Hôm 19/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du châu Á tới hai quốc gia đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chuyến thăm của ông Biden diễn ra từ ngày 20 – 24/5. Đây được xem là chuyến đi muộn của Tổng thống Biden trong khi khu vực châu Á vốn được xem là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ đương nhiệm.
Theo CNN, chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản của ông Biden được cho nhằm thúc đẩy các mối quan hệ đối tác, giữa lúc tình hình an ninh toàn cầu đang bất ổn. Trong thời gian qua, Tổng thống Biden và các quan chức Mỹ đã dành phần lớn thời gian và nguồn lực cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine, cùng những hành động mang tính khiêu khích của Triều Tiên, cũng như căng thẳng kinh tế và quân sự với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Biden lần đầu tiên tới thăm châu Á sau thời gian dài chú trọng vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine. (Ảnh:CNN)
Giới chức Mỹ nhận định khả năng vào thời điểm ông Biden tới Seoul vào ngày 20/5, chính quyền Bình Nhưỡng có thể sẽ cho phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), hoặc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, dù thực tế Triều Tiên đang phải đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19.
Theo kế hoạch, sau khi khi tiến hành hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ở Tokyo, Tổng thống Biden còn họp với các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ Kim Cương gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.
Giới chức Mỹ cho hay chuyến thăm đầu tiên tới châu Á của ông Biden diễn ra muộn hơn so với ý định ban đầu là do tác động của các quy định phòng dịch Covid-19, cùng sự xuất hiện của nhiều cuộc khủng hoảng khác. Ông Biden là Tổng thống Mỹ thứ 3 xây dựng chính sách đối ngoại tập trung vào khu vực châu Á.
Ukraine phủ bóng chuyến thăm châu Á
Sau nhiều tháng tập trung vào cuộc chiến của Nga ở Ukraine, chuyến công tác đầu tiên của ông Biden tới châu Á là cơ hội để ông nhắc lại điều mà ông xem là thách thức của thế kỷ 21: Cuộc đối đầu với Trung Quốc thông qua hệ thống đối tác quân sự và kinh tế được tái thiết.
Phát biểu trước chuyến khởi hành tới châu Á của ông Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan có tuyên bố ám chỉ Tổng thống và nhóm cố vấn đã sao nhãng các sáng kiến triển khai ở châu Á chỉ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ngay cả lúc chuẩn bị sang thăm châu Á, cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn là điểm thu hút sự tập trung trong chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ. Bởi vào ngày 19/5, ông Biden sẽ có cuộc gặp tại Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển, hai nước đã nộp đơn xin gia nhập khối quân sự NATO.
Phần Lan vốn là quốc gia có chung đường biên giới dài với Nga. Thụy Điển quyết định thay đổi chính sách không liên kết lâu nay, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo kết quả thăm dò dư luận, đa số người dân Phần Lan và Thụy Điển ủng hộ quan điểm gia nhập NATO.
Nga đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng, nếu như Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO.
Loạt thách thức ở châu Á
Theo CNN, giới chức trong chính phủ Mỹ thừa nhận các nhà lãnh đạo cấp cao nước này cùng với Tổng thống Biden đã bị cuốn vào nỗ lực duy trì một mặt trận phương Tây thống nhất để đối phó với Nga, cũng như cung cấp vũ khí và hỗ trợ kinh tế cho Ukraine trong những tháng qua.
Trong khi Mỹ theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở Ukraine, căng thẳng cũng xuất hiện ở nhiều khu vực khác trên thế giới.
Triều Tiên liên tiếp thử nghiệm vũ khí trong năm nay. (Ảnh: Zee News)
Triều Tiên, quốc gia bị Tổng thống Biden nhận định là thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại vào thời điểm mới bắt đầu nhiệm kỳ, đã cho nối lại hoạt động thử nghiệm các loại vũ khí mang tính khiêu khích ngay trước thời điểm tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-youl nhậm chức vào ngày 10/5. Dù chính quyền của Tổng thống Biden đã tái khởi động tiến trình ngoại giao với Triều Tiên, nhưng lại không nhận được hồi đáp từ phía Bình Nhưỡng.
Trong chuyến công tác tới Hàn Quốc lần cuối trên cương vị Tổng thống, ông Trump đã tới vùng phi quân sự (DMZ). Tại đây, ông Trump đã bắt tay với ông Kim và bước qua đường phân giới để sang lãnh thổ Triều Tiên.Về phần mình, ông Yoon khẳng định sẽ cứng rắn hơn với Triều Tiên sau thời gian cựu Tổng thống Moon Jane-in có những nỗ lực kết nối ngoại giao như hỗ trợ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Trước đây, những người tiền nhiệm của ông Trump cũng từng tới DMZ, khu vực được trang bị vũ khí hạng nặng vào loại bậc nhất thế giới.
Song hôm 18/5, Thư ký Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho hay ông Biden không có ý định tới DMZ trong thời gian tới thăm Hàn Quốc.
Lời cảnh báo với Trung Quốc
Các quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Biden vẫn duy trì chính sách đối ngoại mà trong đó chú trọng tới xây dựng một cấu trúc liên minh ở châu Á, và thiết lập một khối đoàn kết đối đầu với Nga sau khi Moscow phát động tấn công Ukraine.
Giới chức Mỹ tin rằng sức mạnh đến từ hành động phối hợp ban hành lệnh trừng phạt, cùng sự hỗ trợ quân sự to lớn cho Ukraine từ phía Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đã khiến không chỉ Tổng thống Nga Vladimir Putin mà cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị bất ngờ.
Một điều ngạc nhiên khác là một số nước châu Á bao gồm Nhật Bản đã tham gia áp đặt lệnh trừng phạt với Nga, đồng thời hỗ trợ các nước châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Moscow bằng cách cung cấp các loại khí đốt tự nhiên.
Tổng thống Biden và nhóm cố vấn hy vọng phản ứng từ mạng lưới liên minh của Mỹ trước hành động tấn công quân sự của Nga ở Ukraine sẽ gửi thông điệp tới Chủ tịch Tập Cận Bình về những hậu quả mà Trung Quốc có thể phải đối mặt, nếu nước này có hành động tấn công tương tự ở châu Á.
Để mở rộng tầm ảnh hưởng và tăng cường sức mạnh ở khu vực, ông Biden đã có nhiều động thái như tái hồi sinh nhóm Bộ Tứ Kim Cương, hay lần đầu tiên chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân được Mỹ xem là bảo mật với Australia, và tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ lần đầu tiên ở Nhà Trắng trong tuần qua để thảo luận về thương mại và an ninh.