Gần đây, Nga đang khẩn trương bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ, đồng thời trước cuối năm 2020 sẽ chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG 29UPG và Su-30 bản nâng cấp cho Không quân Ấn Độ.
Nhìn lại năm 2019, Nga đã hợp tác xuất khẩu vũ khí với hơn 50 quốc gia, với tổng giá trị xuất khẩu hơn 15,2 tỉ USD và luôn duy trì vị thế hàng đầu trên thị trường vũ khí quốc tế.
Dưới áp lực trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Nga vẫn có thể xuất khẩu vũ khí với quy mô lớn. Vậy, Nga sử dụng chiến lược nào và chiến lược này sẽ ảnh hưởng đến bố cục quân sự thế giới ra sao?
Xuất khẩu vũ khí là một trong những chính sách quan trọng của Nga. Nguồn: people.com.cn.
Điều chỉnh tư duy xuất khẩu và thực hiện các chính sách thiết thực
Đa số vũ khí Nga được xuất khẩu sang các nước Trung Đông, trong đó “đắt hàng” nhất là hệ thống S-400 và máy bay chiến đấu Su-35. Ngoài ra, Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất châu Phi, chiếm một nửa thị phần vũ khí của khu vực này, nhiều hơn gấp đôi Trung Quốc và Mỹ.
Về cơ cấu xuất khẩu vũ khí, Nga duy trì cơ cấu cung cấp tương đối ổn định, với thiết bị không quân là chủ lực, các thiết bị của hải quân, lục quân và hệ thống phòng không là bổ sung.
Nga có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất vũ khí và thiết bị, do vậy nhiều loại vũ khí xuất khẩu của Nga có hiệu suất đáng tin cậy. Mặc dù Mỹ nhiều lần áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành xuất khẩu vũ khí của Nga, nhưng nhiều nước vẫn chọn Nga làm đối tác thương mại vì hiệu suất cao của vũ khí Nga.
Đối với Nga, hoạt động thương mại vũ khí quốc tế đóng một vai trò không thể thiếu trong việc duy trì hình ảnh của mình như một cường quốc thế giới, và cũng là một liên kết quan trọng trong việc duy trì quan hệ với các khu vực liên quan. Hiện nay, hầu hết các nước nhập khẩu vũ khí đều tuân theo chiến lược quốc phòng "cải cách vũ khí hiện có là chủ lực và mua vũ khí mới là bổ sung".
Nga tích cực kết nối với các nước nhập khẩu vũ khí, coi việc đáp ứng yêu cầu chiến đấu của các nước này là mục đích và sẵn sàng nâng cấp vũ khí cùng trang thiết bị cho họ. Ngoài ra, Nga cũng tăng cường hợp tác cùng các nước này trong việc cùng nhau phát triển vũ khí và thiết bị mới để tăng cường và thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực vũ khí.
Với mục tiêu cuối cùng là phục vụ yêu cầu và sản xuất vũ khí cần thiết cho các nước nhập khẩu, Nga liên tục điều chỉnh tư duy xuất khẩu, mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hoạt động quảng bá thông qua thử nghiệm chiến trường thực tế là một yếu tố quan trọng để Nga đạt được sự tăng trưởng ổn định trong xuất khẩu vũ khí. Tại Diễn đàn công nghệ quân sự quốc tế hồi tháng 6/2019, Nga đã trưng bày các hệ thống phòng không S-400, máy bay chiến đấu Su-35, xe bọc thép đổ bộ đường không BMD-4M, máy bay chiến đấu Mi-28 và các thiết bị khác, thu hút nhiều khách quốc tế.
Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Nga cũng tăng cường tuyên truyền về vũ khí và thiết bị của Moscow tại các triển lãm quốc tế lớn và chiến lược "chứng thực" cấp cao của Chính phủ Nga chính là động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp quốc phòng Nga tăng cường xuất khẩu vũ khí.
Hệ thống S-400 là vũ khí bán chạy nhất của Nga. Nguồn: people.com.cn.
Kích thích tăng trưởng kinh tế và thể hiện sức mạnh cường quốc
Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Nhưng sau năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, địa vị quốc tế giảm mạnh và xuất khẩu vũ khí chỉ ở mức thấp.
Phải đến năm 1999, khi ông Putin lên nắm quyền, đã quyết định nâng xuất khẩu vũ khí lên tầm chiến lược quốc gia, tích cực tham gia thị trường xuất khẩu vũ khí toàn cầu, coi xuất khẩu quân sự là công cụ chính để thực hiện lợi ích an ninh quốc gia.
Từ đó, ông đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp và phương thức để mở rộng xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng dần và nền kinh tế dần dần khôi phục. Nga đã giữ vững vị thế của nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
Thương mại vũ khí là một công cụ chính trị, và tính đặc thù của vũ khí xuất khẩu là điểm then chốt trong việc xác định quan hệ quốc tế. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô coi xuất khẩu vũ khí là một phương tiện quan trọng trong "tranh bá Mỹ-Liên Xô".
Ngày nay, Nga tiếp tục sử dụng xuất khẩu vũ khí làm công cụ chính để hiện thực hóa lợi ích an ninh quốc gia, đặc biệt là trong cạnh tranh địa chính trị ở Đông Á và Trung Đông.
Nga đã bán vũ khí cho Syria để có được nguồn tài nguyên dầu khí của nước này. Như một phần thưởng cho việc bán vũ khí của Nga cho Syria, các công ty dầu khí Nga đã ký nhiều thỏa thuận thương mại với Bộ Dầu khí Syria. Ngoài ra, Nga cũng đã giành được quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ Bangladesh bằng cách cung cấp khoản vay trị giá 1 tỉ USD cho việc xuất khẩu vũ khí sang Bangladesh ở Nam Á.
Đối với bất kỳ quốc gia xuất khẩu vũ khí nào, hoạt động xuất khẩu vũ khí quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong các chính sách đối ngoại và duy trì ảnh hưởng của mình.
Thương mại vũ khí của Nga đã giúp nước này duy trì quan hệ chặt chẽ với các đồng minh trong việc cùng nhau đối phó với mối đe dọa từ các quốc gia khác, đảm bảo sự ổn định nội bộ và duy trì hình ảnh của một cường quốc. Nói chung, Nga sử dụng thương mại xuất khẩu vũ khí để thực hiện chính sách đối ngoại, từ đó hiện thực hóa lợi ích quân sự mình.
Tổng thống Putin đã sáng suốt khi đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí để khôi phục vị thế Nga. Nguồn: people.com.cn.
Tích cực ứng phó với các thách thức và củng cố vị trí thống lĩnh
Trong những năm gần đây, tình hình xuất khẩu vũ khí của Nga phát triển ổn định nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một mặt, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, quan hệ quốc tế rất phức tạp và dễ thay đổi, xu hướng này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vũ khí.
Ngoài ra, biến động trong nền kinh tế quốc tế sẽ ảnh hưởng đến quy mô xuất khẩu vũ khí. Nếu nền kinh tế thế giới suy giảm, việc giảm nhập khẩu vũ khí thường là biện pháp được hầu hết các nước áp dụng.
Mặt khác, Mỹ và phương Tây không ngừng tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Những nhân tố này làm cho hoạt động xuất khẩu vũ khí và phát triển kinh tế của Nga gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Nga đã có những phản ứng mạnh mẽ với điều này.
Tổng thống Putin đã ký chính sách ngăn chặn hạt nhân và kiên quyết bảo vệ an ninh lợi ích quốc gia, phát triển vũ khí răn đe chiến lược, hình thành “bộ ba” hạt nhân chiến lược.
Cùng với đó, Nga cũng tăng cường các cuộc tập trận quy mô lớn ở biển Baltic, biển Đen và Thái Bình Dương, tất cả những điều này là nhằm cung cấp môi trường an ninh cho sự phát triển quân sự và kinh tế của mình, từ đó có thể thể tối đa hóa lợi ích địa chính trị và quân sự của Moscow.
Với sự bất ổn trong tình hình dịch bệnh toàn cầu, sự gia tăng của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa thương mại, cùng các vấn đề nóng ở các khu vực, một cuộc chạy đua vũ trang đang dần hình thành.
Bên cạnh những thách thức đặt ra thì xu hướng này cũng là một cơ hội để Nga tăng cường hoạt động xuất khẩu vũ khí, củng cố vững chắc vị thế của mình tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông và Châu Phi, đồng thời mở rộng ra các thị trường khác.