Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Saudi Arab là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Hoa Kỳ trong giai đoạn từ năm 2011-2015, theo sát là Các Tiểu vương quốc Ả Rập.
Các nước còn lại trong op 10 gồm có Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore, Iraq và Ai Cập.
Các chuyên gia cho rằng Trung Đông vẫn sẽ duy trì vị trí là các quốc gia nhập khẩu vũ khí nhiều nhất trong một khoảng thời gian nữa. Hiện khu vực này chiếm 40% lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ.
Andrew Hunter, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho CNN biết:
“Do giá dầu tụt giảm trước tình hình bất ổn tại các quốc gia khu vực Trung Đông trong thời gian này cùng một tương lai bất định mà các nước phải đối mặt khiến việc trang bị vũ khí là điều khó tránh khỏi”.
Ông Hunter cũng khẳng định các quốc gia Trung Đông ưu tiên chi tiêu cho quốc phòng hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Hoa Kỳ xuất khẩu từ những vũ khí nhỏ nhất cho tới các loại máy bay chiến đấu, xe tăng và các khẩu đội tên lửa Patriot.
Danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí Mỹ nhiều nhất trong 5 năm qua.
Một số quốc gia châu Á cũng có mặt trong danh sách này với lượng vũ khí nhập khẩu ngày càng tăng, do tình hình căng thẳng với Triều Tiên về chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này cũng như việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự trên Biển Đông.
Trong khi hầu hết các nhà nhập khẩu hàng đầu đều sử dụng nguồn tiền riêng của mình để mua vũ khí Mỹ, thỉnh thoảng Washington cũng hỗ trợ các khoản vay hoặc trợ cấp để mua thiết bị quốc phòng từ các nhà sản xuất Mỹ như một phần trong chương trình Tài chính quân sự nước ngoài.
Ngân sách năm 2017 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu thêm khoảng 5,7 tỷ USD cho chương trình nói trên.
Trong khoản hỗ trợ cam kết đó, 5 quốc gia có tên trong danh sách viện trợ quân sự nước ngoài của Mỹ sẽ bao gồm Israel (3,1 tỷ USD), Ai Cập (1,3 tỷ USD), Jordan (350 triệu USD), Pakistan (265 triệu USD), và Iraq (150 triệu USD).
Mặc dù Trung Đông vẫn đứng đầu trong danh sách nhập khẩu vũ khí Mỹ thì các nước châu Phi cũng sẽ nâng ngân sách quốc phòng lên gấp đôi trong năm 2017 do các hoạt động khủng bố gia tăng ở Mali, Somalia và Nigeria.
CEO của nhà sản xuất quốc phòng Lockheed Martin, Marillyn Hewson từng nói: “Một trong những lĩnh vực mà chúng tôi hy vọng sẽ đạt được sự tăng trưởng trong những năm tới là từ các khách hàng quốc tế của mình”.
Một số nhà xuất khẩu vũ khí lớn khác trên thế giới sau Mỹ còn có Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức. Theo nhận định của ông Hunter,
Nga sẽ hướng đến thị trường xuất khẩu vũ khí “rẻ hơn” cho các nước từng thuộc Liên Xô cũ, còn Trung Quốc cũng đang ngày càng chủ động hơn trên thị trường xuất khẩu vũ khí quốc tế.
“Có thể thấy ngày càng nhiều vũ khí Trung Quốc đang cố cạnh tranh với Mỹ”, ông Hunter nói.
Theo SIPRI, Bắc Kinh đã tăng cổ phần xuất khẩu vũ khí của mình lên hơn 60% so với giai đoạn năm 2006-2010.
Loại vũ khí mà Trung Quốc đặc biệt chú trọng xuất khẩu là công nghệ máy bay không người lái. Các báo cáo gần đây cho thấy nước này đã xuất khẩu máy bay không người lái tới Nigeria, Iraq và Pakistan.