Các loại xe mới được trang bị công nghệ “xanh hơn”, giữ lại phần lớn hợp chất và hầu như chỉ thải ra hơi nước. Nhưng, theo một nghiên cứu mới đây, hơi nước này vẫn có thể phản ứng với các hợp chất trong không khí để tạo thành các chất gây ô nhiễm, chỉ cần thêm chút thời gian.
Hình minh họa.
Những khí thải và chất độc hại từ ô tô
Khi ô tô chạy xăng, chúng sẽ tạo ra hỗn hợp hơi nước, những giọt nước nhỏ và các hạt rắn sẽ đọng lại trong ống xả và thải ra không khí. Những hạt rắn này được gọi là hạt bụi hữu cơ sơ cấp.
Một số hạt rắn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, đủ nhỏ để chui sau vào phổi con người, thậm chí cả mạch máu. Theo một nghiên cứu từ năm 2006, các hạt này gây nên các vấn đề về tim phổi.
Tuy nhiên, các hạt bụi hữu cơ thứ cấp (SOAs) – được hình thành trong phản ứng hóa học giữa ánh sáng Mặt trời với các hợp chất hữu cơ thải ra từ ống xả, cây xanh và các nhà máy điện – cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những năm gần đây, các định hướng chặt chẽ về khí thải đã làm giảm đáng kể lượng hạt bụi hữu cơ sơ cấp do ô tô thải ra. Nhưng vẫn chưa rõ ràng làm thế nào mà điều này tác động được đến sự hình thành các SOAs cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Để tìm ra, Allen Robinson, một kỹ sư cơ khí tại Đại học Carnegie Mellon (Pennsylvania, Mỹ), và các đồng nghiệp đã đưa 59 chiếc xe vào một buồng sương mù – hỗn hợp sương, khói kết hợp với các chất ô nhiễm trong không khí.
Những chiếc xe này có độ tuổi khác nhau và đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải khác nhau, từ lượng phát thải thấp đến cực kỳ thấp. Điều này có nghĩa 59 chiếc ô tô này có lượng khí thải ít hơn 90% so với phương tiện thông thường.
Nhóm nghiên cứu nhận ra những ô tô mới hơn phát thải ít hơn. Nhưng khi nghiên cứu thêm, họ nhận thấy sự hình thành các SOAs không giảm mạnh như lượng khí thải từ ống xả.
Ví dụ, khi họ thử nghiệm những chiếc xe giảm được 20 đơn vị lượng ô nhiễm sơ cấp – so với các xe phát thải cao nhất – số lượng các SOAs được hình thành chỉ giảm 3 đơn vị.
Tìm hiểu kỹ hơn, nhóm nghiên cứu nhận ra mối quan hệ giữa sự hình thành SOAs và lượng phát thải rất phức tạp. Nó bị ảnh hưởng bởi các hợp chất riêng lẻ hình thành trong quá trình đốt cháy nhiên liệu.
Tiêu biểu, nhóm của Robinson phát hiện tỷ lệ cao hơn giữa một số loại khí gas hữu cơ nhất định và các hợp chất nito oxit (NOx) trong khí quyển có khả năng đi ngược lại những ảnh hưởng của giảm phát thải.
Trong một báo cáo mới đây, nhóm nghiên cứu tìm ra rằng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt có thể không làm giảm được các SOAs.
Đồng tác giả của nghiên cứu Allen Robinson cho biết: “Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy rằng, các quy định mới và nghiêm ngặt về giảm khí thải từ ống xả phương tiện chạy xăng dầu sẽ không hiệu quả trong việc làm giảm sự phơi nhiễm của con người đối với SOAs, do sự thay đổi mức NOx.”
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý sự phức tạp trong dự báo và giảm tác động tiêu cực đến sức khỏe của các hợp chất từ nhiên liệu đốt. Do đó, các tiêu chuẩn phát thải nên bao gồm tính toán về NOx và các khí gas hữu cơ để kiểm soát ô nhiễm tốt hơn.