Ông Bolton và Netanyahu đã 'dụ' ông Trump phá vỡ JCPOA

Quỳnh Như |

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đổ lỗi cho Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về thỏa thuận hạt nhân đã bị phá vỡ với Iran.

Ông Bolton và ông Netanyahu đã phá vỡ một thỏa thuận hạt nhân năm 2005 giữa Iran và phương Tây, và hai người này đã thuyết phục Tổng thống Trump có hành động tương tự với thỏa thuận năm 2015, đài RT dẫn lời Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết.

“Ông Bolton và ông Netanyahu phá hủy thỏa thuận Paris giữa Liên minh châu Âu và Iran vào 2005 bằng cách khăng khăng đòi mức làm giàu uranium của Iran bằng không”, ông Zarif đã viết trên Twitter cá nhân hôm 9-7. “Kết quả? Iran đã tăng mức làm giàu lên gấp 100 lần vào năm 2012”.

Nhắc đến ông Bolton và ông Netanyahu với tên gọi là “Nhóm B”, ông Zarif sau đó nói rằng hai người này đã dụ dỗ Tổng thống Trump phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA) với cùng một phương pháp.

Iran đã tăng cường làm giàu uranium vào hôm 8-7, vượt ra khỏi mức giới hạn 3,67% trong JCPOA để đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA năm ngoái và áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.

Việc tăng cường làm giàu uranium cũng một phản ứng trước sự thất bại của các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của họ với Iran theo thỏa thuận.

Trước khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận, ông Netanyahu đã gây áp lực với người đồng cấp Mỹ để từ bỏ thỏa thuận này. Ông Netanyahu gọi thỏa thuận là một “sai lầm lịch sử” và cáo buộc Tehran không tuân thủ thỏa thuận.

Trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm ngoái, ông Bolton, một người thuộc phe diều hâu Iran trong chính phủ Mỹ, đã gọi thỏa thuận này là một trò lừa đảo và hứa sẽ có sự "thay đổi chế độ" ở nước Cộng hòa Hồi giáo vào cuối năm.

Một tình huống tương tự đã diễn ra vào năm 2005. Sau khi đạt được thỏa thuận với Đức, Pháp và Anh, Iran đã đồng ý đình chỉ tất cả việc làm giàu uranium và hoàn toàn hợp tác với các điều tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Mặc dù Mỹ vẫn vắng mặt trong các cuộc đàm phán ấy, Washington sau đó đã vận động các đồng minh châu Âu của mình yêu cầu Iran không duy trì các cơ sở làm giàu uranium trên lãnh thổ của mình trong mọi trường hợp.

Những người có lập trường cứng rắn ở Iran coi thỏa thuận này là không thể chấp nhận. Sau đó, Tổng thống Iran đắc cử khi đó Mahmoud Ahmadinejad đã từ bỏ thỏa thuận và tiếp tục việc làm giàu uranium vào năm tiếp theo.

“Chúng tôi sẽ không hạ mình xuống trong bầu không khí độc hại do các nước ngoài tạo ra”, ông Ahmadinejad nói trong bài phát biểu nhậm chức vào tháng 8-2005.

Một báo cáo của IAEA năm 2012 đã cho thấy rằng Iran đã sản xuất khoảng 190 kg uranium được làm giàu ở mức 20% - đủ cho một đầu đạn hạt nhân nếu được làm giàu thêm. “Một khi bạn đạt được tới 20%, về cơ bản bạn đã đi được 99 chặng đường, đến mức uranium có thể dùng làm vũ khí", chuyên gia về Trung Đông Paul Heroux nói với RT.

Sau khi vượt qua ngưỡng làm giàu 3,67% đầu tuần này, một phát ngôn viên của cơ quan hạt nhân Iran đã đe dọa sẽ một lần nữa làm giàu lên 20% và kích hoạt lại máy ly tâm đã không hoạt động kể từ khi thỏa thuận năm 2015 được ký kết.

Trước khả năng tái diễn các sự kiện năm 2005, ông Heroux cảnh báo các biện pháp trừng phạt và hành động quân sự tiếp theo của phương Tây sẽ không hợp lý.

“Bạn không thể loại bỏ những hiểu biết mà Iran có được. Bạn không thể ném bom xóa sổ hiểu biết của Iran. Tốt hơn hết là quay trở lại bàn đàm phán với Iran, và chúng ta có thể sẽ đạt được một thỏa thuận tồi tệ hơn lúc trước”, ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại