Ông Đinh La Thăng: Thu hồi 800 tỷ thuộc trách nhiệm của PVN

Hoàng Đan |

Sáng 20/3, trả lời câu hỏi của Viện kiểm sát, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định trong giai đoạn ông làm Chủ tịch PVN, Oceanbank hoạt động tốt.

Sáng 20/3, ngày thứ 2 phiên xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) mất trắng 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. 

Ông Đinh La Thăng: Thu hồi 800 tỷ thuộc trách nhiệm của PVN - Ảnh 1.

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN.

Ông Đinh La Thăng: Khi bị cáo ở PVN thì Oceanbank hoạt động tốt

Đầu giờ buổi sáng, HĐXX cho phép đại diện Viện kiểm sát (VKS) hỏi bị cáo Đinh La Thăng. Mặc áo sơ mi trắng, quần âu, đi giày đen, ông Thăng trả lời các câu hỏi với giọng bình tĩnh.

Khi được hỏi về trách nhiệm của mình tại PVN, ông cho rằng mình chịu trách nhiệm việc bảo toàn và phát triển vốn trên cương vị chủ tịch tập đoàn. Bị cáo sinh năm 1960 cho rằng khả năng thu hồi 800 tỷ đồng thuộc trách nhiệm thuộc HĐTV PVN, bởi ông đã chuyển công tác khỏi PVN từ năm 2011.

Vì sao bị cáo ký Nghị quyết góp vốn vào Oceanbank trước, xin ý kiến Thủ tướng sau? – VKS hỏi tiếp.

Bị cáo nói theo mình biết thì: "Không có quy định Thủ tướng phê duyệt nghị quyết của HĐQT.

Ông Đinh La Thăng: Thu hồi 800 tỷ thuộc trách nhiệm của PVN - Ảnh 2.

800 tỷ đồng làm được những gì?. Đồ họa: Đỗ Linh - Nguyễn Trang.

Ông Đinh La Thăng khẳng định đã làm đúng các yêu cầu của Chính phủ. Cụ thể, Nghị quyết của HĐQT có tính chất bắt buộc trong nội bộ ngành dầu khí nhưng có những nghị quyết phải có sự đồng ý của cơ quan Nhà nước.

Bị cáo 58 tuổi ví dụ về nghị quyết 7289 (góp vốn vào Oceanbank) và nhấn mạnh phải có sự đồng ý của Thủ tướng và bộ ngành chức năng. Thủ tướng yêu cầu trước khi đầu tư phải báo cáo để Thủ tướng đồng ý và PVN đã thực hiện đúng - ông Thăng quả quyết.

Trước câu hỏi về việc Bộ Tài chính từng yêu cầu PVN báo cáo tình hình Oceanbank trước khi góp vốn, bị cáo Thăng đáp, công văn đó để PVN biết, không để thực hiện. Thực tế PVN đã triển khai trước các yêu cầu của Bộ Tài chính.

Cũng theo bị cáo này, việc PVN đầu tư vào Oceanbank không chỉ là đầu tư ngoài ngành mà còn để giải quyết hệ lụy là ngân hàng Hồng Việt.

Người giữ quyền công tố tiếp tục đặt câu hỏi về việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Oceanbank. Theo kết luận thanh tra năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy Oceanbank thua lỗ?

Đáp lại, ông Thăng phủ định trách nhiệm của mình và cho rằng việc kiểm tra, giám sát là của các bộ ngành, bản thân không biết kết luận thanh tra này vì đã chuyển công tác. Bị cáo 58 tuổi khẳng định các kết luận trước đó ngày ông còn ở PVN đều cho thấy Oceanbank hoạt động tốt.

Tới đây, đại diện VKSND công bố kết luận thanh tra số 427 cho thấy thực trạng tài chính của Oceanbank đến 31/3/2012, vốn sở hữu hơn 3.000 tỷ, giảm so với báo cáo tài chính hơn 1.000 tỷ, lỗ lũy kế gần 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận âm…

Nghe tới đây, ông Thăng tiếp tục nói nhưng HĐXX yêu cầu dừng.

"Viện phải cho bị cáo trình bày lại. Lúc này bị cáo đã chuyển công tác nên không rõ nhưng kết quả hoạt động của Oceanbank đều được thanh tra hàng năm…

Oceanbank được các cơ quan kiểm tra, giám sát, kiểm toán bằng số liệu cụ thể. Oceanbank là đơn vị niêm yết trên sàn… Năm 2009 - 2013, PVN đều được chia cổ tức, là có lợi nhuận, có hiệu quả… Tiền về tập đoàn rồi chứ không phải trên giấy. PVN đầu tư đúng chủ trương" – ông Thăng nói.

Ông Đinh La Thăng hầu tòa trong vụ án 800 tỷ. Clip: VTV.

Sau phần ông Thăng, kiểm sát viên đặt câu hỏi với ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN .

Bị cáo trình bày rằng Ban trù bị Hồng Việt đã báo cáo, trình cho mình tờ trình số 140B, kèm theo đánh giá hoạt động của Oceanbank. Nhóm đánh giá đã nêu rõ Oceanbank đang tìm cổ đông chiến lược, là ngân hàng quy mô nhỏ, thanh khoản thấp vì vốn điều lệ chỉ 1.000 tỷ sau được tăng lên 2.000 tỷ.

Tuy vậy, Oceanbank được xếp hạng trung bình khá trong hệ thống các ngân hàng TMCP… trong năm 2007 và đầu 2008 hoạt động có lãi - ông Sự nói.

Kiểm sát viên đặt câu hỏi việc HĐQT của PVN có yêu cầu ông kiểm tra Oceanbank theo như văn bản của Bộ Tài chính không?. 

Bị cáo nguyên là Tổng giám đốc PVN nói có nhận văn bản của HĐQT và đã yêu cầu Oceanbank cung cấp số liệu nhưng thời điểm đó là tháng 10, nhà băng này không trả lời nên không thể đánh giá.

Ông Sự cũng cho rằng, hội đồng của PVN đã ký nghị quyết góp vốn trước khi có yêu cầu của Bộ Tài chính. Từ đó, ông không kiểm tra Oceanbank vì không có số liệu đồng thời và không cần thiết nữa.

10h40: Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) đề nghị HĐXX cho mời Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank lên trả lời các câu hỏi.

Ông Hà Văn Thắm mặc áo sơ mi trắng, quần âu, bước lên bục đứng người có liên quan. Bị báo đã bị tuyến án Chung thân trong vụ án Oceanbank bình tĩnh trả lời  câu hỏi mà luật sư nêu ra.

Clip: Hà Văn Thắm giải trình về những yếu kém của Oceanbank

 Theo ông Thắm, thu hút vốn là nhu cầu của các ngân hàng đang hoạt động và với Oceanbank nhu cầu tăng vốn điều lệ từ đầu năm 2008. 

Ông Thắm cho hay, báo cáo của ông Sự (Nguyễn Ngọc Sự) liên quan đến yếu kém của Oceanbank là nhìn nhận ở tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ dự trữ dự phòng. 

 Đúng tiêu chuẩn phải trích hơn 64 tỷ làm dữ trữ dự phòng, lúc đó nhưng ngân hàng chỉ có 1.000 tỷ  vốn điều lệ. Đó là tỷ lệ tối thiếu không thể trích nên báo cáo đánh giá yếu kém. Nhưng nếu tăng vốn lên 2.000 tỷ thì hoàn toàn giải quyết vì có thể trích lập khoản này – ông Thắm giải thích về bản báo cáo của ông Sự.

 Anh Thăng nói nếu muốn kiếm lời thì kiếm lời từ sự hợp tác với PVN chứ không thể kiếm lời từ việc bán cổ phiếu giá cao.

 Việc thứ 2 là phải tiếp nhận nhân viên Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt và cơ sở vật chất. Phải ký văn bản thỏa thuận như một văn bản ghi nhớ để cả hai bên về báo cáo. 

Ông Đinh La Thăng: Thu hồi 800 tỷ thuộc trách nhiệm của PVN - Ảnh 6.

Hà Văn Thắm tại phiên tòa ngày 19/3. Ảnh: Team video

Theo lời khai của ông Hà Văn Thắm, văn bản thỏa thuận là do ông Nguyễn Mạnh Hà đưa ra. Văn bản thỏa thuận này do PVN chuẩn bị, đã sửa chữa nhiều lần và được PVN sử dụng khi đàm phán với nhiều ngân hàng khác.

 "Sở dĩ tôi biết được việc này là do trên văn bản thỏa thuận còn chưa sửa hết, có chỗ còn có tên Ngân hàng Thái Bình Dương (Pacific)", ông Thắm nói. 

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu PVN cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của Oceanbank, xác định giá trị thực cổ phiếu của Oceanbank để tránh rủi ro. 

PVN đã có văn bản yêu cầu Oceanbank cung cấp số liệu tài liệu nhưng Oceanbank không gửi. Về việc này, ông Thắm cho biết, Oceanbank đã giao toàn bộ số liệu đến 30/6 cho Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt.

Văn bản yêu cầu kiểm tra 2 chỉ tiêu chính là tín dụng và chứng khoán sẵn sàng để bán. Nhưng Oceanbank đã dừng cho vay đến từ 30/6 - 30/9 nên về cơ bản chỉ tiêu không có gì thay đổi.

Văn bản của Bộ Tài chính là khuyến cáo không bắt buộc báo cáo nên không báo cáo vì không có gì thay đổi. 

Về đánh giá các yếu kém của Oceanbank trong các văn bản của PVN, ông Thắm cho rằng việc này liên quan đến các công thức tính toán mà trọng yếu nhất là 2 chỉ tiêu tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ dự trữ dự phòng. 

Theo đúng tiêu chuẩn các chuyên gia PVN đánh giá thì Oceanbank phải trích lập thêm hơn 64 tỷ đồng. Lúc đó vốn điều lệ của PVN là 1.000 tỷ đồng – mức vốn tối thiểu nên không thể trích lập thêm. Nhưng nếu Oceanbank tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng thì hoàn toàn giải quyết được vì có thể trích lập thêm. Theo ông Thắm, việc PVN góp vốn là nguyên nhân chính đem lại sự phát triển của Oceanbank trong những năm sau đó.

Về Kết luận thanh tra năm 2012, ông Thắm cho rằng Kết luận chỉ nói là ngân hàng có thể bị lỗ. Khi đó chính Trưởng đoàn thanh tra thông báo kết luận có thể bị lỗ là căn cứ theo tiêu chuẩn của một số nước đang áp dụng. 

Các tiêu chuẩn này theo chủ trương trong vòng 10 năm tới sẽ áp dụng cho các ngân hàng Việt Nam, thực tế đến nay vẫn chưa áp dụng. Vì vậy thanh tra không yêu cầu ngân hàng thay đổi báo cáo, vẫn chấp nhận báo cáo tài chính của ngân hàng cũng như báo cáo kiểm toán của Delloite và không yêu cầu truy thu cổ tức đã chia cho cổ đông.  

Trước đó, trong ngày mở đầu phiên xử, với cáo buộc để PVN góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank khi chưa được sự đồng ý của HĐQT, ông Đinh La Thăng trình bày rằng trước khi ký thỏa thuận với Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm không có quy định bắt buộc Chủ tịch HĐQT PVN phải báo cáo HĐQT. 

Nhắc đến bản thỏa thuận, ông bảo đây chỉ là nội dung làm việc thống nhất với đối tác và quả quyết mình không "vượt quyền".

Trả lời tòa vì sao quyết định đầu tư góp vốn vào Oceanbank trong khi biết về việc nhà băng này không có tiềm năng, ông Đinh La Thăng khai, đánh giá thực trạng ngân hàng lúc đó gồm cả khả năng phát triển trong tương lai. Bị cáo sinh năm 1960 cho rằng PVN quyết định đầu tư rất chính xác và đem lại hiệu quả. 

Khi được hỏi về thời điểm 2011, PVN vẫn duy trì tỷ lệ góp vốn 20% ở Oceanbank có trái với Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/1/2011 không?.

Người bị cáo buộc tội Cố ý làm trái đáp, theo Luật Tổ chức tín dụng, các cổ đông là tổ chức không được góp vốn quá 15% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc mua cổ phần, góp vốn hay thoái vốn của PVN tại Oceanbank đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của NHNN Việt Nam.

Thời điểm đó chưa có hướng dẫn của Chính phủ cũng như của NHNN. Việc PVN vẫn giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank là theo cái đã góp từ năm 2010.

Nó cũng giống việc quy định năm học mới, mỗi một lớp học không quá 35 học sinh nhưng trước đó quy định là không quá 50. Việc Hiệu trưởng ký giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm thì vẫn phải giao quản lý 50 học sinh chứ không chỉ giao quản lý 35 học sinh được - cựu chủ tịch PVN lý luận.

Cũng trong ngày 19/3, tòa đã xét hỏi các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh... và nhiều người có liên quan để làm rõ các tình tiết trong nội dung vụ án.

Tại phiên tòa hôm qua, đại diện của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính được triệu tập nhưng đã không có mặt. 

Còn đại diện VKS đề nghị được xét hỏi đối với ông Hà Văn Thắm với vai trò người làm chứng trong vụ án nhưng đã không được HĐXX đồng ý.

Theo cáo trạng, năm 2008, ông Đinh La Thăng biết rõ tình hình yếu kém của OceanBank nhưng vẫn đồng ý để PVN góp tổng cộng 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ vào ngân hàng này.

Nhà băng này sau đó kinh doanh thua lỗ, mất vốn sở hữu nên PVN bị mất hoàn toàn số tiền góp vốn. Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc là người quyết định chủ trương, chỉ đạo thực hiện việc góp vốn. Ông Thăng với trách nhiệm của người đứng đầu, bảo toàn vốn của tập đoàn phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 800 tỷ đồng mà PVN góp vốn vào Oceanbank bị mất trắng.

Trong số 7 bị cáo hầu tòa, có 3 người đã lĩnh án trong các phiên xử sơ thẩm khác. Cụ thể, ông Đinh La Thăng bị TAND TP Hà Nội tuyên 13 năm tù về tội Cố ý làm trái trong vụ án xảy tại PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam hôm 22/1.

Cũng trong phiên xử này, Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên 9 năm tù, Ninh Văn Quỳnh lĩnh 7 năm tù. Riêng Nguyễn Xuân Sơn còn bị tuyên án tử hình trong phiên xử đại án OceanBank hồi tháng 9/2017.

Cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm, người nhận án chung thân trong vụ án OceanBank đang chờ xử phúc thẩm cũng bị triệp tập đến toà sáng nay với tư cách người làm chứng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại