Ông Đinh La Thăng gợi ý bắn pháo hoa hàng tuần, chuyên gia lo ngại

Minh Hạnh |

Sau khi Bí thư Đinh La Thăng đưa ra gợi ý về việc xã hội hóa bắn pháo hoa hằng tuần để thu hút khách du lịch đã nhận được rất nhiều ý kiến bàn tán từ dư luận, lo ngại của chuyên gia.

Ngoài sự thích thú của người dân khi từ nay sẽ được xem pháo hoa nhiều hơn thì các chuyên gia văn hóa, du lịch lại cho rằng đây là vấn đề lợi bất cập hại.

Bắn pháo hoa hằng tuần có khả thi?

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng gợi ý bắn pháo hoa hàng tuần bằng nguồn xã hội hóa nhằm thu hút du lịch. Ý kiến này được ông đưa ra hôm 1/2 tại Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Ông Đinh La Thăng gợi ý bắn pháo hoa hàng tuần, chuyên gia lo ngại - Ảnh 1.

Bi thư Đinh La Thăng (trái) trao đổi với đại biểu tại Hội nghị

Ông Đinh La Thăng cũng cho rằng việc bắn pháo hoa vào dịp cuối tuần, lễ…là một đặc trưng của thành phố trong việc phát triển du lịch. Đồng thời ông nêu ra ví dụ việc Đà Nẵng cứ 2 năm lại thực hiện bắn pháo hoa quốc tế một lần và hiệu quả rất cao.

Gợi ý xã hội hóa bắn pháo hoa của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhằm thu hút tối đa nguồn vốn đầu tư từ xã hội cho đầu tư phát triển. Theo ông Thăng, TP.HCM có thể nghiên cứu để cuối tuần, mỗi dịp sinh nhật thành lập doanh nghiệp…có thể xin phép thành phố bắn pháo hoa.

Ngoài ra, ông Đinh La Thăng còn nhấn mạnh việc đầu tư giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, nước thải, chất thải, ô nhiễm môi trường, ngập nước và phòng cháy chữa cháy.

Xã hội hóa bắn pháo hoa dịp cuối tuần dù mới chỉ là gợi ý của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng nếu bắn pháo hoa mỗi cuối tuần sẽ có nhiều bất cập.

Anh Nguyễn Quốc Vương (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng: “Mỗi lần bắn pháo hoa là mỗi lần khói bụi mù mịt sẽ gây ô nhiễm môi trường. Nếu mỗi năm bắn một lần thì còn hứng thú, chứ mỗi tuần bắn một lần thì đảm bảo không nhiều người hào hứng.

Đó còn chưa kể đến việc bắn ở đâu, có an toàn hay không?. Đồng thời chi phí đấu thầu bắn pháo hoa sao không dành cho đấu thầu các hạng mục khác như xử lý môi trường, xử lý cống rãnh…Tình trạng kẹt đường, mất an ninh, cũng đáng phải lo ngại. Trong khi đó, có thể dùng tiền tổ chức bắn pháo hoa cho nhiều việc khác có ích hơn”.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng việc bắn pháo hoa mỗi cuối tuần có những mặt tích cực nhất định. Anh Nguyễn Trọng Khôi (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Xã hội hóa có nghĩa là cho tư nhân vào đấu thầu những công trình, cơ sở của nhà nước, nhân dân mang lại lợi ích chung nhiều nhất.

Do đó, nhà nước sẽ bớt phần gánh nặng bỏ tiền chi phí cho việc bắn pháo hoa, đồng nghĩa với việc dùng kinh phí này để đầu tư những hạng mục khác. Đành rằng bắn pháo hoa mỗi tuần sẽ ít người coi nhưng nó sẽ tạo nét đặc trưng để du khách lúc nào cũng có thể chụp hình tại TP.HCM với cảnh pháo hoa sáng chói.

Nhưng bên Thượng Hải, người ta làm một cái cổng chạy dòng chữ chào mừng đến Thượng Hải để khách du lịch nào cũng có thể chụp hình làm kỷ niệm đẹp đẽ, mặc dù dân ở đó không hào hứng mấy. Nếu quản lý tốt, tôi tin rằng đây là một ý kiến hay để phát triển thành phố nhiều mặt”.

“Lợi bất cập hại”

TS Vũ Gia Hiền (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Uứng dụng Văn hóa – Du Lịch) cho biết: “Dước góc độ bắn pháo hoa để thu hút khách du lịch trên thế giới cũng có. Tuy nhiên, để có thể duy trì việc bắn pháo hoa hằng tuần vào dịp cuối tuần thì không phải nước nào cũng làm được. Bởi, kinh phí đầu tư cho việc bắn pháo hoa khá lớn, nhà đầu tư họ tài trợ cũng chỉ vài năm.

Nếu một ngày nào đó họ dừng tài trợ thì việc bắn pháo hoa cũng dừng. Cho nên, bản thân tôi thấy, bắn pháo hoa vào cuối tuần để thu hút khách du lịch là tốt nhưng duy trì được nó không hay làm dở chừng chỉ bắn một vài lần rồi nghỉ”.

TS Hiền cũng cho rằng: “Việc xã hội hóa việc bắn pháo hoa sẽ cần rất nhiều nhà đầu tư. Mà nhà đầu tư nào chẳng cần lợi nhuận. Họ bỏ tiền ra đầu tư cho việc bắn pháo hoa của mình thì mình cũng phải thực hiện cho họ các khoản kéo theo như quảng cáo, dự án hay những vấn đề gì cũng phải được họ đồng ý.

Đến khi họ không đồng ý nữa cũng là lúc họ rút đầu tư. Lúc đó, mình phải tiếp tục chạy khắp nơi để tìm nguồi đầu tư mới cùng những điều khoản mới vô cùng bất cập”.

Cũng vấn đề này, GS – TS Phan An (Chuyên gia văn hóa vùng Nam Bộ) bày tỏ: “Dưới góc độ văn hóa học, tôi nhận thấy không nên thực hiện việc xã hội hóa bắn pháo hoa cuối tuần chỉ để thu hút khác du lịch.

Bởi, từ trước đến nay, chúng ta chỉ bắn pháo hoa vào dịp, lễ hội để tạo thú vui chơi, sự mới mẻ trong các lễ hội văn hóa truyền thống. Nếu chúng ta sử dụng việc bắn pháo hoa thường xuyên không những gây ra sự tốn kém mà còn nhàm chán cho khách du lịch.

Ngoài ra, bắn pháo hoa không phải là văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Để thu hút khách du lịch, chúng ta có thể dùng số tiền đó đầu tư vào các hình thức lễ hội truyền thống khác như trùng tu khu di tích, ẩm thực, phong cảnh,… những nó gắn liền với văn hóa, xã hội của người Việt Nam. Vậy nên, nếu chúng ta không xem xét kỹ việc này có thể gây nên lợi bất cập hại,…”.

Bà Nguyễn Thị Thu (Phó chủ tịch UBND TP.HCM) cho biết: “Hiện tại, TP.HCM đang có những điều chỉnh về chính sách xã hội hóa đã đạt được những hiệu quả nhất định và dẫn chứng xã hội hóa trong việc bắn pháo hoa với kinh phí hàng năm khoảng 15-16 tỷ đồng.

Năm nay, nhờ xã hội hóa, cho các doanh nghiệp đấu thầu rộng rãi, TP.HCM thu được 22 tỷ đồng. Trong khi mọi năm riêng kinh phí thiết kế đã tốn gần 2 tỷ đồng. Giao thừa hàng năm, TP.HCM tổ chức gala đếm ngược, mọi năm không thu được đồng nào nhưng nay cho đấu thầu cũng thu được 12 tỷ đồng.

Tổng cộng TP.HCM thu về hơn 30 tỷ đồng. Nhờ đó, thay vì 4 điểm, năm nay TP.HCM sẽ bắn pháo hoa 5 điểm, gồm một điểm luân phiên phục vụ vùng sâu vùng xa bên cạnh 4 điểm cố định”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại