Bên lề cuộc Hội thảo "Đón sóng thực phẩm sạch", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Duy Khanh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam về một số vấn đề trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.
3 yếu tố để có thực phẩm sạch
Theo TS Khanh, để có thực phẩm sạch thì phải có 3 yếu tố: Người sản xuất, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Cả ba yếu tố này phải được kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn chứ không thể tách riêng. Hiện nay, đa phần, khi nói đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, mới chỉ bàn đến người sản xuất. Như vậy là chưa đủ.
Cụ thể, người sản xuất phải cam kết sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn. Cơ quan quản lý cần phải công khai minh bạch. Người tiêu dùng cũng phải thay đổi tư duy tiêu dùng (không có chuyện cứ rẻ thì đảm bảo an toàn, các cụ cũng đã từng đúc kết: "Của rẻ là của ôi").
"Người sản xuất phải có lương tâm sản xuất: sản xuất vì chính mình, vì trách nhiệm với xã hội chứ không phải hôm nay sản xuất chạy theo lợi nhuận mà bất chấp. Nếu người sản xuất không có tư duy ấy thì không bao giờ có sản phẩm sạch", ông Khanh nói.
Đồng thời, theo vị TS này, người tiêu dùng phải thay đổi tư duy. Người tiêu dùng phải ủng hộ những cơ sở sản xuất sạch và phải có niềm tin.
Hiện nay, người tiêu dùng đang mất niềm tin nhưng thực sự chúng ta phải có ít nhất niềm tin vào những người sản xuất chân chính.
Và việc người tiêu dùng có lòng tin cũng sẽ góp phần thải loại những sản phẩm không đảm bảo yêu cầu.
"Hàng rẻ mà không rõ nguồn gốc thì chúng ta không mua nữa, tức khắc, những mặt hàng đó sẽ không bán được và những người bán hàng phải bỏ cuộc. Nếu không làm tốt khâu này thì chính người tiêu dùng vừa là nạn nhân, vừa là người tiếp tay cho thực phẩm bẩn tồn tại", ông Khanh đưa ra ví dụ.
Để dân giám sát
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, theo vị TS này, phải tạo ra được cơ chế công khai minh bạch để dân giám sát.
Vấn đề này cũng như vấn đề tham nhũng, từ trước đến giờ, hiếm có cơ quan chức năng nào phát hiện tham nhũng độc lập với báo chí cũng như phản ánh của người dân.
Ông Trần Duy Khanh nói: "Lâu nay, chúng ta vẫn cứ thông tin bắt lô hàng này không rõ nguồn gốc, lô hàng bốc mùi... Tôi cho rằng việc đưa thông tin như vậy là chưa minh bạch.
Muốn cho người dân giám sát được thì phải minh bạch chính sách, minh bạch về thông tin. Không có sức mạnh nào hiện nay mạnh mẽ và lan toả bằng dư luận.
Nếu một cửa hàng bán thực phẩm bẩn, chỉ cần thông tin này được công khai, từ người dân sẽ tránh xa và cửa hàng đó chắc chắn phải bỏ nghề mà không cần xử phạt".
Và để chứng minh cho tầm quan trọng của việc công khai minh bạch thông tin, ông Khanh cho biết, tại một hội thảo cách đây chưa lâu, những đại diện cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã tuyên bố không sợ bất cứ điều gì cả.
"Họ tự tin có con giống rất tốt, công nghệ chăn nuôi tốt, kỹ thuật chăn nuôi tốt không kém gì các nước trên thế giới. Họ chỉ sợ mỗi chính sách không minh bạch, không công khai", ông Khanh nói.
Vị Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam này cũng đưa ra một thông tin khá...bất ngờ: Đó là hàng năm, có khoảng 3 triệu tấn hàng đông lạnh thực phẩm tạm nhập tái xuất vào Việt Nam.
Ông Khanh cho hay: "Tôi đã từng mất gần 6 tháng điều tra và phát hiện một điều khá sợ: Có những thực phẩm có thời gian tồn tại từ 20-40 năm trước. Đó đều là những sản phẩm đông lạnh từ những lô hàng tạm nhập, tái xuất.
Những loại thịt ở các chợ được bán 10 nghìn đồng/kg đều từ những kho đông lạnh tạm nhập này mà ra.
Ở nước ngoài người ta chỉ ăn ức, phần còn lại gọi là phụ phẩm. Có những lô hàng 40 năm trước vì thế sẽ không lạ nếu nói rằng người Hà Nội đang ăn chân gà 40 năm. Nhiều người ăn chân gà còn có tuổi nhiều hơn mình".
TS Trần Duy Khanh: "Có những lô hàng 40 năm trước vì thế sẽ không lạ nếu nói rằng người Hà Nội đang ăn chân gà 40 năm". (Ảnh minh hoạ)
Theo ông Khanh, những lô hàng đó (lô hàng tạm nhập, tái xuất - PV) không được kiểm tra chất lượng (chỉ hàng nhập chính ngạch mới kiểm tra chất lượng). Vấn đề này cũng đã từng được đặt ra với cơ quan hải quan xem những đơn vị nào tạm nhập, tái xuất nhưng phía hải quan cho rằng đó là bí mật doanh nghiệp.
"Theo quy định thì thời gian chỉ là 30 ngày phải tái xuất nhưng thực tế có những lô hàng có đến 6 tháng mà không có người nhận, để đến mức chảy nước. Và một phần hàng này được tuồn vào thị trường.
Đây có phải là vấn đề an ninh - quốc phòng đâu mà phải bí mật. Tôi muốn rằng, cơ quan chức năng công khai các doanh nghiệp đó ra và chúng tôi sẽ giám sát chứ không cần Nhà nước giám sát", TS.Khanh nói.