Ông Đinh La Thăng gợi ý cho mỗi hộ dân vay 400 triệu nuôi chim yến

Nguyễn Cường |

Ngày 25/12 Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng đoàn công tác của Thành ủy đã có buổi làm việc với UBND huyện Cần Giờ về tình hình kinh tế xã hội, nông nghiệp trong năm 2016.

Trước khi làm việc với UBND huyện, Bí thư thành uỷ cùng đoàn công tác đã đi xuống đầm nuôi tôm, ao làm muối, nhà nuôi yến của một số hộ dân để tìm hiểu cách thức làm ăn nhằm đưa ra các hỗ trợ phù hợp.

Báo cáo về sản lượng muối, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Huỳnh Trang cho biết hằng năm toàn huyện làm được khoảng 94.000 tấn, nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 45.000 tấn.

Không những vậy số muối này chỉ tiêu thụ được một phần trên địa bàn TP.HCM chứ không thể xuất khẩu do không đủ tiêu chuẩn.

Nhận định về cách làm này, ông Thăng cho rằng người dân sẽ không thể thoát nghèo vì hiện giá thành sản xuất muối tại đây còn cao hơn giá bán.

Do đó ông gợi ý các sở ngành TP nên hỗ trợ cho người dân bằng cách cho mỗi hộ dân vay từ 300-400 triệu để xây nhà nuôi yến.

“Yến dễ nuôi, rủi ro thấp lại có lợi nhuận cao” – ông Đinh La Thăng nói và cho biết, nếu việc làm muối không hiệu quả, hỗ trợ vốn làm ăn không mang lại thu nhập tốt hơn thì nên dùng tiền đó hỗ trực tiếp cho người dân.

Ngay sau đó, khi được ông Thăng hỏi ý kiến về gợi ý trên, ông Trần Minh Hòa – một nông dân sản xuất giỏi tại Cần Giờ cho rằng nếu người dân được như vậy thì quá tốt, bởi hiện nay tổng chi phí cho một nhà nuôi yến vào khoảng 500-600 ngàn đồng/tháng, trong khi giá bán yến khoảng 19-20 triệu đồng/kg.

“Đầu ra của yến không phải lo vì có bao nhiêu bán bấy nhiêu, thậm chí không đủ để bán” – ông Hòa cho hay.

Tiếp tục chỉ đạo tại đây, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh các địa phương, sở ngành cần đánh giá lại khó khăn của từng xã, kèm theo đó phải xây dựng hệ thống dữ liệu về thủy văn, khí hậu, thổ nhưỡng… để từ đó đưa ra kế hoạch sản xuất thật khoa học, phù hợp.

Ông cũng yêu cầu cán bộ sở ngành phải “bỏ tư duy ngồi ở sở chờ” mà cần xuống tận nơi để xem người dân cần gì, đồng thời phải tạo dựng cho được mối liên hệ giữa người dân với nhà nước, doanh nghiệp.

Cụ thể tại Cần Giờ, theo Bí thư Thăng thì việc cần làm trước mắt là xây dựng được những thương hiệu đặc trưng, và hình thành được các vùng nuôi tôm, yến tập trung để thu hút doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư.

Ông cũng yêu cầu các sở nghành tập trung lo cho Cần Giờ bởi “không thể để tại thành phố lớn mà lại có một huyện người dân quá khó khăn”.

Trước đó, báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết trên địa bàn có gần 2,7 ngàn hộ nuôi trồng thủy sản trong đó chủ yếu là nuôi tôm.

Theo ông Dũng, hiện các hộ dân đang chuyển từ nuôi tôm sú qua tôm thẻ chân trắng, mô hình nuôi cũng dần chuyển từ nhỏ lẻ sang sản xuất thâm canh, các bước tiến công nghệ trong lĩnh vực này được ứng dụng ngày càng nhiều làm tăng năng suất.

Trong lĩnh vực làm muối, thống kê cho thấy năm 2016 huyện còn 727 hộ sản xuất, năm nay thời tiết thuận lợi cùng với việc áp dụng phương thức sản xuất mới nên sản lượng muối tăng lên, tuy nhiên giá muối tiêu thụ bình quân chỉ 300-550 đồng/kg và có xu hướng giảm dù giá thành sản xuất bình quân 613 đồng/kg.

Riêng nghề nuôi yến, tại huyện đã có nhưng mới chỉ ở quy mô hộ gia đình nên khó quản lý.

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết thêm, trong thời gian tới huyện sẽ chuyển đổi theo hướng sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, các diện tích sản xuất muối cũng được chuyển sang nuôi tôm, cua cá và gắn với cơ sở chế biến, kèm theo các hoạt động du lịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại