Sắc lệnh đặc biệt của Tổng thống Nga Putin
Ít giờ trước, truyền thông Nga đưa tin Tổng thống nước này ông Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh đặc biệt chỉ đạo chính phủ phát triển và thực hiện một loạt biện pháp nhằm tăng sức mạnh tính toán của các siêu máy tính ở Nga.
Quyết định này được vị nguyên thủ quốc gia đưa ra ngay sau hội nghị "Hành trình vào thế giới trí tuệ nhân tạo (AI)" tổ chức tại Nga vào tháng 11/2023. Nội dung của sắc lệnh được công bố trên trang web của Điện Kremlin cho biết:
"(Cần) phát triển và thực hiện một loạt biện pháp nhằm tăng sức mạnh tính toán của các siêu máy tính đặt tại Liên bang Nga”.
Được biết bên cạnh sắc lệnh, ông Putin cũng đưa ra chỉ thị về các thông số cụ thể mà chính phủ Nga cần đạt được trong mục tiêu tăng cường năng lực.
Ngoài ra sắc lệnh cũng đề cập tới một yêu cầu khác của ông Putin rằng trước ngày 31/3/2024, chính phủ và Bộ Ngoại giao Nga "phải xem xét các biện pháp nhằm tương tác giữa các nhà phát triển Nga trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với các đồng nghiệp từ các nước thân thiện".
Cần lưu ý rằng trong câu trả lời trong cuộc phỏng vấn gần đây về việc chúng ta có nên lo sợ AI hay không, ông Putin cho rằng "không thể ngăn cản sự phát triển của AI, trong đó có siêu trí tuệ" đồng thời nhấn mạnh:
"Vì vậy, mọi việc phải được thực hiện để chúng ta có thể trở thành một trong những nước đi đầu theo hướng này".
Sắc lệnh mới của Tổng thống Nga khiến chúng ta đặt ra hai câu hỏi, đầu tiên là nước này hiện dùng siêu máy tính để làm gì? Tiếp theo là hiện có bao nhiêu siêu máy tính? Và cuối cùng là những siêu máy tính mới có thể giúp Nga "đi đầu" trong lĩnh vực AI ra sao?
Nga đang có bao nhiêu siêu máy tính?
Để trả lời các câu hỏi nói trên, cần lưu ý rằng siêu máy tính là công cụ cần thiết để tính toán nhanh.
Sự khác biệt chính của chúng so với máy tính thông thường là chúng thực hiện các nhiệm vụ đồng thời chứ không phải tuần tự. Siêu máy tính được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ việc tạo ra thuốc cho đến phát triển các sản phẩm và công nghệ mới bao gồm cả AI.
Về câu hỏi Nga hiện có bao nhiêu siêu máy tính, vào tháng 10/2023 dữ liệu từ Digital Economic ANO cho biết rằng Nga hiện có 7 siêu máy tính được đưa vào bảng xếp hạng 500 siêu máy tính hàng đầu thế giới.
Nga hiện đứng thứ 12 trong bảng xếp hạng, những nước đứng đầu bao gồm Mỹ có 150 máy, Trung Quốc có 134, tiếp theo là Đức với 36, Nhật Bản với 33.
Bảng xếp hạng này cũng đưa ra gợi ý câu trả lời về việc người Nga đang tính toán "tương tác" với "nước thân thiện" nào để phát triển những siêu máy tính mới.
Nga sẽ "tương tác" như thế nào?
Trong số các siêu máy tính của Nga, có 3 chiếc thuộc sở hữu của công ty công nghệ Yandex, 2 thuộc về ngân hàng lớn nhất của Nga và Đông Âu, lớn thứ ba Châu Âu là Sberbank, 2 chiếc còn lại thuộc Đại học quốc gia Moscow (Lomonosov) và Công ty viễn thông MTS (GROM).
Tất cả các siêu máy tính này đều chạy trên các GPU (Graphics Processing Unit/Đơn vị xử lý đồ họa hay Card đồ họa) Nvidia tương đối cũ là Tesla K, P-series, A100.
Siêu máy tính mạnh nhất của Yandex có 1.592 GPU Nvidia A100 và đứng thứ 27 trên thế giới về sức mạnh tính toán tương đương 21,53 petaflop. Để so sánh, hiệu năng của siêu máy tính mạnh nhất thế giới của Mỹ là 1.194 petaflops.
Giám đốc nghiên cứu của VisionLabs, Alexander Chigorin lưu ý rằng GPU Nvidia H100 nhanh hơn 1,66 lần so với A100. Và Nga chỉ cần sở hữu 10 siêu máy tính với số GPU H100 trên mỗi chiếc là 15.000 để lọt vào top 10 xếp hạng siêu máy tính thế giới.
Theo vị chuyên gia, sức mạnh tính toán như vậy là cần thiết đối với các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) ví dụ như GPT4.
Bên cạnh việc sử dụng để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn và tạo ra các chatbot dựa trên AI tiên tiến nhất, các chuyên gia Nga cũng lưu ý rằng các siêu máy tính có thể thực hiện dự đoán thời tiết, mô phỏng kỹ thuật, tổng hợp vật liệu mới, mô hình hóa không gian.
Quay trở lại câu chuyện "tương tác" với "nước thân thiện", Giám đốc điều hành của Promobit ông Maxim Koposov cho biết giá trị của 10 siêu máy tính có từ 10.000–15.000 GPU sẽ vào khoảng 6 tỷ USD.
Chuyên gia này tin rằng có lẽ sẽ rất khó cho Nga để thu thập số lượng GPU như vậy mà nhà sản xuất Phương Tây không nhận ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt hiện tại.
Và "sẽ phù hợp hơn nếu đầu tư số tiền như vậy vào việc tạo ra GPU của Nga thông qua hợp tác với các nước thân thiện".
Theo một báo cáo báo cáo mới nhất do Omdia Semiconductor Research công bố, trong năm 2023 vừa qua Microsoft và công ty mẹ Meta của Facebook đứng đầu danh sách các tổ chức mua GPU H100 từ Nvidia - cả hai đều mua 150.000 GPU H100.
Các công ty như Google, Amazon và Oracle mỗi công ty nắm giữ 50.000 GPU.
Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cũng là những khách hàng lớn của Nvidia, chẳng hạn như Tencent đã mua 50.000 GPU H800, trong khi Baidu và Alibaba lần lượt mua 30.000 và 25.000 GPU.
Được biết Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cũng đang có kế hoạch tăng cường nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chủ chốt bao gồm GPU.