Kỷ lục dị thường của siêu bão Hagibis đe dọa châu Á: Mỹ ra cảnh báo nghiêm trọng

Trang Ly |

Siêu bão Hagibis đạt Cấp 5 (cấp mạnh nhất trên thang đo bão phương Tây Saffir–Simpson) chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ đồng hồ. Chuyên gia cảnh báo điều gì?

Siêu bão Hagibis đang xuất hiện trên vùng Tây Bắc Thái Bình Dương (từ hôm 6/10) được chuyên gia khí tượng thế giới đánh giá là một trong những siêu bão có tốc độ tăng cấp mãnh liệt nhất trong lịch sử khí tượng; đồng thời là siêu bão có kỷ lục tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử Thái Bình Dương mùa bão 2019 - Đúng như tên gọi của nó Hagibis (nghĩa là Tốc độ).

Cụ thể, chỉ trong vòng 18 giờ tính từ ngày 6-7/10, từ sức gió 161km/giờ, siêu bão Hagibis đã tăng lên thành siêu bão Cấp 5 - cấp mạnh nhất trên thang đo bão phương Tây Saffir–Simpson -với sức gió mạnh nhất vùng tâm bão đạt 260km/giờ, gió giật 315km/giờ.

"Đây là cường độ mạnh nhất của một siêu bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương tính từ năm 1996 đến nay." - Chuyên gia bão Philip Klotzbach, Đại học bang Colorado (Mỹ) cho biết.

Kỷ lục dị thường của siêu bão Hagibis đe dọa châu Á: Mỹ ra cảnh báo nghiêm trọng - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh của NOAA về siêu bão Hagibis. Nguồn: NOAA

Theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp Mỹ (JTWC) dự báo, siêu bão Hagibis sẽ đổ bộ Nhật Bản vào cuối tuần này, gây gió hủy diệt, mưa lớn, lũ lụt vùng ven biển. 

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã xếp loại siêu bão Hagibis thuộc loại "mãnh liệt nhất" và đưa ra cảnh báo khẩn cấp cho vùng đông nam Nhật Bản, thủ đô Tokyo và thành phố Yokohama, vào cuối tuần này.

Vào thời điểm siêu bão Hagibis tăng cấp 5, vệ tinh của JTWC đã chụp được hình ảnh MẮT BÃO khổng lồ của siêu bão vùng Thái Bình Dương này. Đường kính mắt bão Hagibis mở rộng từ 8km lên đến 22km.

Kỷ lục dị thường của siêu bão Hagibis đe dọa châu Á: Mỹ ra cảnh báo nghiêm trọng - Ảnh 2.

Washington Post nhận định, sự nóng lên toàn cầu (khiến đại dương hút nhiệt nhiều hơn) có thể là nguyên nhân góp phần khiến các cơn bão không chỉ dữ dội hơn, khó lường hơn mà còn xuất hiện những đặc điểm dị thường hơn: Tăng cấp mãnh liệt trong thời gian ngắn, đơn cử như siêu bão Hagibis. 

Điều đáng lo ngại là, các cơn bão tăng cấp dữ dội như vậy đang dần trở nên phổ biến hơn trong khu vực Tây Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương - 2 'ổ bão' của Trái Đất.

Đáng chú ý hơn cả, những cơn bão như vậy dự kiến sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trên toàn thế giới khi sự nóng lên toàn cầu (với nguyên nhân chính do con người gây nên) đang gia tăng mạnh mẽ.

Theo nghiên cứu năm 2018 của tập thể các tác giả thuộc Cục quản lý Khí tượng và Đại dương Mỹ (NOAA), Trung tâm Khí tượng và Khí hậu, các trường đại học Mỹ thì với sự nóng lên toàn cầu liên tục, nhiều cơn bão nhiệt đới sẽ tăng cấp sức mạnh nhanh hơn so với trước đây.

Thậm chí, sức mạnh của chúng sẽ gia tăng trong tương lai đến mức các nhà khí tượng có thể phải đưa thêm cấp độ mới trong thang đo bão Saffir–Simpson - Cấp 6!

Các chuyên gia cảnh báo, trong giai đoạn giữa năm 2016 và 2035, nghiên cứu cho thấy sẽ có sự gia tăng 11% trong các cơn bão nhiệt đới lớn, cường độ Cấp 3 trở lên. Đáng sợ hơn, vào cuối thế kỷ này sẽ xuất hiện khoảng 72 siêu bão có sức gió tối đa lên đến 306km/giờ (so với 9 cơn bão sức mạnh tương tự vào cuối thế kỷ 20).

Nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu đang ngày càng khiến cuộc sống của con người bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ gây siêu bão, nắng nóng khủng khiếp, các vấn đề toàn cầu này dự báo sẽ gây mất an ninh lương thực, nghèo đói và bệnh tật gia tăng.

Bài viết sử dụng các nguồn: Washingtonpost, NASA, ABC

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại