Ông Bộ trưởng NN&PTNT rơi nước mắt khi người bán rau hất gánh rau xuống đường

Tuấn Nam |

Nhắc về người bán rau bỏ cả xảo rau, ông Ngọ cho biết mình đã khóc. Và ông hiểu rằng, đằng sau câu chuyện đó là cả một vấn đề không nhỏ của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nhà nguyên Bộ trưởng cũng trồng rau trên sân thượng

Mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ đã kể về câu chuyện người bán rau khiến ông bật khóc làm chúng tôi khá bất ngờ. Chuyện xảy ra khi ông còn làm Bộ trưởng và nó ám ảnh ông cho đến ngày hôm nay.

Đó là câu chuyện về một người phụ nữ bán rau dạo ở đường phố, vì không có chỗ bán, phải bán dạo. Người bán rau dạo này đã bị quản lý trật tự không cho bán ở hè phố, ở lòng đường. Đến cuối ngày vẫn không bán được, người phụ nữ này đã tung cả xảo rau xuống đường. 

"Vậy là bữa cơm ngày hôm đó của chị bán rau đã mất đi. Tôi hỏi tại sao lại tung thế chị thì chị ấy bảo, bác ơi, bây giờ vào phố rồi, mọi hôm bán được, hôm nay họ cứ dồn đuổi mãi chả bán được. Giờ mang về thì rau đã héo hỏng hết rồi. Cháu ném rau đi cháu đau đớn vô cùng chứ cháu có sung sướng gì", ông Ngọ kể.

Ông Bộ trưởng NN&PTNT rơi nước mắt khi người bán rau hất gánh rau xuống đường - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Chương trình Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp – người tiêu dùng: ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH do Báo điện tử Trí Thức Trẻ, Soha.vn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng tổ chức tại Khách sạn Melia Hà Nội hôm 23/8.

Ông Bộ trưởng NN&PTNT rơi nước mắt khi người bán rau hất gánh rau xuống đường - Ảnh 1.

Theo thông tin từ cuộc họp báo Tuần lễ giới thiệu Nông sản an toàn và công bố Chương trình Địa chỉ xanh-Nông sản sạch do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 5/5, ở Hà Nội mới chỉ có hai địa chỉ bán rau an toàn

Từ câu chuyện đó, chúng tôi hiểu những tâm tư của ông về những vấn đề của ngành nông nghiệp, trong đó có câu chuyện về mức độ an toàn của thực phẩm hiện nay cũng như vấn đề làm thế nào để người nông dân bớt vất vả.

Vị nguyên Bộ trưởng này cho hay ở gia đình ông, thời gian trước, thực phẩm có nguồn gốc từ chợ nhưng hiện nay đã được mua từ siêu thị bởi những người nội trợ trong gia đình ông cũng cảm thấy hoang mang với những thông tin về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Và như nhiều gia đình khác ở Hà Nội hiện nay, gia đình ông cũng có một vài chậu trồng rau sạch trên tầng thượng.

Theo vị nguyên Tư lệnh ngành Nông nghiệp Việt Nam này, vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nóng được cả xã hội quan tâm chính một phần xuất phát từ sự thay đổi lớn trong cơ cấu bữa ăn của nhiều gia đình.

"Ngày trước hoa quả và rau là thêm vào, còn gạo thì mỗi người khoảng 13kg nên vấn đề an toàn thực phẩm, thuốc trừ sâu bệnh chưa trở thành vấn đề nổi cộm.

Nhưng bây giờ thì khác vì gạo mỗi người chỉ 5-6kg/tháng, tiền mua gạo chỉ bằng 1/5 cơ cấu bữa ăn, 70% bữa ăn là thức ăn trong đó có rau quả và các thực phẩm khác. Đó là lý do tại sao bây giờ dư luận lại bức xúc về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm như vậy", ông Ngọ nói.

Ông Bộ trưởng NN&PTNT rơi nước mắt khi người bán rau hất gánh rau xuống đường - Ảnh 3.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu khai mạc Diễn đàn ĐÓN SÓNG THỰC PHẨM SẠCH.

"Kiểm soát ngay ở ruộng chứ không phải kiểm soát ở ngoài chợ"

Ông Lê Huy Ngọ cho rằng, vì chúng ta đang ở một nền sản xuất nhỏ, phân tán nên khó tránh được việc không kiểm soát được nguồn gốc cũng như độ an toàn của nhiều loại thực phẩm trong đó có rau quả. Vì thế, chúng ta cần phải chuyển sang một nền sản xuất hàng hoá có sự tổ chức.

Theo vị nguyên Tư lệnh ngành Nông nghiệp Việt Nam, để có thực phẩm sạch mà cụ thể là rau sạch thì cần phải đảm bảo 3 yếu tố chính: Tổ chức sản xuất, tổ chức thị trường và tổ chức quản lý Nhà nước.

Việc tổ chức sản xuất thể hiện ở việc tổ chức các trang trại, tổ chức các vùng sản xuất và tổ chức những trại trại nông nghiệp công nghệ cao... Việc này sẽ giúp ích cho sự kiểm soát ngay ở ruộng chứ không phải kiểm soát ở ngoài chợ.

Ông Bộ trưởng NN&PTNT rơi nước mắt khi người bán rau hất gánh rau xuống đường - Ảnh 4.

Mô hình sản xuất rau an toàn tại Vĩnh Phúc

Việc tổ chức sản xuất này chỉ là sự duy trì và phát triển những làng truyền thống trồng rau, vùng rau... Ngoài ra, việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp nâng cao năng suất, hiệu quả, từ đó, người dân tăng thu nhập, bớt vất vả. Đồng thời việc này cũng nâng cao nhận thức của người dân ở vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như hoá chất trong trồng trọt.

Đồng thời việc tổ chức thị trường sẽ có ý nghĩa to lớn. Tại các chợ rau quả, có những trung tâm bán rau quả tươi được tổ chức, một lần nữa thực phẩm, rau quả lại được kiểm tra. Người dân ở Hà Nội bây giờ muốn tìm một trung tâm siêu thị chuyên bán rau quả lớn sạch sẽ, bài bản cũng không dễ.

"Có tí đất hở ra là làm nhà, làm chung cư. Tại sao không làm một chợ cho tử tế? Cứ chỉ nghĩ về nhà ở còn cái ăn thì coi thường", ông Ngọ đặt ra câu hỏi.

Theo ông Ngọ, trong vấn đề tổ chức quản lý Nhà nước, việc có một bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của thực phẩm là rất cần thiết.

Khi nói rau không an toàn thì phải có căn cứ xác định. Ở các nước khác trên thế giới có cả một bộ tiêu chí về thực phẩm an toàn để cho người làm cũng biết, người mua cũng biết.

Ngoài ra, theo ông Ngọ, trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn cần phải có sự giám sát của người dân.

Đồng thời vai trò của truyền thông trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn cũng vô cùng to lớn. Tuy nhiên, việc chỉ nêu chung chung mà không đưa ra các địa điểm cụ thể sản xuất thực phẩm bẩn đã phần nào ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân dù chỉ có một vài "con sâu làm rầu nồi canh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại