Trả lời phỏng vấn truyền thông Serbia ngày 15-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng: “Chúng tôi sẽ không nhắm mắt làm ngơ việc Mỹ triển khai tên lửa hành trình (ở châu Âu) và mối đe dọa trực tiếp của chúng cho an ninh chúng tôi. Chúng tôi sẽ có các biện pháp đáp trả tương thích. Tuy nhiên, là một quốc gia có trách nhiệm và có hiểu biết, Nga không mong muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới”.
Theo Tổng thống Putin, Moscow tháng 12-2018 đã gửi cho Washington một số đề xuất về việc duy trì Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ngoài ra, ông Putin cho biết Nga sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với Mỹ về một chương trình nghị sự chiến lược tổng thể. Tuy nhiên, ông Putin nhận định Mỹ dường như thực thi chính sách hủy bỏ cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu.
“Mặc dù Mỹ nói muốn rút khỏi INF , nhưng chúng tôi vẫn mở cửa đối thoại về việc làm thế nào để duy trì hiệp ước đó. Tuy nhiên, Mỹ đang cố gắng phá vỡ hệ thống các thỏa thuận quốc tế về kiểm soát vũ khí, hoặc họ chỉ tuân thủ những điều khoản phục vụ cho lợi ích của họ. Việc họ thông báo rút khỏi INF là một mắt xích tiếp theo trong chuỗi hoạt động phá vỡ như vậy” - ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Putin yêu cầu các đối tác phương Tây thiết lập cơ chế đối thoại dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Theo ông Putin, đây là chìa khóa để giữ gìn hòa bình toàn cầu và ổn định khu vực.
“Tình hình hiện nay là kết quả của các hành động đơn phương liên tiếp do Mỹ và một số quốc gia phương Tây thực hiện, bao gồm sử dụng vũ lực. Điều này tạo ra bầu không khí đối đầu và ngờ vực”- ông Putin nói.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng sự bành trướng quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu là chiến lược mang tính hủy diệt. Ông mô tả chiến lược này là “di tích của Chiến tranh Lạnh”. Theo lãnh đạo Nga, NATO hiện đang cố gắng củng cố vị thế của khối tại khu vực Balkan.
Một vụ nổ hạt nhân. Ảnh: Pixabay
“Chính sách của Mỹ và một số quốc gia phương Tây ở vùng Balkan, những nước tìm cách khẳng định sự thống trị của họ trong khu vực, là yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng. Điều này tạo ra sự chi rẽ trên lục địa châu Âu và vi phạm trắng trợn quy tắc không chia rẽ về an ninh. Điều này sẽ càng làm tăng hoài nghi và căng thẳng ở châu Âu, thay vì nâng cao sự ổn định” – Tổng thống Putin cảnh báo.
Tổng thống Putin trả lời cuộc phỏng vấn trên trước thềm chuyến thăm Serbia. Theo ông, Serbia quyết định xích lại gần Liên minh châu Âu không gây cản trở cho hợp tác “nhiều mặt” giữa Nga và Serbia.
“Chúng tôi đã cung cấp cho Serbia thiết bị quân sự và vũ khí cũng như hỗ trợ công tác bảo trì… Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển sự hợp tác quân sự-kỹ thuật này” – ông Putin cam kết.