Nước rút vì hạn hán, lòng sông xuất hiện vật thể nặng gần nửa tấn: Hơn 3.000 người sơ tán khẩn cấp

Trang Ly |

Hạn hán đã để lộ nhiều bí mật đáng sợ dưới lòng sông.

DÒNG CHỮ NGHIỆT NGÃ CẢNH BÁO HẬU QUẢ LỚN

"Wenn du mich siehst, dann weine" (tạm dịch: Nếu nhìn thấy tôi, hãy khóc). 

Dòng chữ nghiệt ngã này xuất hiện trên một tảng đá có tên "Hungry Stone" ở sông Elbe gần thị trấn Děčín phía bắc Cộng hòa Séc, gần biên giới Đức.

Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ đến mức nào mà khiến con người khi nhìn thấy tảng đá này lại phải cảm thấy lo ngại, đáng sợ?

Năm 2022, châu Âu hứng chịu đợt hạn hán tàn khốc nhất trong 500 năm qua. Hạn hán, khô hạn khiến các con sông ở lục địa này cạn nước, có nơi trơ cả đáy. Nước rút làm lộ ra những đồ tạo tác vốn được giấu kín bên dưới lòng sông hàng trăm, hàng nghìn năm từ các trại La Mã đến những vụ đắm tàu trong Thế chiến thứ hai.

Nước rút vì hạn hán, lòng sông xuất hiện vật thể nặng gần nửa tấn: Hơn 3.000 người sơ tán khẩn cấp- Ảnh 1.

'Hòn đá đói', một trong những di tích thủy văn lâu đời nhất ở Trung Âu, xuất hiện ở Děčín. Ảnh: Anadolu / Getty Images

Cái gọi là "Hungry Stone" (Hòn đá đói) ở Děčín (Séc) chỉ là một trong hàng chục tảng đá được đặt ở nhiều con sông thuộc Trung Âu nhằm đánh dấu mực nước thấp nhất trong những đợt hạn hán lịch sử – đồng thời cảnh báo các thế hệ tương lai về nạn đói và khó khăn có thể xảy ra mỗi khi chúng xuất hiện.

Hungry Stone được đẽo gọt để thể hiện những năm tháng khó khăn trong lịch sử. Hạn hán xưa kia bủa vây khắp chốn đã khiến mùa màng thất bát, lương thực thiếu thốn, nạn đói diễn ra triền miên.

Trong lịch sử, năm sớm nhất người ta nhìn thấy tảng đá còn nguyên vẹn dòng chữ cảnh báo này là năm 1616. Đây cũng là năm hạn hán diễn ra ở châu Âu khiến nạn đói hoành hành khắp nơi.

Về sau, những lời cảnh báo nghiêm túc về hậu quả nghiệt ngã của hạn hán hầu hết được tìm thấy trên các con sông lớn ở châu Âu như Elbe, Rhine, Danube và Moselle.

Các nhà nghiên cứu cho biết, Hungry Stone đang xuất hiện ngày một dày hơn, đặc biệt là trong đợt hạn hán ở Trung Âu năm 2018 – kể từ khi một con đập được xây dựng vào những năm 1920.

Nước rút vì hạn hán, lòng sông xuất hiện vật thể nặng gần nửa tấn: Hơn 3.000 người sơ tán khẩn cấp- Ảnh 2.

Ở phía tây nam Ethiopia, hạn hán trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu đang đe dọa mùa màng và vật nuôi, đẩy dân số đến bờ vực. Ảnh: UNICEF/Pouget

Năm 2023, Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 1,84 tỷ người trên hành tinh phải chịu các tác động tiêu cực từ hạn hán trong năm 2022. Dự báo, trong những năm tiếp theo của thế kỷ 21, hạn hán tại châu Âu sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Báo cáo Tổng quan về hạn hán toàn cầu năm 2023 do Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD) cảnh báo: "Không giống như những thảm họa khác thu hút sự chú ý của giới truyền thông, hạn hán diễn ra âm thầm, thường không được chú ý. Với tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt hạn hán ngày càng gia tăng, khi mực nước hồ chứa cạn kiệt và năng suất cây trồng giảm, con người đang đối mặt với nạn đói lan rộng và mất đa dạng sinh học".

Năm 2023, hạn hán bủa vây toàn cầu. Riêng ở châu Âu, các khu vực ven biển Scandinavia và Địa Trung Hải khô hơn bình thường trong tháng 7/2023. Nhiệt độ nóng bất thường trên toàn lục địa đã khiến châu Âu có tháng 7 ấm thứ tám trong kỷ lục 114 năm, NOAA (Mỹ) cho biết.

Nhiệt độ quá cao làm tăng sự thoát hơi nước và làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán ở những nơi khô hạn. Khắp châu Âu, nhiều con sông/hồ chứa lớn nhỏ khi cạn nước cũng để lộ nhiều bí mật đáng sợ.

BÍ MẬT DƯỚI ĐÁY SÔNG "TRỒI LÊN" 

1. Sông Po - Sông dài nhất của Ý

Trong đợt hạn hán tồi tệ nhất châu Âu 500 năm qua, sông Po có mực nước thấp nhất trong 70 năm đã để lộ tàn tích hàng loạt hiện vật, trong đó có một ngôi làng cổ ở Piedmont, xác tàu Zibello, một sà lan chở hàng dài 50 mét bị chìm trong Thế chiến thứ hai.

Đáng sợ hơn nữa là việc sông Po cạn nước đã làm lộ một quả bom nặng 450 kg. Vụ việc khiến chính quyền địa phương sơ tán khẩn cấp hơn 3000 người ở gần đó. Không phận của khu vực cũng đã bị đóng cửa và giao thông dọc theo tuyến đường thủy cũng như giao thông trên tuyến đường sắt và đường quốc lộ gần đó đều bị dừng lại.

Nước rút vì hạn hán, lòng sông xuất hiện vật thể nặng gần nửa tấn: Hơn 3.000 người sơ tán khẩn cấp- Ảnh 3.

Ảnh: Trung đoàn Công binh số 10 di chuyển quả bom và cho phá hủy cách nơi phát hiện 45km. Quân đội Ý - Trung đoàn Công binh số 10/ REUTERS


Sau đó, chuyên gia phá bom mìn đã đến và tiến hành tháo cầu chì ra khỏi thiết bị do Mỹ sản xuất. Bên trong quả bom có chứa 240 kg chất nổ.

Sau đó, Trung đoàn Công binh số 10 của Quân đội Ý ở Medole, Ý chuyển thiết bị này đến một mỏ đá ở cách nơi phát hiện khoảng 45 km và cho phá hủy một cách an toàn.

2. Sông Tiber - Sông dài nhất ở miền Trung nước Ý

Ở Rome, dòng nước sông Tiber rút đã để lộ tàn tích của một cây cầu được cho là xây dựng vào thế kỷ thứ I cho Hoàng đế Nero để ông có thể dễ dàng đến thăm tài sản của mình ở hữu ngạn sông, bao gồm cả biệt thự của mẹ ông, bà Agrippina.

Nước rút vì hạn hán, lòng sông xuất hiện vật thể nặng gần nửa tấn: Hơn 3.000 người sơ tán khẩn cấp- Ảnh 4.

Do đợt nắng nóng và hạn hán, tàn tích của một cây cầu trên sông Tiber đã xuất hiện gần cầu Vittorio Emanuele II ở Rome. Ảnh: Minichiello/AGF/Rex/Shutterstock

3. Sông băng ở Thụy Sĩ

Ở Thụy Sĩ, sông băng tan chảy đã tiết lộ nhiều bí mật khủng khiếp hơn, bao gồm hai bộ hài cốt người không xác định được trên con đường cũ băng qua sông băng Chessjen ở bang Valais phía nam.

4. Sông Danube - Sông dài thứ hai ở châu Âu

Tại Serbia, sông Danube hùng vĩ đã rút xuống mức thấp nhất trong gần một thế kỷ, để lộ xác hơn 20 tàu chiến Đức chứa đầy chất nổ bị đánh đắm trong Thế chiến thứ hai gần Prahovo.

5. Sông Limia - Tây Ban Nha

Ở Tây Ban Nha, những ngôi làng ngập nước từ lâu đã trở thành điểm thu hút khách du lịch. Aceredo, một thị trấn nhỏ gần biên giới với Bồ Đào Nha, từng bị sông Limia nhấn chìm vào năm 1992 đã nổi lên trở lại vì hạn hán.

Nước rút vì hạn hán, lòng sông xuất hiện vật thể nặng gần nửa tấn: Hơn 3.000 người sơ tán khẩn cấp- Ảnh 7.

Hình ảnh ngôi làng xuất hiện dưới sông Limia ở Tây Ban Nha. Ảnh: Anadolu / Getty Images

6. Hồ chứa As Conchas - Tây Ban Nha

Hồ chứa As Conchas bốc hơi cũng làm lộ ra Aquis Querquennis, một pháo đài La Mã được xây dựng từ năm 69 đến 79 sau Công nguyên nhưng bị bỏ hoang vào khoảng năm 120 sau Công nguyên. Địa điểm này đã biến mất dưới nước vào năm 1949 nhưng toàn bộ diện tích 2,4 ha của nó hiện đã được "nhìn thấy ánh sáng" do khô hạn.

Tham khảo: The Guardian, NOAA, UN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại