Ông Putin lo sợ vụ thảm sát ghê rợn trong lịch sử châu Âu có thể tái hiện ở Ukraine

Hải Võ |

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/10 nói rằng việc đóng của biên giới của Nga với khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine có thể dẫn đến "một cuộc thảm sát theo kiểu Srebrenica".

Cuộc xung đột ở khu vực Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine nổ ra vào năm 2014, chỉ vài tuần sau các cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Kiev nhằm lật đổ tổng thống khi đó là ông Viktor Yanukovych.

Moskva sau đó bác bỏ mọi cáo buộc rằng quân đội Nga hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông và cầm chân quân chính phủ Ukraine trong cục diện giằng co ở khu vực gần biên giới với Nga trong suốt 3 năm qua.

Theo tổng thống Putin, quyết định không đóng cửa các đoạn biên giới của Nga tiếp giáp với vùng lãnh thổ do phe ly khai Ukraine kiểm soát xuất phát từ những lo ngại về vấn đề nhân đạo. Ông so sánh tình hình khủng hoảng Ukraine với một trong những vụ thảm sát đẫm máu nhất tại châu Âu sau Thế chiến II.

"Tôi sẽ nói với các vị về điều mà chúng ta lo sợ, nếu mọi người đề cập đến việc chúng ta sợ cái gì," ông Putin trước các chuyên gia tham dự cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi, Nga.

Ông liệt kê một loạt yêu cầu mà Moskva đã truyền đạt tới Kiev, bao gồm phê chuẩn tình trạng đặc biệt cho vùng lãnh thổ ly khai và ân xá các thành viên phe nổi dậy bị bắt giữ.

Theo ông Putin, "Nếu những yêu cầu này không được thực thi thì việc đóng cửa biên giới giữa Nga với các nước Cộng hòa [Donetsk và Luhansk] chưa được công nhận sẽ dẫn tới một tình huống giống như ở Srebenica".

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bay trên MiG-29

Sau khi Bosnia & Herzegovina - một trong 6 chủ thể thuộc Liên bang Nam Tư cũ - tuyên bố độc lập năm 1992, chiến tranh bùng nổ giữa ba sắc tộc Serbia, Croatia và Bosnia vào ngày 6/4/1992. Cuộc chiến khép lại với hiệp định Dayton ký kết ngày 14/12/1995.

Tháng 7/1995, khoảng 15.000 người từ Srebrenica chạy trốn quân đội người Serb ở Bosnia trên chặng đường kể trên. Tại Srebrenica, 8.342 người Hồi giáo Bosnia đã bị thảm sát bởi lực lượng do tướng Ratko Mladic chỉ huy.

Theo cáo buộc của phương Tây, quân của ông Mladic đã tấn công Srebrenica ngày 11/7/1995, đánh bật lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, bắt giữ hàng nghìn đàn ông và trẻ em nam người Hồi giáo đưa lên xe tải, hành quyết họ ở một khu rừng gần đó rồi chôn thi thể các nạn nhân.

Bình luận của tổng thống Nga so sánh tình hình ở Ukraine với nguy cơ xảy ra một vụ "Srebrenica 2.0" được đưa ra vài ngày sau khi ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi kết thúc phiên tòa về các tội ác chiến tranh trong vụ chia cắt Nam Tư. Moskva chỉ trích tòa án "có thành kiến" với người Serb.

Ông Putin cho rằng chính châu Âu có lỗi trong cuộc khủng hoảng Ukraine, và chỉ có các nước lớn ở châu Âu mới có thể hành động để thay đổi tình hình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại