Trang bìa Tuần báo Kinh tế Trung Quốc ra ngày 30/5/2022.
Theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, năm 2022, vào thời điểm nhiều nhà máy tại Trung Quốc phải tạm thời đóng cửa phòng để chống dịch COVID-19 và các hãng sản xuất quốc tế đang lo lắng vì vấn đề tắc nghẽn trong khâu vận chuyển hàng hóa, thì những số liệu thống kê của Việt Nam đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ.
Theo "Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022" do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố ngày 29/3, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I năm 2022 của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, đã mở ra những triển vọng phát triển tốt đẹp cho Việt Nam. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới dự đoán, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thu nhập và thương mại trong số các thành viên RCEP.
Báo cáo nghiên cứu toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered khẳng định, việc trở thành thành viên của RCEP sẽ tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời kỳ hậu đại dịch.
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong quý I
Năm 2021, đặc biệt trong quý II và quý III, để đối phó với dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt nhất có thể. Nhiều công ty tại Việt Nam đã phải tạm ngừng hoạt động. Điều này đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng trong tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu.
Theo thống kê, GDP của Việt Nam năm 2021 đạt 8.398,606 nghìn tỷ đồng, với mức tăng trưởng là 2,58%.
Theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, so với các tỉnh của Trung Quốc, GDP của Việt Nam năm 2021 cao hơn GDP của tỉnh Sơn Tây và thấp hơn GDP của tỉnh Quảng Tây, tương đương với vị trí thứ 19 trên bảng xếp hạng GDP các tỉnh thành Trung Quốc.
Vào thời điểm cuối năm 2020 - đầu năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%. Nhưng trên thực tế, GDP của Việt Nam năm 2021 đã không đạt được mục tiêu tăng trưởng này.
Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê Việt Nam – cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 đã không đạt được mục tiêu đề ra.
Bước sang năm 2022, với việc các biện pháp hạn chế phòng dịch dần dần được nới lỏng và khôi phục hoạt động kinh doanh, tình hình kinh tế và thương mại của Việt Nam đã có bước khởi sắc đáng kể.
Xét về số liệu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý I năm 2022 rất rõ ràng: GDP quý I đạt 92,175 tỷ USD, tăng 5,03% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (4,8%) và Singapore (3,4%) trong cùng kỳ.
Hoắc Kiến Quốc - nguyên Viện trưởng Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc - phân tích: "Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam trong quý đầu năm nay có liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc".
Theo ông Hoắc, do ảnh hưởng của dịch bệnh ở tỉnh Quảng Đông và đồng bằng sông Dương Tử tại Trung Quốc, một số đơn đặt hàng đã chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc này khiến cho xuất khẩu của Việt Nam tăng rõ rệt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Chính sách thu hút đầu tư "Trung Quốc + 1"
Từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện chính sách cải cách mở cửa, thu hút vốn đầu tư và công nghệ sản xuất của nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Tại Đại hội IX (năm 2001), Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngay từ năm 2000, nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như Nike, Adidas, Apple và Samsung đã đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Với một số lượng lớn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, ngành sản xuất của Việt Nam đã trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính Việt Nam.
Theo Tuần báo Kinh tế Trung Quốc, để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao hơn, Việt Nam đã thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài "Trung Quốc + 1", tức là chính sách thu hút đầu tư nước ngoài do Việt Nam đưa ra luôn thuận lợi hơn chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc và có điều kiện môi trường kinh doanh tốt hơn, chi phí tổng thể tương đối thấp, nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Hoắc Kiến Quốc cho biết: "Trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thu hút vốn đầu tư nước ngoài; mở rộng xuất khẩu nhờ vốn đầu tư nước ngoài để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế".
Theo thống kê, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 vào năm 2021, nhưng lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh chóng, đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
Tuần báo Kinh tế Trung Quốc nhận định, trong năm 2022, khi các hạn chế về dịch bệnh được nới lỏng, tốc độ tăng trưởng về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ còn nhanh hơn.
Theo số liệu mới nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam công bố, trong 4 tháng đầu năm 2022, nước ta đã thu hút hơn 10,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 88,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giải ngân vốn FDI đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
RCEP mang lại những cơ hội phát triển mới
RCEP được Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khởi xướng vào năm 2012 và được 15 thành viên bao gồm 10 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Brunei, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) và 5 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand) ký kết vào vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.
RCEP là cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do lớn nhất và quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm gần một nửa dân số thế giới và gần một phần ba lượng giao dịch thương mại của thế giới.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới dự đoán, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thu nhập và thương mại trong các thành viên RCEP.
Báo cáo cho biết, từ năm 2020 đến năm 2025, thuế thương mại bình quân do Việt Nam áp dụng giảm từ 0,8% xuống 0,2%, trong khi các mức thuế mà Việt Nam phải đối mặt giảm từ 0,6% xuống 0,1%. Theo kịch bản lạc quan nhất, tận dụng mọi lợi thế, thu nhập của Việt Nam sẽ tăng 4,9%, cao hơn so với các thành viên RCEP khác. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 11,4%, trong khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đạt 9,2%.
Báo cáo cũng cho biết, Việt Nam có quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với các nước thành viên RCEP, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất và nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đều nằm trong khuôn khổ RCEP.
So với các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các đối tác khác, RCEP có phạm vi cam kết rộng hơn, mức độ tự do hóa cao hơn và tiêu chuẩn cao hơn. Do đó, việc thực hiện RCEP được cho là sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ngân hàng Standard Chartered tin rằng, việc trở thành thành viên của RCEP sẽ tiếp tục củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và thúc đẩy quá trình phục hồi trong thời kỳ hậu đại dịch. Ngân hàng này dự đoán, mặc dù dịch COVID-19 vẫn là một nguy cơ lớn, nhưng sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vào năm 2022 vẫn đầy hứa hẹn và nền kinh tế nước ta có thể tăng trưởng 6,7%.