Chỉ trong vòng 18 giờ đồng hồ (từ ngày 6-7/10/2019), Hagibis từ trạng thái 'bão nhiệt đới' đã tăng cấp 'siêu bão', đạt Cấp 5 (cấp mạnh nhất trong thang đo bão phương Tây Saffir–Simpson).
Kể từ siêu bão Yates (năm 1996), đây là lần đầu tiên các nhà khí tượng học đo được sự tăng cấp mãnh liệt của một siêu bão tại vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Siêu bão Hagibis (Hagibis nghĩa là Tốc độ) vì thế trở thành một trong những siêu bão mạnh nhất, tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử khí tượng thế giới.
[Độc giả xem thêm thông tin đường đi dự kiến và khu vực sẽ đổ bộ của siêu bão Hagibis, tại đây]
Dưới cái nhìn của người dân vùng có bão đổ bộ, thì sức gió hủy diệt, giao thông trì trệ, nhà cửa và cây cối bị tàn phá nặng nề, thương vong về người... là những hệ quả dễ-nhìn-thấy-được mỗi khi có bão mạnh đi qua.
Nhưng dưới cái nhìn của các nhà khoa học, siêu bão dữ dội và bất thường (tăng cấp đột ngột, song bão, đường đi khó dự báo...) là hệ quả của những nguyên nhân sâu xa, từ một thế giới đang nóng dần lên với tốc độ đáng báo động.
Bấy lâu nay, giới chuyên môn rất thận trọng khi đưa ra nhận định về sự gia tăng sức mạnh của các cơn bão gần đây với vấn đề biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo nhận định của Washington Post, sức mạnh hủy diệt kèm tốc độ tăng cấp dị thường của các trận siêu bão đang PHÙ HỢP với những tiên liệu sẽ có trong thế giới khi mà sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Khi một Trái Đất đang nóng dần lên thì kéo theo đại dương cũng bị hút nhiều nhiệt hơn, khiến cho bề mặt nước biển cũng nóng theo.
Theo các chuyên gia khí tượng, bão nhiệt đới hình thành trên đại dương cần phải đảm bảo 2 điều kiện: (1) Bề mặt nước biển (sâu đến 46 mét) phải ấm ít nhất là 27 độ C; (2) Vùng nước biển hình thành bão phải cách xích đạo ít nhất 483km.
Trên Trái Đất có 7 'ổ bão' thỏa mãn cả 2 điều kiện trên, bao gồm các lưu vực: Đại Tây Dương*, Đông Thái Bình Dương (gồm cả trung tâm Thái Bình Dương), Tây Bắc Thái Bình Dương**, Bắc Ấn Độ Dương, Tây Nam Ấn Độ Dương, Đông Nam Ấn Độ Dương và Tây Nam Thái Bình Dương.
Riêng Tây Bắc Thái Bình Dương, đây là lưu vực bão hoạt động mạnh nhất trên Trái Đất, gần 1/3 tổng số bão nhiệt đới trên Trái Đất đều xảy ra ở đây. Ngoài ra, phía Tây Thái Bình Dương (thuộc Lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương) nổi tiếng là nơi sinh ra nhiều siêu bão dữ dội nhất trên thế giới.
Điều đáng lo ngại là, các cơn bão tăng cấp dữ dội như vậy đang dần trở nên phổ biến hơn trong lưuc vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương.
Hình minh họa.
Theo nghiên cứu năm 2018 của tập thể các tác giả thuộc Cục quản lý Khí tượng và Đại dương Mỹ (NOAA), Trung tâm Khí tượng và Khí hậu, các trường đại học Mỹ thì với sự nóng lên toàn cầu liên tục, nhiều cơn bão nhiệt đới sẽ tăng cấp sức mạnh nhanh hơn so với trước đây.
Chuyên gia phân tích, sức mạnh của một cơn bão phụ thuộc vào nguồn năng lượng mà nó 'hút' được trên vùng nước ấm (ấm hơn 27 độ C) cùng khối không khí nóng ẩm (di chuyển theo mùa) trên một vùng đại dương. Trong khi gió trong bầu khí quyển sẽ quyết định tốc độ của bão di chuyển trên đại dương nhanh hay chậm.
Nói cách khác, sức nóng của đại dương ảnh hưởng đến việc bão hút hơi nước ấm, ẩm hơn vào hệ thống của nó. Những cơn bão hút được nhiều hơi nước ấm hơn sẽ gây mưa nhiều hơn. Ngược lại, khi một cơn bão gặp phải một vùng nước biển lạnh, sức mạnh tự nhiên của bão có thể bị suy giảm do chúng không còn nhận được nguồn nhiên liệu để duy trì hệ thống.
Như vậy, đại dương càng nóng thì sức mạnh tự nhiên của một cơn bão càng mạnh. Điều này có thể lý giải tại sao siêu bão Hagibis lại tăng cấp nhanh đến vậy trong vòng 18 giờ đồng hồ, với sức gió 'hủy diệt' lên đến 260km/giờ.
Chuyên gia thuộc Viện Vật lý Khí quyển (IAP) - Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc báo cáo: Năm 2018, nhiệt độ đại dương giữ kỷ lục nóng nhất trong lịch sử 70 năm trở lại đây.
Mức nhiệt mà phần trên cùng của đại dương toàn cầu đã hấp thụ gấp 150 triệu quả bom nguyên tử "Little Boy" Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Lý giải nguyên nhân khiến đại dương năm 2018 giữ mức kỷ lục về hấp thu nhiệt, các nhà khoa học cho biết, vì sự nóng lên toàn cầu được thúc đẩy bởi "sự mất cân bằng năng lượng" của Trái Đất do có nhiều khí nhà kính trong không khí, nên có đến hơn 90% nhiệt lượng nóng lên toàn cầu lắng đọng trong các đại dương trên thế giới.
Như vậy, trong những năm đầu của thế kỷ 21, đại dương của chúng ta (sản xuất từ 70 đến 80% nguồn oxy cho Trái Đất cho con người hít thởđọc chi tiết) đang gặp cùng lúc 2 đại nạn: Rác thải nhựa và Nóng dần lên.
Nếu nhìn xa một chút, hai đại nạn này đến một lúc nào đó sẽ hủy hoại đại dương và sinh vật sống trong lòng chúng.
Hệ quả dễ thấy là con người sẽ phải hứng chịu những tàn khốc của siêu bão và sự thiếu oxy cho hoạt động sống.
Cũng theo nghiên cứu của tập thể các nhà khoa học Mỹ, họ cảnh báo, vào cuối thế kỷ này sẽ xuất hiện khoảng 72 siêu bão có sức gió tối đa lên đến 306km/giờ (so với 9 cơn bão sức mạnh tương tự vào cuối thế kỷ 20). Thậm chí, sức mạnh của chúng sẽ gia tăng vượt mức Cấp 5 trên Saffir–Simpson. Do đó, giới khí tượng học có thể phải thêm cấp bão mới, Cấp 6.
Chú thích:
(*) Lưu vực Đại Tây Dương bao gồm các vùng Bắc Đại Tây Dương, Vịnh Mexico, Biển Caribe
(**) Lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương bao gồm các vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, Tây Thái Bình Dương
Bài viết sử dụng các nguồn: Forbes, ThoughtCo
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.