Ông Biden thăm châu Á: Mỹ hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương, nhắm vào Nga-Trung không dễ

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Washington.

Từ ngày 20 - 24/5/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành chuyến công du châu Á. Trong chuyến công du này, ông Biden đã thăm chính thức Hàn Quốc, Nhật Bản, tham gia hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) hay còn gọi là "Bộ tứ Kim cương" cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Australia Anthony Albanese.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia là đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á, còn Ấn Độ là một cường quốc có ảnh hưởng lớn tại khu vực.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Biden tới khu vực này kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2021. Trong bối cảnh căng thẳng tại châu Âu do cuộc chiến tại Ukraine, chuyến thăm này đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược toàn cầu của Washington.

Ông Biden thăm châu Á: Mỹ hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương, nhắm vào Nga-Trung không dễ - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kíshida và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty

Mục đích chính chuyến công du châu Á của ông Biden

Mặc dù đang tập trung vào các diễn biến căng thẳng ở châu Âu, sự can dự mạnh mẽ vào cuộc chiến Ukraine, Tổng thống Biden tới châu Á là nhằm chứng tỏ khu vực này vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Washington, khẳng định Mỹ vẫn duy trì sự có mặt ở khu vực cả về chính trị lẫn quân sự, và có khả năng đóng vai trò hàng đầu trong cuộc đối đầu với cả Nga ở châu Âu và Trung Quốc ở châu Á, đồng thời tăng cường khả năng răn đe đối với Triều Tiên.

Tờ The Hill cho rằng, đây là cơ hội để người đứng đầu Nhà Trắng tập trung hơn vào việc đối phó với những thách thức từ Trung Quốc, vì trong thời gian gần đây, sự chú ý của chính quyền Tổng thống Biden đã tập trung vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel nói, chuyến công du này của Tổng thống Biden là "nhằm cảnh báo Trung Quốc về sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở Thái Bình Dương". Các quan chức và giới truyền thông Mỹ cũng không ngần ngại tiết lộ những nỗ lực của ông Biden trong việc phối hợp với Hàn Quốc và Nhật Bản để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Trong tất cả các cuộc tiếp xúc, ông Biden đều nhắc đến Trung Quốc như là đối thủ cạnh tranh kinh tế chính của Mỹ, đồng thời kêu gọi xây dựng các chính sách và quan hệ đối tác nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài các vấn đề hợp tác quân sự, việc phục hồi vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trên toàn cầu cũng là mục tiêu chính trong chuyến công du của Tổng thống Biden.

Trong thời gian ở thăm Nhật Bản, ngày 23/5/2022, ông Biden đã chính thức công bố thành lập một cơ chế đa phương mới về hợp tác kinh tế và thương mại trong khu vực, gọi là "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng" (IPEF) tại khu vực năng động nhất thế giới.

Ông Biden thăm châu Á: Mỹ hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương, nhắm vào Nga-Trung không dễ - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì lễ công bố khởi động sáng kiến mới về "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng" (IPEF). Ảnh: Reuters

Tại Tokyo, hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ QUAD lần đầu tiên đã được tổ chức trực tiếp sau đại dịch COVID-19 giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tại Seoul, Tổng thống Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thỏa thuận "mở rộng phạm vi và quy mô của các cuộc tập trận chung trong và xung quanh Bán đảo Triều Tiên nhằm đối phó với mối đe dọa liên tục từ Triều Tiên".

Không dễ nhằm vào Nga, Trung Quốc

Nhiều nhà phân tích chính trị tại Tokyo và Seoul tỏ ra nghi ngờ liệu Washington có thể thành công trên nhiều mặt trận cùng một lúc bao vây nước Nga, can dự vào cuộc chiến Ukraine, đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy và một Triều Tiên đang phát triển mạnh mẽ vũ khí hạt nhân.

Trước hết, phản ứng của Trung Quốc là hết sức gay gắt cả về lời nói và hành động. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: "Cái gọi là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ thực chất là một chiến lược chia rẽ, xúi giục đối đầu và phá hoại hòa bình; dù được bao bọc hay che giấu như thế nào thì cuối cùng chắc chắn sẽ thất bại"

Về hành động, Trung Quốc đưa ra một sáng kiến ​​lớn nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh và thương mại tự do với các nước Thái Bình Dương.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ kết thúc chuyến thăm châu Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên đường thăm chính thức 8 quốc đảo Thái Bình Dương từ 26/5 - 4/6, gồm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Timor-Leste.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ "tăng cường hơn nữa sự tin cậy lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương, đưa hợp tác trên các lĩnh vực lên tầm cao mới, tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ lâu dài giữa hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của châu Á - Thái Bình Dương".

Đáng lưu ý, Trung Quốc và Solomon mới đây đã ký thỏa thuận về hợp tác an ninh – một thỏa thuận khiến Mỹ và các đồng minh Australia, New Zealand không khỏi lo ngại về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nhật Bản và Hàn Quốc và đại đa số các nước châu Á có quan hệ kinh tế và thương mại lớn với Trung Quốc, không dễ gì từ bỏ lợi ích của mình để theo Mỹ chống Trung Quốc.

Hàn Quốc cảnh báo rằng, họ không sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế của mình trong quan hệ với Trung Quốc và Nga. Ngay cả đối với lệnh trừng phạt Nga, mặc dù Seoul tham gia các biện pháp hạn chế tài chính, nhưng với điều kiện là chúng không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu hàng hóa của họ sang Nga, bao gồm cả các sản phẩm của Samsung.

Ông Biden thăm châu Á: Mỹ hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương, nhắm vào Nga-Trung không dễ - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: AP

Trong khi đó, Triều Tiên đã tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo ngay trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ. Chỉ vài giờ sau khi ông Biden kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản với thỏa thuận tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã phóng ba quả tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông hướng về phía Nhật Bản và tuyên bố sắp tới sẽ tiến hành thử hạt nhân.

Các nước đang phát triển ở châu Á không muốn lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Các nước trong khu vực đang rất khó khăn trong chọn bên giữa Trung Quốc và Mỹ, nhất là khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ.

Các chiến lược gia Mỹ cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng đòn bẩy kinh tế để làm suy yếu sự gắn kết giữa các đồng minh của Mỹ. Mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ giữa Trung Quốc và các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang đặt ra thách thức đối với chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Ông Biden thăm châu Á: Mỹ hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương, nhắm vào Nga-Trung không dễ - Ảnh 4.

Trong tình hình nội bộ nước Mỹ có nhiều vấn đề, lạm phát tăng cao, uy tín của Tổng thống Biden tiếp tục giảm sút, các đối tác của Mỹ băn khoăn liệu chính quyền Tổng thống Biden có thực hiện được các lời hứa của mình hay không.

Bất cứ cơ chế an ninh, kinh tế nào tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cần phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia mới có thể đem lại hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng cho khu vực. Việc tập hợp lực lượng để chống lại một nước sẽ chỉ tạo ra không khí đối đầu căng thẳng, dẫn đến các cuộc xung đột và chiến tranh mới.

Cuộc chiến ở Ukraine là hệ quả của chính sách bao vây nước Nga, loại Nga ra khỏi cơ chế an ninh và hợp tác châu Âu đang dẫn đến thảm họa không chỉ cho Mỹ và châu Âu mà còn cho tất cả các nước trên toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại