Không ai biết công trình này nằm chính xác ở địa điểm nào, người ta chỉ biết ở đâu đó ở chân của dãy Đại Biệt Sơn kéo dài 380 km (có đỉnh núi cao nhất đạt 1.777m) thuộc miền trung Trung Quốc có công trình bí mật này.
Vì bí ẩn nên nó đã thu hút sự chú ý và suy đoán rộng rãi về mục đích của nó. Vậy công trình này là gì và tại sao nó lại được tin rằng sẽ đưa nhân loại đến một con đường khám phá khoa học sâu sắc hơn?
"Cái tai toàn năng" trên Trái đất
Thực chất, công trình này chính là một siêu ăng-ten nằm trong Dự án Phương pháp điện từ không dây (WEM) mà Trung Quốc xây dựng. Dự án khổng lồ này là một phần trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Trung Quốc dành cho mục đích dân sự.
Từ không gian, siêu ăng-ten này được hình thành bởi một mạng lưới dây cáp và cột điện giống như các đường dây điện thông thường, trải rộng hơn 100km.
Nếu công nghệ là một con tàu thì siêu ăng-ten này chính là chiến hạm không gian dẫn chúng ta đến biển sao. Chiến hạm này mạnh đến mức nào? Người ta nói rằng nó có thể nghe được tiếng thì thầm từ ngoài vũ trụ, thậm chí có thể dự đoán động đất và tìm kiếm tài nguyên dưới lòng đất. Siêu ăng-ten WEM đơn giản là “cái tai toàn năng” trên Trái đất.
SCMP năm 2021 trích lời Kỹ sư trưởng của dự án Zha Ming và các đồng nghiệp của ông từ Viện Nghiên cứu Thông tin Hàng hải Vũ Hán, cho biết WEM là một siêu dự án cực kỳ tham vọng mà Trung Quốc thực hiện được. Dự án này mất 13 năm để hoàn thành và được đặt tại một cơ sở rộng 3.625 km vuông - rộng gấp gần 5 lần Thành phố New York của Mỹ.
Không chỉ quy mô, siêu ăng-ten WEM còn sử dụng tín hiệu ELF để liên lạc - đây là công nghệ tiên tiến mà ít quốc gia trên thế giới có thể thực hiện được và đang được Hải quân Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ.
ELF là viết tắt của cụm từ Extremely Low Frequency, nghĩa là Tần số cực kỳ thấp.
Theo dữ liệu của Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Lao động (Bộ Lao động Mỹ), các trường tần số cực thấp (ELF) bao gồm các trường dòng điện xoay chiều (AC) và các bức xạ điện từ; bức xạ không ion hóa (NR).
ELF có thể tạo ra sóng điện từ có tần số từ 0,1 Hz đến 300 Hz. Những sóng điện từ này có khả năng truyền đi khoảng cách xa cả trên và dưới mặt đất.
Theo một bài báo đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Tàu biển Trung Quốc năm 2021, các thiết bị thu được đặt ở độ sâu 200 mét dưới bề mặt đáy biển có thể dễ dàng thu tín hiệu từ siêu ăng-ten này, cách đó 1.300 km!
Trong một bài báo năm 2021 của SCMP có đoạn: Vị trí chính xác của cơ sở này chưa được tiết lộ nhưng được cho là ở đâu đó trên dãy núi Biệt Sơn.
Vậy tại sao các nhà khoa học Trung Quốc lại chọn chế tạo siêu ăng-ten này ở dãy núi Đại Biệt? Dãy núi Đại Biệt nằm ở miền Trung Trung Quốc, môi trường xung quanh tương đối yên tĩnh, không có nhiều sự can thiệp của con người và ít ô nhiễm tín hiệu vô tuyến.
Điều này làm tăng khả năng ăng-ten sẽ thu tín hiệu từ không gian bên ngoài, dù là tín hiệu yếu. Địa hình cao hơn của Đại Biệt Sơn có thể tránh nhiễu tốt hơn từ bức xạ điện từ mặt đất lên các tín hiệu nhận được.
WEM được xây dựng dưới chân núi và có tầm nhìn rộng, có thể thu tín hiệu từ các hướng khác nhau tốt hơn.
"Chiến hạm không gian" đưa loài người đến biển sao
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc cam kết đạt được mục tiêu tự chủ về khoa học công nghệ. Trong đó, thiên văn học có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy đổi mới khoa học công nghệ và phát triển các công nghệ tiên tiến.
Việc đầu tư vào siêu ăng-ten này, Trung Quốc đang thể hiện nỗ lực thỏa mãn sự tò mò của con người về nguồn gốc của vũ trụ. Vì nó được kỳ vọng có thể:
Quan sát tín hiệu vô tuyến để phát hiện các vụ nổ sóng vô tuyến nhanh trong vũ trụ
Các vụ nổ sóng vô tuyến nhanh (FRB) là hiện tượng xung vô tuyến cực ngắn và cường độ rất mạnh. Sức mạnh bí ẩn của chúng đến từ vũ trụ xa xôi đã thu hút sự chú ý rộng rãi của các nhà khoa học trên toàn thế giới bấy lâu nay.
Năm 2007, các nhà khoa học Úc phát hiện vụ nổ FRB. Tín hiệu này tồn tại rất ngắn và biến mất chỉ trong vài mili giây nhưng nó giải phóng năng lượng sáng gấp 10 lần Mặt trời.
Nếu giải đáp được bí ẩn của FRB thì con người có thể hiểu được sự phân bố vật chất và năng lượng trong vũ trụ, sự tiến hóa của vũ trụ và những bí ẩn chưa được giải đáp như vật chất tối và năng lượng tối.
Nghiên cứu các sao xung và sao neutron
Là kính thiên văn vô tuyến một khẩu độ lớn nhất Trung Quốc, siêu ăng-ten WEM có độ nhạy và độ phân giải rất lớn, cung cấp một công cụ quan sát quan trọng để nghiên cứu sao xung (pulsar) và sao neutron.
Pulsar và sao neutron là những thiên thể cực kỳ bí ẩn và có mật độ cao trong vũ trụ, nghiên cứu của chúng đóng vai trò quan trọng trong kiến thức và hiểu biết của con người về vũ trụ.
Bằng cách quan sát tín hiệu xung của sao xung, các nhà khoa học có thể nghiên cứu cấu trúc bên trong, quá trình tiến hóa và điều kiện môi trường của sao xung. Qua đó, chúng ta có thể tiết lộ bí mật về quá trình tiến hóa của sao, điều này có ý nghĩa to lớn trong việc tìm hiểu sự hình thành và cái chết của các ngôi sao quy mô lớn trong vũ trụ.
Siêu ăng-ten này còn được sử dụng để quan sát các sao neutron. Sao neutron là những vật thể cực kỳ đậm đặc được hình thành sau các ngôi sao, thường có khối lượng gấp khoảng 1 đến 2 lần khối lượng Mặt trời - nhưng có bán kính chỉ từ 10 đến 15 km. Do mật độ cao bất thường và từ tính mạnh, sao neutron có trường hấp dẫn mạnh và trạng thái vật chất đặc biệt, mang lại địa điểm thử nghiệm tốt để tìm hiểu hành vi của vật chất trong điều kiện khắc nghiệt và nghiên cứu vật lý hạt nhân.
Tìm kiếm tín hiệu từ các nền văn minh ngoài Trái đất
Con người trên Trái đất luôn đầy tò mò và tưởng tượng về sự sống ngoài Trái đất. Kể từ đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học đã bắt đầu thử sử dụng nhiều dụng cụ và thiết bị khác nhau để tìm kiếm sự tồn tại của các nền văn minh ngoài Trái đất.
Siêu ăng-ten của Trung Quốc cũng đã trở thành một trong những công cụ quan trọng cho hoạt động thăm dò này. Kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ này nằm ở tỉnh Hồ Bắc và có thể nói là một cột mốc quan trọng trong hoạt động thám hiểm vũ trụ của Trung Quốc.
WEM đã thu hút nhiều sự chú ý nhờ hình dạng độc đáo của nó. Nó bao gồm hơn 5.000 tấm kim loại có đường kính khác nhau, bao phủ một cấu trúc hình bát khổng lồ. Thiết kế này cho phép ăng-ten thu được phạm vi sóng vô tuyến rộng hơn, bao gồm cả tín hiệu ngoài Trái đất từ xa hơn. Hơn nữa, nó có thể cảm nhận các tín hiệu vô tuyến yếu với độ nhạy cao và chuyển đổi chúng thành dữ liệu có thể nhận dạng được.
Với sự tiến bộ không ngừng của khoa học công nghệ, nghiên cứu thiên văn của Trung Quốc đã dần bước vào con đường phát triển nhanh chóng.
Từ việc phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc - Đông Phương Hồng I, hay việc thực hiện thành công chuỗi dự án thám hiểm Mặt trăng Chang'e, đến việc phóng thành công Trạm vũ trụ Thiên Cung do nước này phát triển độc lập... sức mạnh công nghệ không gian của Trung Quốc đang nổi dần lên trên trường quốc tế.
Với sự trợ giúp của WEM, Trung Quốc có thể đạt được nhiều thành tựu không gian lớn hơn nữa.
Tham khảo: SCMP, Sohu, Zhihu, Eurasiantimes