Ông Hoàng Nam Tiến: “Không nhất thiết phải làm gà thì mới biết nước sôi là nóng”

Minh Hằng |

Theo ông Hoàng Nam Tiến, các bạn trẻ, đặc biệt là GenZ nếu như gặp được những người này thì sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian trong hành trình học hỏi và trải nghiệm.

Trong một khóa học do VietnamWorks tổ chức, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, chia sẻ, khi bước chân vào ĐH FPT, các bạn sẽ thấy một bức tượng gọi là "Seft-made man". Đây là biểu tượng của ĐH FPT. Đây là hình tượng người đàn ông đang dùng búa để đục đẽo chính tảng đá nằm trên mình. Mỗi ngày người này đều đục đẽo một chút. Anh ta đã làm cho mình đẹp lên mỗi ngày. Bức tượng trong khuôn viên ĐH FPT là phiên bản cuối cùng.

Ông Hoàng Nam Tiến: “Không nhất thiết phải làm gà thì mới biết nước sôi là nóng” - Ảnh 1.

Bức tượng "Seft made man" trong khuôn viên ĐH FPT. Ảnh: FPT

Từ câu chuyện về bức tượng này, theo ông Hoàng Nam Tiến, trên đời không có ai là người hoàn hảo. Nhưng chúng ta có một quyền rất lớn, cũng giống như bức tượng này. Đó là chúng ta có thể tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển để trở thành cái tôi, phiên bản của chính mình đẹp hơn qua mỗi ngày là đích đến.

"Có những ai đó từng thành công nhờ may mắn, nhờ vào quan hệ mà họ thành công hơn chúng ta, nhưng ngày hôm nay thì đã khác. Ngày hôm nay chúng ta đều đồng ý với nhau rằng thực học là nền tảng của thành công. Điều này làm cho chính chúng ta, đặc biệt là các bạn Gen Z, đã ngày đêm tự học, học tập để lấy kinh nghiệm, phải tự hào vì ngày nay xã hội đánh giá về thực học của chúng ta", Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nhấn mạnh.

Đâu là tiêu chí để đánh giá một nhân sự toàn diện trong doanh nghiệp?

Ông Hoàng Nam Tiến: “Không nhất thiết phải làm gà thì mới biết nước sôi là nóng” - Ảnh 2.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, các bạn trẻ hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian trải nghiệm và kinh nghiệm nếu gặp được những người thầy tốt và đồng đội tốt. Ảnh: MH

FPT hiện có 72.000 người và làm việc ở trên 30 quốc gia khác nhau. Vậy, liệu FPT đánh giá một nhân sự ra sao?

Trên thực tế, không riêng gì FPT mà nhiều doanh nghiệp khác thường có 5 tiêu chí để đánh giá một con người toàn diện. Thứ nhất, tố chất. Đó là trời sinh. Chẳng hạn, trời sinh các bạn có khả năng tư duy logic, tính toán hay cảm thụ âm nhạc... Ngược lại, có những bạn có khả năng rất nhạy cảm với màu sắc. Thứ hai là phẩm chất. Điều này có được là do rèn luyện. Đúng giờ một phẩm chất. Hợp tác được với những người khác là một phẩm chất... Thứ ba là tri thức. Điều này có được là nhờ học hành. Thứ tư là năng lực. Điều này chỉ có được qua thử thách.

Theo ông Hoàng Nam Tiến: "Tôi đã chứng kiến có những người đi làm đến năm 50 tuổi rồi vẫn không thấy có năng lực gì, bởi vì họ không có được những thử thách thực sự".

Thứ năm là kinh nghiệm. Thời gian sẽ cho chúng ta kinh nghiệm.

"Không nhất thiết phải làm gà thì mới biết nước sôi là nóng", theo ông Hoàng Nam Tiến, "Nếu như các bạn thực sự gặp được những người thầy tốt, đồng đội tốt thì các bạn có thể có được những kinh nghiệm và trải nghiệm trong thời gian rất ngắn. Chúng ta đều biết là kinh nghiệm thì trả giá bằng tiền, còn trải nghiệm trả giá bằng đau thương. Vì vậy, chúng ta có thể gặp thầy rất giỏi, đồng nghiệp rất tốt để học được rất nhanh về kinh nghiệm và trải nghiệm".

Chúng ta rất dễ để phán xét người khác nhưng lại ít khi có năng lực để đánh giá chính bản thân mình. Liệu rằng khi ngồi lại và tự đánh giá thì liệu chúng ta được mấy điểm trong 5 tiêu chí này? Tố chất là trời sinh, khó có thể thay đổi được. Nhưng chúng ta có thể bù đắp được qua phẩm chất. Ngày hôm nay phẩm chất chỉ có 5 điểm, nhưng nếu có rèn luyện và thay đổi bản thân mỗi ngày thì chúng ta có thể được 8 hoặc 9 điểm về phẩm chất. 

Chúng ta học mỗi ngày, phát triển mỗi ngày và chúng ta sẽ ít nhất được điểm 7 về kiến thức và tri thức. 

"Sau đó, chúng ta sẽ cam kết với lãnh đạo, sẵn sàng nhận mọi thử thách và quyết chiến để làm được việc đấy thì năng lực của chúng ta sẽ lên theo mỗi năm và kinh nghiệm cũng sẽ có được theo năm tháng. Rất có thể các bạn sẽ trở thành con người khác hẳn chỉ sau 1 – 3 năm", ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.

"Để ước mơ trở thành hiện thực, việc đầu tiên là phải tắt điện thoại, dừng xem TikTok…"

Ông Hoàng Nam Tiến: “Không nhất thiết phải làm gà thì mới biết nước sôi là nóng” - Ảnh 4.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, người trẻ muốn thành công thì trước mắt cần phải thay đổi.

Trong chúng ta luôn luôn có những đam mê. Lấy dẫn chứng về một trong những người giàu nhất trên thế giới khởi nghiệp vào năm 56 tuổi, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh rằng "không có gì là trễ".

Tuy nhiên, chỉ có đam mê là chưa đủ. Chúng ta phải có ước mơ. Trên cả ước mơ nếu như các bạn muốn trở thành người khác biệt, thậm chí là tách biệt ra khỏi đám đông thì phải có khát vọng.

Khát vọng với người khác có thể là "ảo tưởng, mơ hồ, nổ", nhưng với bạn là đặt toàn bộ tinh thần mình vào đấy. Nhưng nếu chỉ có đam mê, ước mơ và khát vọng thì vẫn chưa đủ. 

Ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh: "Tôi luôn luôn nói với các bạn trẻ rằng, để ước mơ trở thành hiện thực và đam mê có thể sờ, nắm được thì việc đầu tiên là phải tắt điện thoại, dừng xem TikTok, ra khỏi giường và bắt đầu hành động. 

Hơn nữa, để khát vọng trở thành hiện thực thì các bạn cần phải có lao động. Đừng nghĩ rằng mình có thể chộp giật, gặp may, có thể nhờ quan hệ mà thành công được. Tiếp đến, các bạn cần phải kiên trì, kiên nhẫn, kiên định và lỳ lợm để đi đến mục tiêu. Các bạn phải nhớ rằng chỉ có kỷ luật trong cuộc đời, kỷ luật trong công việc, trong việc thực hiện nhiệm vụ thì mới thành công được".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại