Chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu vào ngày 19-5. Ảnh: The New York Times
Một ngày trước chuyến công du của Tổng thống Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 18-5 tiết lộ với các phóng viên rằng: "Nguồn tin tình báo của chúng tôi cho biết Triều Tiên nhiều khả năng tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa, không loại trừ tên lửa tầm xa; hoặc thử nghiệm hạt nhân; hoặc thử nghiệm cả hai trước, trong hoặc sau chuyến công du châu Á của tổng thống".
Đài CNN cùng ngày dẫn nguồn tin mật khẳng định loạt ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động chuẩn bị đã được tiến hành tại một địa điểm thử nghiệm vũ khí gần Bình Nhưỡng.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Triều Tiên có thể "chào đón" Tổng thống Joe Biden bằng một vụ phóng tên lửa. Ảnh: Reuters
Theo báo The Guardian, chuyến thăm của Tổng thống Biden được thực hiện một phần nhằm phát tín hiệu rằng ông không quên lợi ích chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kể cả khi Washington đang tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.
Chuyến thăm được mô tả là bằng chứng cho thấy Mỹ tiếp tục có những nước đi mới nhằm thực hiện sứ mệnh xoay trục sang châu Á, nơi ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang gia tăng.
Cố vấn Sullivan bác ý kiến cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đang khiến chính quyền Tổng thống Biden sao nhãng khỏi sứ mệnh nêu trên.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Biden dự kiến đến Hàn Quốc vào ngày 19-5 để hội đàm với tân Tổng thống Yoon Suk-yeol . Ông Biden sẽ không đến khu vực phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Tổng thống Biden sau đó dự kiến đến Nhật Bản vào ngày 22-5 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Quad (Bộ tứ), gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) quyết định đẩy mạnh chiến lược quốc phòng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì những nỗi lo liên quan đến ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, cũng như tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với trật tự toàn cầu.
"Tuyên ngôn của chúng tôi luôn là hợp tác khi có thể nhưng sẵn sàng hành động khi cần để bảo vệ lợi ích. Tuyên ngôn này không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào mà là nền tảng để chúng tôi củng cố năng lực và uy tín trong vấn đề bảo vệ lợi ích" – ông Gabriele Visentin, đặc phái viên EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tuyên bố.
Cũng theo ông Visentin, không có bằng chứng cho thấy một cuộc xung đột vũ trang đang nhen nhóm trong khu vực, song EU lo ngại "trận tự đa phương dựa trên luật pháp sẽ không được tôn trọng tuyệt đối".
Đặc phái viên EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Gabriele Visentin. Ảnh: Twitter