giữ vai trò quan trọng.
Hơn 10 năm, đội ngũ cán bộ kỹ thuật được đào tạo chuyển loại tại nước bạn để sử dụng S-300PMU-1 nay đã có những bước phát triển lên các vị trí khác, bởi thế nhiệm vụ quản lý, khai thác tổ hợp tên lửa này giờ đây được "trao truyền" cho các cán bộ kỹ thuật trẻ.
Thuận lợi vì là lớp cán bộ được đào tạo cơ bản trong nước, có trình độ nhận thức tốt, nhưng khó khăn đặt ra với họ cũng không hề nhỏ, bởi hiện nay giáo trình đào tạo chuyên ngành tên lửa S-300PMU-1 ở nhà trường còn rất thiếu, nên học viên không được đào tạo chuyên sâu về loại tên lửa này.
Thêm nữa, do đào tạo trong nước, nên trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nga của các cán bộ kỹ thuật trẻ còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng nhất định đến việc khai thác, sử dụng.
Trước thực tế đó, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn tên lửa 64 coi đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, nhân lực ngành kỹ thuật nói riêng là một yêu cầu vô cùng quan trọng.
Thượng tá Đỗ Văn Vịnh, Chính ủy Trung đoàn tên lửa 64 cho biết: Nhận thức con người là yếu tố quyết định đến chất lượng huấn luyện và khả năng SSCĐ của đơn vị, nên chúng tôi coi trọng tuyển chọn nguồn nhân lực ngay từ đầu vào.
Cán bộ mới ra trường về đơn vị phải là những đồng chí có kết quả học tập giỏi; khi về đơn vị sẽ được chỉ huy trung đoàn trực tiếp giao nhiệm vụ, kiểm tra, giúp đỡ; được các cán bộ giàu kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn.
Các cán bộ trẻ khi về đơn vị đều được Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn tên lửa 64 giao nhiệm vụ và yêu cầu trong một thời gian nhất định phải làm quen được với khí tài, sau đó phải vận hành và làm tham số kỹ thuật thuần thục.
Hàng tháng đơn vị đều kiểm tra tiến độ huấn luyện của cán bộ trẻ; 3 tháng sẽ kiểm tra khả năng thực hiện các bài định kỳ tuần cho vũ khí trang bị; sau 6 tháng sẽ đánh giá khả năng thực các bài định kỳ tháng, định kỳ mùa. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đơn vị sẽ có các biện pháp huấn luyện tiếp theo cũng như có hướng sử dụng cán bộ phù hợp.
Nói về chất lượng đội ngũ cán bộ ngành kỹ thuật, Thượng tá Nguyễn Quốc Văn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 64 khẳng định:
Đến nay, cán bộ, kỹ sư và các kỹ thuật viên của ngành kỹ thuật đều thuần thục chuyên môn nghiệp vụ trên từng vị trí công tác. Anh em không chỉ vận hành và làm tham số kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mà còn có thể sửa chữa được các trang thiết bị hỏng hóc vừa và nhỏ.
Để nâng cao trình độ ngoại ngữ chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật trẻ, đơn vị cũng đã được cấp trên tạo điều kiện cho phối hợp với một số học viện, nhà trường, tổ chức các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho đội ngũ trợ lý kỹ thuật và các kỹ thuật viên trực tiếp quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật, chủ yếu là tiếng Nga và tiếng Anh.
Để "rồng lửa" vươn cao
Những ngày cuối tháng 2. Đang là tiết xuân nhưng mặt trời vẫn nắng gắt khi trưa đến. Tại khu vực nhà xe đạn, xe đài điều khiển... đội ngũ kỹ thuật viên của Trung đoàn tên lửa 64 đang cần mẫn thực hiện nhiệm vụ bảo quản khí tài, trang bị, mồ hôi rịn trên những khuôn mặt đỏ gay.
Đại úy Dương Thanh Tùng (ngoài cùng bên phải) và nhân viên kỹ thuật của Trung đoàn tên lửa 64 tiến hành bảo dưỡng trang bị
Vừa hướng dẫn, kiểm tra lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo quản, Đại úy Dương Thanh Tùng, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn tên lửa 64 vừa cho biết:
Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật luôn được đơn vị chú trọng. Trong bảo quản, bảo dưỡng, cơ quan kỹ thuật luôn lập kế hoạch chặt chẽ; triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng quy trình và hướng dẫn sử dụng.
Hàng năm, đơn vị đều duy trì hiệu quả công tác định kỳ mùa (2 lần/năm). Hàng tuần, ngày kỹ thuật đều được tổ chức vào chiều thứ 6 (bảo quản, bảo dưỡng phần cơ) và sáng thứ 7 (phần điện).
Hoạt động này vừa nâng cao chất lượng, tuổi thọ của vũ khí, khí tài trang bị, vừa dự báo đúng và khắc phục kịp thời những hỏng hóc có thể phát sinh, bảo đảm hệ số kỹ thuật của đạn tên lửa, phương tiện đo và các trang thiết bị khác luôn đạt 100%.
Được đào tạo tại Học viện Phòng không vũ trụ Zhukov (Liên bang Nga), về Trung đoàn tên lửa 64 từ năm 2014, nhiều kinh nghiệm đã được các thế hệ cán bộ đi trước truyền lại cho Đại úy Hoàng Công Ích, Trợ lý kỹ thuật của trung đoàn. Anh chia sẻ:
"Khi đã thành thục trong khai thác khí tài, trang bị sẽ dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, muốn làm tắt. Nhưng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trung đoàn luôn xác định phải chấp hành nghiêm quy tắc và hướng dẫn sử dụng, bởi đó cũng là biện pháp vừa bảo đảm an toàn cho người và trang bị, vừa nâng cao tuổi thọ của khí tài".
Để chủ động sửa chữa hỏng hóc phát sinh, Trung đoàn tên lửa 64 đã thành lập, duy trì hoạt động của các tổ sửa chữa theo từng xe, như xe đài điều khiển, xe ra đa, xe bệ phóng... thay vì chỉ duy trì một tổ sửa chữa trung tâm như đơn vị sở hữu các loại tên lửa khác.
Các tổ này được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu từng loại xe, do đó khả năng nắm bắt khí tài rất tốt, có kỹ năng "bắt bệnh" nhanh, chính xác, làm cơ sở cho việc sửa chữa các hỏng hóc phát sinh trong thời gian sớm nhất.
Trong sửa chữa hỏng hóc, Đại úy Hoàng Công Ích và các cán bộ, nhân viên kỹ thuật luôn "bút ký" cụ thể từng "ca bệnh" để làm tài liệu phục vụ những lần xử lý hỏng hóc tương tự sau này, đồng thời làm tài liệu cho lứa cán bộ kế tiếp.
Nhằm quản lý, khai thác hiệu quả tên lửa S-300PMU-1, pháo ZSU-23, tên lửa A-89, Trung đoàn tên lửa 64 cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các nhà máy, viện nghiên cứu để sản xuất ra các vật tư, linh kiện thay thế khan hiếm phải nhập ngoại trước đây, phục vụ cho việc sửa chữa các hỏng hóc thường gặp.
Nỗ lực của ngành kỹ thuật Trung đoàn tên lửa 64 luôn bảo đảm cho tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU-1 có hệ số kỹ thuật cao nhất
"Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là nội dung được ngành kỹ thuật hết sức quan tâm và thực hiện bước đầu đạt kết quả tốt", Đại úy Dương Thanh Tùng cho biết thêm.
Hiện nay, Trung đoàn tên lửa 64 đang sở hữu nhiều sáng kiến có giá trị như: Mô hình kiểm tra, tìm kiếm hỏng hóc của đài ra-đa; Mô hình huấn luyện kíp trắc thủ đài điều khiển; mô hình vận hành máy phát tuốc bin khí...
Việc huấn luyện trên các mô hình này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, như cùng một lúc huấn luyện được nhiều người; tiết kiệm nhiên liệu; đặc biệt tiết kiệm được thời gian tích lũy của vũ khí, khí tài trang bị.
Nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật được duy trì vững chắc; có sự đột phá trong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đó là cảm nhận của những ai đã từng đến Trung đoàn tên lửa 64, và nay có dịp trở lại.
Như những chú "ong thợ" cần mẫn sớm hôm, các cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên đã đưa Ban Kỹ thuật luôn là một trong những lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng của Trung đoàn tên lửa 64.
Nhưng với các anh, phần thưởng lớn hơn, ý nghĩa hơn cả là chất lượng kỹ thuật của các loại vũ khí, khí tài của đơn vị luôn được duy trì tốt. Những cố gắng hôm nay của các chàng "ong thợ" đang "tiếp sức" cho "rồng lửa" S-300PMU-1 và các loại vũ khí khác sẵn sàng vươn cao, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.