Liên minh Bếp nấu Sạch Toàn Cầu – Global Alliance for Clean Cookstoves là một tổ chức liên kết được thành lập bởi Quỹ Liên Hợp Quốc nhằm cứu lấy những sinh mạng những người phải tiếp xúc với ô nhiễm hàng ngày, chủ yếu là những người phụ nữ thường xuyên phải tiếp xúc với bếp núc.
Bên cạnh đó, họ còn có sứ mệnh bảo vệ môi trường sống bằng cách tạo ra một thị trường bếp nấu mới hơn, sạch hơn, cung cấp một giải pháp nấu nướng an toàn với môi trường.
Hiện họ đang kết hợp làm việc mới những tổ chức phi lợi nhuận công khai cũng như tư nhân, nhằm tăng khả năng sản xuất và lắp đặt những thiết bị bếp sạch khắp nơi trên thế giới, chủ yếu là nhắm tới những nước đang phát triển.
Họ cũng đã có những nghiên cứu, những dữ liệu về công nghệ bếp khí hóa, được cho là có thể thay thế công nghệ đun nấu của bếp truyền thống.
Bà Hillary Clinton phát biểu tại hội nghị của Liên minh Bếp nấu Sạch Toàn Cầu.
Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS) là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các dịch vụ nghiên cứu & phát triển, tư vấn, xây dựng năng lực và ứng dụng các giải pháp và mô hình phát triển mang tính sáng tạo và bền vững nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Trung tâm này tại Việt Nam đã phát triển được một mẫu bếp khí hóa sinh khối (gasifier) cực kì ấn tượng và tiềm năng. Thiết kế bếp đặc biệt này đã được đăng kí xuất xứ tại Việt Nam và đăng ký thành công với Chương trình Xanh WIPO.
Hiện tại, trong những thử nghiệm mới nhất, bếp đã đạt tới được con số hiệu quả là 43% và có thể lên tới được cao nhất 67%, vượt xa các con số của những lò cùng chủng loại mạnh nhất trên thế giới hiện nay.
Loại bếp khí hóa sinh khối này nhỏ nhẹ hơn những người tiền nhiệm của nó, và có khả năng trực tiếp cạnh tranh với bếp than tổ ong đang rất thịnh hành ở nước ta.
Trong kết quả được lấy từ thử nghiệm của Đại học Đại học Công nghệ Delft Hà Lan như trong bảng dưới đây, ta có thể thấy hiệu quả nhiệt của lò lên tới được 57% khi bắt đầu thử từ lúc lò nguội, lên 67% khi lò đã nóng sẵn và khi đun ở nhiệt độ vừa, thì hiệu quả nhiệt của lò đạt được mốc 48%.
Trong tài liệu công khai trên trang web của Liên minh Bếp nấu Sạch Toàn Cầu, thì bếp hóa sinh khối mạnh nhất là bếp Mimi Moto của Nhật Bản, chỉ đạt được con số 43%. Vậy là nhỏ hơn cả bếp của Việt Nam ta khi hoạt động ở công suất thấp (Low Power).
Vào ngày 15/2/2016, một buổi thử nghiệm đã được thực hiện bởi các sinh viên Thạc sĩ của Khoa Thiết kế Công nghiệp Đại học Công nghệ Delft Hà Lan nhằm kiểm tra và so sánh hiệu suất của 4 loại bếp khí hóa khác nhau.
Buổi thử nghiệm này do anh Pascal Franken - sinh viên Thạc sĩ vừa hoàn thành khóa thực tập tại Trung tâm CCS chủ trì.
Video demo mẫu bếp khí hóa đang được nghiên cứu tại Việt Nam.
4 loại bếp được thử nghiệm bao gồm 2 mẫu bếp mới nhất của CCS, bếp Ace 1 của African Clean Energy và bếp Mimi Moto.
Ngoài mục đích chính là kiểm tra và so sánh hiệu suất của các loại bếp này, buổi thử nghiệm còn được tiến hành để giúp 2 nhóm sinh viên Thạc sĩ mới khởi động dự án nghiên cứu thiết kế bếp làm quen với giải pháp đun nấu bằng khí hóa quy mô nhỏ.
Điều kiện thời tiết trong ngày tương đối khắc nghiệt, gió to và nhiệt độ môi trường thấp(chỉ khoảng 8 độ C), đây là một thách thức thật sự đối với các mẫu bếp khí hóa được thử nghiệm khi phải thực hiện một số hoạt động đun nấu.
Thử nghiệm bếp hóa sinh khối tại Đà Nẵng.
Thử nghiệm bếp hóa sinh khối tại Hà Giang.
Trong buổi thử nghiệm này, các loại bếp khí hóa sử dụng cùng một loại nhiên liệu là viên nén sinh khối và nhiệm vụ đặt ra là mỗi bếp phải đun sôi một lít nước.
Kết quả là mẫu bếp khí hóa mới nhất của CCS đã cho thấy hiệu suất vượt trội so với các mẫu bếp còn lại, chỉ mất 5 phút 30 giây để đun sôi 1 lít nước trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Bếp Mimi Moto có tốc độ đun sôi nước nhanh thứ hai, mất khoảng hơn 15 phút. Trong khi đó bếp Ace 1 phải mất tới hơn 20 phút để đun sôi 1 lít nước.
Kết quả này cho thấy tiềm năng to lớn của mẫu bếp khí hóa mới nhất do CCS thiết kế và là một thành quả lớn đáng tự hào của Trung tâm.
Những điểm mạnh của loại bếp này còn nằm ở giá thành chế tạo thấp, với đơn chế tạo hàng loạt (sản xuất khoảng 100.000 chiếc) chỉ với 9 USD/bếp.
Thậm chí kể cả những vùng quê không phát triển mạnh về mặt chế tác, họ cũng vẫn có thể tiến hành chế tạo những chi tiết đơn giản bằng chính vật liệu và cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Sản xuất viên nén sinh khối tại Việt Nam.
Cận cảnh viên nén sinh khối.
Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Ngoài khả năng sản xuất bếp, Việt Nam ta còn có thể sản xuất được cả năng lượng sinh khối và thậm chí, tiềm năng thậm chí lên được con số khổng lồ 118,5 triệu tấn/năm. Nhiều vùng trên cả nước có thể sản xuất loại vật liệu này, với công suốt vài chục cho tới vài trăm tấn/tháng.
Tuy nhiên, loại bếp mới này cần có thêm những sự giúp đỡ từ trong nước để có thể phát huy được tối đa tiềm năng khổng lồ của mình. Bếp than tổ ong tiện lợi, gọn nhẹ nhưng lại là một nguồn ô nhiễm cực kì lớn.
Khi thay thế được nó bằng loại bếp khí hóa sinh khối nay, không những môi trường sẽ được cải thiện mà nó sẽ mở ra cơ hội việc làm cho hàng trăm nghìn người.
Công nghệ hiện đại đang len lỏi vào từng hộ gia đình. Tại sao ta không nâng cấp chiếc bếp than tổ ong kia, cũng như cách mà ta đã “lên đời” TV, tủ lạnh?
Quyết định nằm phần lớn ở người dùng nữa, khi mà ta đã tạo ra được một trào lưu bếp hóa sinh khối lan ra khắp nơi, lúc ấy ta sẽ trực tiếp thấy được những lợi ích của nó ảnh hưởng tới toàn quốc như thế nào.
Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu thêm về tổ chức CCS và công nghệ hàng đầu thế giới này của họ, bạn có thể tham khảo thêm tại trang Facebook của họ. Chúc tổ chức của chúng ta sớm thành công, mang được loại bếp này đi khắp mọi miền Tổ Quốc và thậm chí, tới cả năm châu!