Theo SCMP , ông bố họ Trương, khoảng 40 tuổi, đột nhiên cảm thấy khó thở và đau ngực trong lúc dạy kèm con trai - học sinh trung học cơ sở đang chuẩn bị cho kỳ thi vào trung học phổ thông – tại tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc.
Ông Trương nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp tính.
Các bác sĩ tại bệnh viện Sir Run Run Shaw trực thuộc Học viện Y Đại học Chiết Giang thực hiện ca phẫu thuật bắc cầu động mạch vành khẩn cấp và cứu sống ông Trương thành công.
Nguyên nhân dẫn tới cơn đau tim được cho là do bệnh động mạch vành, vốn thường trầm trọng hơn bởi căng thẳng cảm xúc.
Ông Trương thường xuyên giám sát việc học của con trai và sắp xếp các buổi ôn tập mỗi tối. Mối quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng khi cậu thiếu niên cảm thấy quá tải bởi áp lực học tập do người bố áp đặt.
Ông Trương cũng đăng ký cho con theo học nhiều lớp luyện thi và đích thân đưa đón con đi học.
Ông Trương là một trong số rất nhiều phụ huynh Trung Quốc phải nhập viện vì các vấn đề sức khỏe phát sinh từ căng thẳng khi dạy kèm con cái.
Vào tháng 2, một ông bố khác ở Chiết Giang bị chẩn đoán viêm hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, bệnh ở mắt khiến thị lực bị mờ và các đồ vật thấy bị biến dạng, sau khi quá kích động trong lúc thúc giục con trai học lớp 3 hoàn thành bài tập về nhà.
Năm 2018, một bà mẹ 33 tuổi ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, bị đột quỵ sau khi nổi giận với con gái vì cô bé mất quá nhiều thời gian để hoàn thành bài tập về nhà trước giờ đi ngủ.
Do nhiều giáo viên giao trách nhiệm giám sát bài tập về nhà cho phụ huynh, các bậc cha mẹ Trung Quốc thường xem thành tích học tập của con cái là sự phản ánh thành công của chính họ.
Họ thúc ép con cái học giỏi vì cho rằng kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, được gọi là gaokao, là con đường duy nhất dẫn đến thành công trong tương lai.
Cạnh tranh vào các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc ngày càng khốc liệt qua từng năm, với hơn 13 triệu học sinh tham gia kỳ thi này trên toàn quốc trong năm nay.
Chuyên gia giáo dục Trung Quốc Ling Zongwei khuyên các bậc phụ huynh nên kiểm soát cảm xúc của mình để tạo ra môi trường học tập lành mạnh hơn cho con cái và khuyến khích trẻ tự chịu trách nhiệm về bài tập và thành tích học tập của mình.
“Môi trường giáo dục đầy tính cạnh tranh này đang khiến cả trẻ em lẫn cha mẹ kiệt quệ sức lực” , một cư dân mạng bình luận.