Ở Syria, Iran cần bắt tay "kẻ thù" của Nga, chứ không phải Nga?

Ngọc Minh |

Dù người ta có nói nhiều về liên minh Nga-Iran ở Syria, song với Tehran, hợp tác với Nga đã không còn là cách tốt nhất cho lợi ích quốc gia và mục tiêu hòa bình của Damascus.

Tám tháng sau khi chính thức bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria, Nga đã thành công trong việc đưa tên tuổi của mình trở thành nhân tố quốc tế có tầm ảnh hưởng quốc gia Trung Đông này.

Cùng với Iran, Nga được xem là quốc gia công khai ủng hộ hoạt động quân sự của chính phủ Syria chống lại các nhóm khủng bố, nổi dậy. Liên minh giữa Moscow và Tehran, các nhân tố kết nối hai quốc gia này tại Syria cũng vì thế mà trở thành đề tài cho nhiều cuộc thảo luận, tranh cãi.

Tuy nhiên, còn một "góc" tới nay ít được đưa ra mổ xẻ - đó là, vấn đề quan trọng nào khiến họ không thể bắt tay nhau.

"Ranh giới đỏ" của Iran không nằm trong 3 trụ cột chính của Nga

Kể từ năm 2011, Iran vẫn đều đặn tăng cường hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Assad. Trái lại, chỉ 6 tháng sau đợt không kích đầu tiên ở Syria, Moscow tuyên bố rút lực lượng chính của mình khỏi nước này, sẵn sàng hướng sự tập trung cùng Mỹ tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Các quan chức cấp cao Iran nhiều lần khẳng định rằng Assad là giới hạn đỏ mà các bên liên quan không được bước qua và rằng, bất cứ điều kiện tiên quyết nào liên quan tới việc lật đổ đương kim tổng thống Syria đều không thể chấp nhận được.

Moscow thì tỏ ra linh hoạt hơn nhiều. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây đã tuyên bố: "Assad không phải đồng minh với Moscow giống như Ankara với Washington".

Thêm nữa, trong khi Iran luôn nhấn mạnh cần phải bảo vệ bộ máy nhà nước tập trung, đơn nhất ở Syria, thì các quan chức Nga đôi khi lại bày tỏ sự ủng hộ cho ý tưởng liên bang - hoặc ít nhất là không phản đối mạnh mẽ.

Giảng viên khoa học chính trị Hamidreza Azizi tại Đại học Shahid Beheshti (Iran) dùng cụm từ "chủ nghĩa tối giản thực dụng" để mô tả logic trong chính sách của Nga đối với Syria.

"Thực dụng" nằm ở mục tiêu bảo vệ quyền lợi rõ ràng và cụ thể của Nga ở Syria, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo vệ các căn cứ quân sự của nước này ở tây Syria và tiếp cận khu vực Địa Trung Hải. Còn "tối giản" là bởi, người Nga tỏ ý nhượng bộ và phối hợp với Mỹ trong tất cả các vấn đề, chỉ trừ lợi ích "cứng" của họ.

Ở Syria, Iran cần bắt tay kẻ thù của Nga, chứ không phải Nga? - Ảnh 1.

Nga và Iran ngày càng có nhiều bất đồng về tương lai của Assad và Syria

Học giả người Iran chỉ ra, chính sách của Nga dựa vào 3 trụ cột cơ bản.

Thứ nhất, mục tiêu quan trọng nhất của Nga là bảo vệ lợi ích địa chính trị ở miền tây Syria. Trên thực tế, Moscow chỉ quyết định can thiệp quân sự vào quốc gia đồng minh tại Syria sau khi khủng bố và phe nổi dậy "tung hoành" tới mức người ta từng lo ngại rằng, các nhóm này rồi sẽ thống trị các khu vực ở phía Tây.

Đây là vấn đề duy nhất mà Nga sẽ quyết không thỏa hiệp.

Thứ hai, với Nga, Assad có thể tiếp tục tại vị, nhưng không thực sự cần thiết. Giới chức Nga, hoặc ít nhất là các tuyên bố chính thức của họ, đều nó rằng Assad có thể là một phần trong tương lai của Syria.

Tuy nhiên, những bình luận về vấn đề "đồng minh" như Lavrov đã nói cho thấy, với Nga, Assad không phải là "ranh giới đỏ", bất cứ chính phủ thế tục và không cực đoan nào có thể duy trì ổn định ở Syria đều được chấp nhận.

Thứ ba, người Nga không những không phản đối việc thiết lập hệ thống chinh trị liên bang ở Syria, mà thực tế là còn ủng hộ nó. Moscow nhận thấy việc liên bang hóa có thể là một phương tiện để củng cố vị thế địa chính trị của nước này ở tây Syria.

Thêm vào đó, sự hình thành một thực thể tự trị của người Kurd ở Syria có thể làm gia tăng áp lực chính trị và an ninh lên Thổ Nhĩ Kỳ - điều khiến Nga sẽ cảm thấy hài lòng. Mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Nga và người Kurd ở Syria trong vài tháng gần đây là một dấu hiệu rõ ràng cho điều này.

"Nga đã tập trung hợp tác với Mỹ nhằm tìm ra một giải pháp mà đa phương cùng chấp nhận được - hoặc nói đúng hơn, là một giải pháp giữa các "cường quốc". Trên thực tế, Moscow hài lòng với cách Washington đối xử với nước này như một cường quốc ở vị thế ngang bằng, xem xét tới lợi ích của họ ở Syria".

Giải pháp khả thi nhất của Iran sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ?

Trong khi đó, với Iran, mọi việc lại cần phải diễn ra theo chiều ngược lại khi nước này theo đuổi "chủ nghĩa tối đa về hệ tư tưởng" trong chính sách ở Syria.

Ông Azizi phân tích "tối đa" nằm ở chỗ, Iran chưa sẵn sàng thỏa hiệp bất cứ yếu tố nào, kể cả số phận của Assad hay việc liên bang hóa, còn hệ tư tưởng của chính phủ tương lai ở Damascus đóng một phần rất quan trọng với Tehran.

Tehran cho rằng, việc người Alawite tiếp tục nắm quyền là lựa chọn tốt nhất có thể và rằng, chỉ có người Syria mới có thể quyết định số phận của Assad.

Tehran cực lực phản đối bất cứ kế hoach liên bang hóa hay phân tách Syria, đặc biệt, quyền tự trị của người Kurd có thể là một rắc rối với Iran, bởi nó sẽ tác động tới tâm lý của người Kurd ở Iran.

Không thể phủ nhận quan hệ hợp tác Nga-Iran ở Syria mang lại lợi ích cho cả 2 bên, song dường như không bền vững.

Ở Syria, Iran cần bắt tay kẻ thù của Nga, chứ không phải Nga? - Ảnh 2.

Cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều mong muốn Syria toàn vẹn lãnh thổ

Học giả người Iran chỉ ra, Iran cần phải theo đuổi một sáng kiến mà ở đó, nhân tố khu vực có ảnh hưởng khác có thể đóng một vai trò quan trọng sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, cũng như Iran, là "chủ nghĩa tối đa về hệ tư tưởng".

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải lật đổ Assad và thiết lập chính phủ của người Sunni ôn hòa, gần giống với đảng cầm quyền ở nước này, song cũng như Tehran, Ankara cực lực phản đối liên bang hóa Syria.

Xét một cách thực tế, cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều quan tâm nhất tới việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Syria, bởi liên bang hóa hay phân tách quốc gia này sẽ tạo ra mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia 2 quốc gia này.

Ngoài ra, các lợi ích khác của họ - bảo vệ mức độ ảnh hưởng, duy trì sự ổn định ở vùng đất láng giềng với mình, kiềm chế tâm lý ly khai của người Kurd ở khu vực rộng lớn hơn, Tất cả đều chỉ có thể được đáp ứng nếu Syria thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Đối với Tehran và Ankara, cách tốt nhất để đạt được các mục tiêu này, theo ông Azizi, có thể giống như những người ủng hộ phe đối lập ở Syria - "nêu cao ngọn cờ" để người Syria tự quyết định tương lai chính mình, tuân thủ các quy chuẩn quốc tế đã được chấp thuận.

Một cơ chế như vậy có thể kéo tất cả các nhóm người - Alawite, Sunni hay người Kurd - cùng tham gia, giảm lời kêu gọi mạnh mẽ đòi quyền tự trị hay ly khai, qua đó bảo toàn sự thống nhất của quốc gia cũng như quyền lợi của 2 cường quốc lớn trong khu vực.

"Trong bối cảnh này, mặc dù quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng, song sự ủng hộ rộng lớn của quốc tế cho một giải pháp dân chủ ở Syria đồng nghĩa với việc, Moscow không thể phản đối sáng kiến như vậy - tất nhiên là với điều kiện lợi ích địa chính trị của họ được xem xét tới", ông Azizi kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại