Ông Đinh La Thăng: PVN như "gả một cô gái xinh đẹp" cho Oceanbank

Hoàng Đan |

Tại phiên xử vụ PVN gây thất thoát 800 tỷ đồng chiều 19/3, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng về các vấn đề liên quan.

Phiên xử sáng 19/3: Cách ly ông Đinh La Thăng để xét hỏi các bị cáo

Ông Đinh La Thăng hầu tòa trong vụ án 800 tỷ

13h35 ngày 19/3, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại 800 tỷ đồng, tiếp tục buổi làm việc chiều với phần xét hỏi. Sau nhiều giờ bị đưa sang phòng cách ly, đầu giờ chiều nay, ông Thăng được cảnh sát dẫn trở lại phòng xét xử.

Ông Đinh La Thăng khai gì về cáo buộc vượt quyền?

14h05: Ông Đinh La Thăng là người thứ 2 được HĐXX gọi lên xét hỏi trong phiên xử buổi chiều. Bị cáo sinh năm 1960 cho nay được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn dầu khí từ tháng 2/2006 đến tháng 7/2011. Ông nói bản thân ký nhiều thỏa thuận với một số tổ chức, trong đó có Oceanbank.

Trình bày lý do hợp tác với Oceanbank, ông Thăng cho hay thời điểm đó Ngân hàng Hồng Việt không được thành lập nữa nên PVN chủ trương góp vốn vào Oceanbank để giải quyết hệ lụy. 

Trước khi ký thỏa thuận với Oceanbank, PVN đã khảo sát kỹ rất nhiều ngân hàng trong đó có Oceanbank.  

Trình bày về chủ trương khi ký kết hợp tác với Oceanbank, ông Thăng nói mình thay mặt HĐQT.

Theo quy định của pháp luật, trước khi ký thỏa thuận 6934 (ngày 18/9/2009) với Chủ tịch Ngân hàng Oceanbank Hà Văn Thắm thì không bắt buộc phải báo cáo HĐQT. Tuy nhiên, theo quy định của điều lệ, tất cả các nghị quyết của HĐQT phải được các thành viên HĐQT đồng ý - bị cáo 58 tuổi khai.

Ông Thăng nói bản thỏa thuận này chỉ là biên bản thể hiện làm việc thống nhất với đối tác.

Về báo cáo của ông Nguyễn Ngọc Sự (Phó Tổng giám đốc PVN), ông Thăng cho rằng nó nêu rất rõ tình hình Oceanbank. Đây là ngân hàng quy mô vốn rất nhỏ, khả năng thanh khoản thấp nên mới có nhu cầu góp vốn.

Ông Đinh La Thăng: PVN như gả một cô gái xinh đẹp cho Oceanbank - Ảnh 3.

Ông Đinh La Thăng là người thứ 2 được xét hỏi chiều 19/3. Ảnh: Chụp màn hình.

"Anh Sự trực tiếp báo cáo HĐQT (về tình hình của Oceanbank) tại cuộc họp ngày 30/9/2009. Thỏa thuận ký trước vào ngày 18/9, nhưng thỏa thuận này không có giá trị về mặt pháp lý. Nếu HĐQT không đồng ý thì thỏa thuận này không có ý nghĩa" - bị cáo quê Nam Định nói.

Ông Thăng thừa nhận việc PVN góp vốn vào Oceanbank là đầu tư ra ngoài công ty mẹ. Theo quy định của pháp luật, việc này phải được sự đồng ý của Thủ tướng. 

Bị cáo thừa nhận có ký nghị quyết 7289  ngày 1/10/ 2008 về việc mua cổ phần của Oceanbank, nhưng khẳng định tất cả các nghị quyết của HĐQT do mình ký hoặc ủy quyền ký đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Ông ký Nghị quyết 7289 đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ chưa? - vị chủ tọa hỏi.

Ông Thăng trả lời sau khi Thủ tướng đồng ý từ 17/10/2008, đến cuối tháng 12 thì PVN mới góp vốn đầu tư vào OceanBank. 

Cũng theo ông Đinh La Thăng, ngày 14/10/2008, ông có văn bản gửi NHNN và Bộ Tài chính xin ý kiến về việc góp vốn vào Oceanbank.

Ông Đinh La Thăng: PVN như gả một cô gái xinh đẹp cho Oceanbank - Ảnh 4.

7 bị cáo hầu tòa trong vụ án thất thoát 800 tỷ đồng. Đồ họa: 7am.

Văn bản phản hồi của Bộ Tài chính có ý kiến: Để bảo đảm tính hiệu quả, đề nghị PVN cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của OceanBank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của Oceanbank, xác định giá trị thực cổ phiếu của Oceanbank để tránh rủi ro trước khi quyết định đầu tư...

Tuy nhiên, theo ông Thăng, đây chỉ là văn bản mang tính "khuyến cáo" của Bộ Tài chính, chứ PVN không cần phải báo cáo lại Thủ tướng hay Bộ Tài chính.

Ông Thăng cho biết, thực tế, các khuyến cáo của Bộ Tài chính đã được PVN thực hiện từ trước khi nhận được văn bản ngày 14/10/2008 của Bộ Tài chính.

Ông Thăng nhắc lại ý kiến đã nêu rằng trước khi ký thỏa thuận  6934 (ngày 18-9-2008) với Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm, "không cần phải thông qua HĐQT".  

Ông Đinh La Thăng: PVN như "cô con gái xinh đẹp" 

Ông Đinh La Thăng ví von PVN "như cô con gái xinh đẹp". (Clip: Teamvideo).

Ông Thăng cho rằng bất kỳ khoản đầu tư nào của PVN đều được xem xét, đánh giá trên các tiêu trí: thực trạng, hiện tại, tương lai. Oceanbank có quy mô vốn rất nhỏ, vốn 1.000 tỷ nên khả năng thanh khoản rất thấp. Tuy nhiên, khi tăng vốn lên 2.000 tỷ thì khả năng thanh khoản của nhà băng này sẽ nhanh, khi có đối tác như PVN.

"Thực tế trong 2 năm đã tăng lên gấp 3- 4 lần trước khi Tập đoàn PVN tham gia góp vốn", ông Thăng nói và cho rằng PVN đầu tư vào Oceanbank đem lại hiệu quả lớn.

Bị cáo cho rằng sau khi có ký thỏa thuận hợp tác với Hà Văn Thắm và có Nghị quyết được HĐQT PVN phê chuẩn, Oceanbank đã cung cấp các số liệu, đồng thời ngân hàng này được niêm yết trên sàn chứng khoán, hàng năm NHNN đều kiểm tra, giám sát.

"Có rất nhiều tài liệu đánh giá, Ngân hàng Đại dương hoạt động tốt. Thực tế đến năm 2009, PVN được chia cổ tức trên 10%. Năm 2010 chia cổ tức 16%, đây là khoản đầu tư hiệu quả", ông Thăng nêu.

Ông Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN/Chụp màn hình.

Ông Thăng nói Tập đoàn dầu khí góp vốn không phải là chủ động tìm kiếm đầu tư mà do Chính phủ chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, là Tập đoàn Nhà nước nên PVN phải gương mẫu xin dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt.

Để giải quyết hậu quả trước đó trong quá trình triển khai thành lập Ngân hàng Hồng Việt, ông Thăng nói PVN đã xin góp vốn vào một số Ngân hàng khác. 

Quá trình PVN tìm hiểu và đề nghị, Ngân hàng Đại Dương đã chấp nhận bởi Tập đoàn dầu khí. 

Rồi ông Thăng ví von, Tập đoàn dầu khí như gả một cô con gái xinh đẹp cho chàng trai khác và cô gái  này đã có chồng rồi. Có chồng rồi thì tiêu chuẩn phải khác chứ không như Ngoại thương, BIDV thì họ chả cho.

Bị cáo đối mặt với tội Cố ý làm trái cho rằng, PVN phải tính toán khả năng phát triển của Oceanbank, cũng như việc nhà băng này chấp nhận điều kiện của mình là tiếp nhận đến mấy chục con người - mà toàn là lãnh đạo.

Lúc đó, giải quyết bộ máy lãnh đạo của Ngân hàng Hồng Việt cần được đặt ra vì anh Sơn (Nguyễn Xuân Sơn) cùng là Tổng Giám đốc doanh nghiệp khác rồi. Bây giờ, không thành lập NH thì bố trí đâu, bao nhiêu tiền đầu tư vào phần mềm, xây dựng cơ sở vật chất… - ông Thăng lý giải về "cắt bắt tay" với Hà Văn Thắm.

Báo cáo của anh Sự (Nguyễn Ngọc Sự) là hoàn toàn chính xác và phân tích đánh giá của HĐQT là đúng. Hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Đại Dương đã chứng tỏ đánh giá, nhận xét, đầu tư của HĐQT là hoàn toàn đúng đắn – ông Thăng nêu quan điểm.  

Bị cáo Đinh La Thăng: Ngân hàng Nhà nước mua Oceanbank giá 0 đồng là không đúng 

Sau phần trình bày của ông Thăng, chủ tọa hỏi về việc "văn bản do ông Nguyễn Ngọc Sự ký có nói rõ về việc Oceanbank không có tiềm năng, vì sao bị cáo vẫn quyết định đầu tư góp vốn?".

Ông Đinh La Thăng: PVN như gả một cô gái xinh đẹp cho Oceanbank - Ảnh 7.

Ba lần góp vốn của PVN vào Oceanbank. Đồ họa: 7 am.

Đáp lời, bị cáo nói đó là đánh giá thực trạng thời điểm ấy và khả năng trong tương lai. Việc PVN quyết định đầu tư là rất chính xác vì đầu tư đã đem lại hiệu quả. Kết quả hoạt động của Oceanbank đã chứng tỏ điều đó.

Về lần góp vốn thứ hai, ông Thăng khai ủy quyền cho ông Vũ Khánh Trường - Thành viên HĐTV Tập đoàn PVN, ký nghị quyết  của HĐQT cho phép tăng vốn góp của PVN tại Oceanbank thêm 300 tỷ đồng. 

Về nguyên tắc người được ủy quyền không cần báo cáo lại. Thời điểm ký ông Thăng nói mình không biết điều này nhưng trong phiên tòa vẫn nhận trách nhiệm về việc trên. Ông Thăng trình bày sau đó mình có báo cáo gửi Thủ tướng.

Góp vốn thứ hai có vi phạm gì không? - chủ tọa hỏi thêm. 

"Hoàn toàn không có vi phạm gì cả. Hoàn toàn đúng chủ trương của Đảng, đúng pháp luật, đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ" - ông Thăng trả lời và khẳng đinh.

Nghe vậy vị chủ tọa truy tiếp: Chuyển tiền trước khi có văn bản của Chính phủ hay sau?". Bị cáo Thăng đáp sau khi Thủ tướng đồng ý mấy tháng rồi mới có việc chuyển tiền.

Liên quan đến việc góp vốn lần thứ ba, ông Thăng cho biết đã ủy quyền cho bị cáo Nguyễn Xuân Thắng - Thành viên HĐTV PVN điều hành khi ông đi công tác.

Theo Luật tổ chức tín dụng 2010  có hiệu lực từ 1/1/2011, các cổ đông là tổ chức không được góp vốn quá 15% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc góp vốn, thoái vốn của PVN tại Oceanbank đều trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ. Thời điểm đó chưa có hướng dẫn của Chính phủ cũng như NHNN, việc PVN vẫn giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank - bị cáo 58 tuổi trình bày.

Đến nay PVN đã thu hồi được 800 tỉ góp vốn vào OceanBank chưa? - HĐXX hỏi tiếp.   

Ông Thăng trả lời rằng năm 2015, NHNN đã mua Oceanbank với giá 0 đồng. Việc này chắc chắn là không đúng vì Chính phủ sau đó đã ra quyết định dừng việc mua Ngân hàng với giá 0 đồng.

Trước đó, mở đầu phần xét hỏi buổi chiều, HĐXX  gọi Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Phó tổng giám đốc PVN lên xét hỏi. Trong phiên xử đại án Oceanbank hồi tháng 9/2017, Nguyễn Xuân Sơn đã bị tuyên án tử hình.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai tại phiên xét xử chiều 19/3

Khai báo tại tòa chiều 19/3, Sơn trình bày rằng việc PVN góp vốn lần 3 Oceanbank nhưng không báo cáo Thủ tướng vì lần trước xin ý kiến rồi (khi Oceanbank đề nghị tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ). Lần góp vốn thứ 3 chỉ là điều chỉnh lại (giảm vốn điều lệ từ 5.000 tỷ xuống 4.000 tỷ). Sơn khẳng định Oceanbank "rất tốt".

Khi được hỏi việc duy trì tỷ lệ góp vốn 20% có trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng không? Sơn đáp: Vấn đề góp vốn của một doanh nghiệp vào một doanh nghiệp khác phải theo quy định của pháp luật do NHNN quy định.Bị cáo cho rằng năm 2009, 2010 PVN đã góp vốn rồi. Năm 2011 do có sự thay đổi nên giảm từ 5.000 tỷ xuống 4.000 tỷ. Việc này là PVN thực hiện cam kết với nhà đầu tư theo quy định của tập đoàn với sự cho phép của NHNN - Sơn trình bày.

Theo cáo trạng, năm 2008, ông Đinh La Thăng biết rõ tình hình yếu kém của OceanBank nhưng vẫn đồng ý để PVN góp tổng cộng 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ vào ngân hàng này.

Nhà băng này sau đó kinh doanh thua lỗ, mất vốn sở hữu nên PVN bị mất hoàn toàn số tiền góp vốn. Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc là người quyết định chủ trương, chỉ đạo thực hiện việc góp vốn. Ông Thăng với trách nhiệm của người đứng đầu, bảo toàn vốn của tập đoàn phải chịu trách nhiệm chính về số tiền 800 tỷ đồng mà PVN góp vốn vào Oceanbank bị mất trắng.

Trong số 7 bị cáo hầu tòa, có 3 người đã lĩnh án trong các phiên xử sơ thẩm khác. Cụ thể, ông Đinh La Thăng bị TAND TP Hà Nội tuyên 13 năm tù về tội Cố ý làm trái trong vụ án xảy tại PVN và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam hôm 22/1.

Cũng trong phiên xử này, Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên 9 năm tù, Ninh Văn Quỳnh lĩnh 7 năm tù. Riêng Nguyễn Xuân Sơn còn bị tuyên án tử hình trong phiên xử đại án OceanBank hồi tháng 9/2017.

Cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm, người nhận án chung thân trong vụ án OceanBank đang chờ xử phúc thẩm cũng bị triệp tập đến toà sáng nay với tư cách người làm chứng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại