Ông Đinh La Thăng: 8 tỉnh phía Nam phải hướng tới cơ chế của đặc khu kinh tế

Nguyễn Cường |

“Đây là vấn đề mấu chốt, vì vậy chúng ta phải xây dựng được một cơ chế hiệu quả để từng địa phương và cả vùng phải gắn với nhau…”.

Ngày 23/12 tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo về Cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng đểm phía Nam.

Buổi làm việc có sự tham gia của lãnh đạo của 8 tỉnh thuộc vùng, bao gồm TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Nêu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cho rằng Vùng kinh tế trong điểm phía Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, như chưa hoàn thiện được kết cấu hạ tầng giao thông nội vùng; đào tạo nguồn nhân lực chung, hay hình thành một thị trường lao động chung.

Theo ông, mối liên kết giữa các tỉnh trong vùng chưa chặt chẽ, mà chủ yếu là “liên kết chính quyền” chứ chưa hình thành đúng mức liên kết thị trường, liên kết doanh nghiệp.

Ngoài ra việc hợp tác còn dàn trải, và “mang nặng tính toàn diện”; định hướng phát triển giữa các tỉnh không rõ ràng dẫn đến cạnh tranh lẫn nhau trong thu hút đầu tư.

Trong khi đó giảng viên trường Đại học Ngân hàng TPHCM – PGS.TS Lý Hoàng Ánh nhấn mạnh rằng cần phải chỉnh sửa quy hoạch phát triển cho vùng kinh tế, trong đó quy hoạch của mỗi tỉnh phải gắn với không gian của các tỉnh – vùng lân cận, thậm chí cả nước, để không gian quy hoạch không bị chia cắt bởi các ranh giới hành chính, từ đó gây nên tình trạng phân bổ vốn đầu tư manh mún.

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam – PGS.TS Trần Đình Thiên thì nhận định rằng Vùng kinh tế trong điểm phía Nam cần phát triển mạnh hạ tầng giao thông hơn nữa để kết nối giữa các tỉnh, và cả các nước lân cận.

Ông cũng đề nghị trao quyền cho một Phó thủ tướng để điều hành, định hướng phát triển chung cho cả vùng.

Theo ông, hiện các tỉnh đang phát triển dựa vào quyền lực độc lập, do đó cơ chế, chức năng đều giống nhau như 64 nền kinh tế nằm cạnh nhau. Chính vì vậy ông đề nghị cần phải có một cơ chế điều hành chung.

Trong phát biểu sau đó, ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết cần nhìn nhận thẳng thắn rằng tình hình kinh tế xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo ông: “Tăng trưởng của vùng thiếu bền vững; công nghiệp công nghệ cao chậm phát triển dù có nhiều tiềm năng, nông nghiệp chưa thể hiện chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa có liên kết chặt chẽ giữa các loại quy hoạch trên địa bàn, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện…

Ngoài ra: “Hội đồng điều phối vùng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Chủ tịch TP.HCM đang là Chủ tịch Hội đồng những không thể điều phối được các tỉnh”.

“Nếu vẫn có cơ chế giao nhiệm vụ như hiện nay thì không liên kết được, vì tỉnh nào cũng được giao nhiệm vụ là phải đảm bảo giữ vững trật tự an ninh quốc phòng, kinh tế phát triển, GDP năm sau phải cao hơn năm trước, phải tái cơ cấu nền kinh tế…. thì người người ta không thể hy sinh lợi ích của địa phương cho lợi ích của cả vùng, đó là điều chắc chắn” – ông Đinh La Thăng tiếp tục.

“Đây là vấn đề mấu chốt, vì vậy chúng ta phải xây dựng được một cơ chế hiệu quả để từng địa phương và cả vùng phải gắn với nhau.

Hiệu quả của địa phương phải là hiệu quả của cả vùng và ngược lại, phải hướng tới một cơ chế như của đặc khu kinh tế” – ông Thăng tiếp tục, và nhấn mạnh rằng: “Đặc khu kinh tế này phải có không gian mở của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chứ không phải chỉ một ít có một vài chính sách khác biệt” - Bí thư Thành ủy nhận định.

Để khắc phục những hạn chế nói trên, ông Đinh La Thăng đề nghị các tỉnh cần đề xuất bổ sung các cơ chế trọng tâm, trong đó tập trung vào các ngành công nghiêp có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn.

Một điểm nữa ông cho rằng cần làm ngay là Hội đồng điều phối vùng phải phát huy tốt vai trò và cụ thể hóa được các nhiệm vụ của vùng.

“Chủ tịch Hội đồng phải có quyền điều phối và các tỉnh phải nghe, chứ không phải Chủ tịch đến bắt tay vui vẻ xong về rồi đâu lại vào đấy” – ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại