Nước Nhật thời hậu Abe có vượt qua Trung Quốc dẫn dắt Châu Á?

Thu Ngọc |

Nhiều chuyên gia cho rằng Nhật Bản có đủ khả năng lãnh đạo khu vực hay không phụ thuộc vào tình trạng và nỗ lực hồi phục kinh tế nước này.

Di sản khó vượt qua của ông Abe

Thủ tướng Nhật Bản mới tuyên bố từ chức Shinzo Abe đã để lại một di sản quá lớn mà người kế nhiệm khó có thể vượt qua được. Trong 4 nhiệm kỳ kéo dài từ năm 2006, thủ tướngAbe đã làm được rất nhiều việc giúp nâng cao vị thế của đất nước và sự hiện diện quốc tế của nước Nhật hơn bất kỳ nguyên thủ nào của xứ mặt trời mọc kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Trên con đường trở thành thủ tướng tại vị lâu đời nhất tại xứ sở mặt trời mọc và là người trẻ nhất kể từ sau chiến tranh, ông đã triển khai các chính sách kinh tế mang tính cách mạng mang tên ông - Abenomics, đề xuất sửa đổi điều 9 hiến pháp, xây dựng thành công danh tiếng cá nhân và nhận được sự tôn trọng của các nguyên thủ trên toàn thế giới.

Khả năng lãnh đạo của ông hiệu quả đến mức việc từ chức của ông khiến cho mọi người cảm thấy nghi ngại về tầm ảnh hưởng của Nhật Bản với các nước đồng minh và tham vọng của nước này trở thành một quốc gia có tiếng nói trong khu vực.

Thách thức càng lớn hơn cho người kế nhiệm khi bất kỳ người kế nhiệm nào cũng chỉ có thời hạn một năm - từ nay cho đến tháng 10/2021 - để chứng minh năng lực cá nhân trước khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức.

Trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID, đây sẽ phải là một nhà lãnh đạo thực sự dũng cảm dám đi những con đường khác mà thủ tướng Abe đã tạo nên trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và ngoại giao. Chính xác nhân vật nào sẽ là người phải đối mặt với thách thức này sẽ sớm có câu trả lời. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền dự kiến ​​sẽ bầu lãnh đạo đảng vào ngày 14/9 và sau đó chọn thủ tướng mới vào ngày 17/9.

Khả năng dẫn dắt châu Á

Ông Heazle cho biết các quốc gia châu Á sẽ tiếp tục tìm đến Nhật Bản để được nhận sự hỗ trợ về phát triển và đầu tư và duy trì trật tự khu vực.

"Niềm tin vào nước Nhật và vai trò cân bằng của nước này giúp kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh sẽ không thay đổi", ông Heazle nói.

Một cuộc khảo sát năm nay của Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Singapore, cho thấy Nhật Bản là đối tác đáng tin cậy nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Nagy cho biết Đông Nam Á sẽ tiếp tục là tâm điểm cho chính sách đối ngoại của Nhật Bản và nỗ lực của nước này nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. "Một cái nhìn thiện cảm của khu vực về nước Nhật sẽ giúp cho quá trình này diễn ra ít phức tạp hơn các mối quan hệ khác trong khu vực", ông Nagy nói thêm.

Dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Abe, Nhật đã ký kết các hiệp định đa quốc gia như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế EU-Nhật Bản. Cả hai hiệp định đều hướng tới tham vọng lãnh đạo khu vực của Nhật Bản.

"Đây là những kết quả trong chính sách ngoại giao của thủ tướng Abe và các hiệp định này đã làm tăng đáng kể vai trò của Nhật Bản trong khu vực, danh tiếng của đất nước và mở ra cơ hội cho các cam kết lâu dài trong khu vực", Stephen Nagy, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo nói.

Ông James Brown thuộc Đại học Temple của Nhật Bản, cho biết những thành tựu như vậy có được phần lớn nhờ vào ảnh hưởng cá nhân mà thủ tướng Abe đã gây dựng được qua thời gian dài cầm quyền và sự thiếu hụt các đối thủ chính trị ngang tầm.

Ông Brown nói rằng tuy vẫn hứng chịu các lời chỉ trích, không nghi ngờ gì rằng thông qua các chuyến công du nước ngoài thường xuyên, ông Abe đã nâng cao sự hiện diện của Nhật Bản trên trường quốc tế

"Thủ tướng Abe trong vấn đề này đã tích cực hơn nhiều so với hầu hết các nhà lãnh đạo tiền nhiệm. Điều này sẽ rất khó để người kế nhiệm ông Abe có thể vượt qua được", ông Brown nói. Ông cũng chỉ ra rằng hầu hết các hội nghị thượng đỉnh quốc tế đều đang bị hoãn do đại dịch COVID.

Ông Purnendra Jain, Đại học Adelaide, cho biết Abe đã xây dựng mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo. "Những người kế nhiệm sẽ khó xây dựng 1 một quan hệ dễ chịu [như cách ông Abe đã từng có] với các nhà lãnh đạo như với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thủ tướng Australia Scott Morrison và quan trọng nhất là với Tổng thống Mỹ Donald Trump," ông Jain nói.

Ông Amresh Kumar, Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Jawaharlal Nehru, dự đoán ​​sẽ có ít thay đổi trong các chính sách đối nội và đối ngoại, vì LDP vẫn nắm quyền đa số trong chính phủ.

Trong khi các nhà phân tích đều nhất trí rằng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ là điều tối quan trọng, ông Jain nói rằng các thủ tướng tương lai có thể học hỏi từ ông Abe "khả năng ngoại giao thiên tài để có thể "hòa hợp" với Tổng thống Mỹ.

Nếu thủ tướng mới không thể xử lý tốt mối quan hệ với Mỹ, đó sẽ là một điểm trừ lớn, ông Lam Peng Er, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đông Á, Trường Đại học quốc gia Singapore cho hay. Xem xét thái độ ngày càng hung hăng từ Bắc Kinh, Heazle cho biết liên minh Mỹ - Nhật sẽ tiếp tục tăng cường, cũng như mối quan hệ của Nhật Bản với các đối tác khác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là Ấn Độ và Australia.

Ông Lam cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các thành viên ASEAN đào tạo lực lượng tuần duyên và cung cấp tàu thuyền.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc hung hăng hơn, nhiều chuyên gia cho rằng Nhật Bản có đủ khả năng lãnh đạo khu vực hay không phụ thuộc vào tình trạng và nỗ lực hồi phục kinh tế nước này. "Nếu Nhật Bản thực sự không muốn trao quyền lãnh đạo cho Trung Quốc, nước này cần phải mạnh dạn hơn và giải quyết tình trạng kém hiệu quả đang tiếp tục kìm hãm nền kinh tế của nước này" ông Brown nói.

Các ví dụ thường được trích dẫn về sự kém hiệu quả của kinh tế Nhật Bản bao gồm mức thuế quá cao, sự thiếu minh bạch trong các vấn đề của công ty và truyền thống khen thưởng dựa trên thâm niên chứ không phải thành tích.

Ông Nagy cho biết tham vọng lãnh đạo khu vực của Nhật Bản cũng sẽ phụ thuộc vào việc ai sẽ trở thành ông chủ Nhà Trắng vào năm tới. Một nhiệm kỳ tổng thống dưới thời ông Trump có thể chứng kiến ​​một Nhật Bản chủ động hơn xuất hiện trong việc hợp tác với các cường quốc tầm trung khác để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại.

Về vai trò của Nhật Bản trong Đối thoại An ninh QUAD, cùng với Mỹ, Ấn Độ và Australia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, ông Kumar cho biết thủ tướng Abe đã đảm bảo "sự đóng góp lớn từ Nhật Bản" trong việc đối phó với "chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc". Liệu nhóm này có tiếp tục đảm bảo "hòa bình và ổn định" trong khu vực hay không sẽ phụ thuộc một phần vào việc người kế nhiệm Abe có chấp nhận định hướng này hay không.

Vấn đề chủ quyền với Trung Quốc

Trong bối cảnh sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ về ngoại giao và thương mại mà còn cả công nghệ và tài chính, ông Lam nói rằng cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không muốn thay đổi hiện trang quan hệ kinh tế song phương.

Trong khi Trung Quốc lên kế hoạch phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa, điều này chỉ có thể xảy ra "ở một mức độ nhất định" do bản chất toàn cầu hóa của nền kinh tế Trung Quốc. "Sự gián đoạn các hoạt động kinh tế cần được giải quyết. Vì vậy Nhật Bản và các nước láng giềng khác sẽ trở nên quan trọng hơn đối với Trung Quốc".

Ông Xiong Lili, trưởng khoa chính trị quốc tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Bắc Kinh, cho biết trong khi quan hệ Trung-Nhật đã được cải thiện trong những năm gần đây, thủ tướng mới có khả năng sẽ theo chân người tiền nhiệm Abe trong việc không nhượng bộ đáng kể cho Trung Quốc trong các vấn đề lớn như tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Về việc Nhật Bản sẽ không chấp nhận yêu sách phi lý Đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Lam nói rằng nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản sẽ tiếp tục có quan điểm rất cứng rắn, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết của tự do hàng hải và giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Vì vậy, bất kể ai trở thành thủ tướng Nhật, Tokyo không thể chấp nhận Trung Quốc thống trị Biển Đông, ông Lam nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại