Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông muốn lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro gần đây đã không còn là điều bí mật.
Tuần trước, thân tín của lãnh đạo đối lập Juan Guaidó đã bị chính quyền bắt giữ trong một cuộc đột kích bất ngờ với cáo buộc âm mưu khủng bố.
Những tưởng đó sẽ là "cơ hội vàng" cho Mỹ, thế nhưng Mỹ chưa kịp "đặt chân" can thiệp quân sự vào Venezuela, thì Nga đã "cao tay" đi nước cờ ngăn chặn Mỹ kịp thời, cây viết người Mỹ Erin Dunne của tờ Washington Examiner phân tích trong một bài bình luận mới được đăng tải ngày 25/3 vừa qua.
Không chỉ ủng hộ chính quyền ông Maduro bằng lời nói, gần đây Moskva còn điều 2 máy bay vận tải chở 100 quân nhân cùng gần 40 tấn hàng hóa bí mật tới Caracas. Với động thái này, Nga đã gửi tới Mỹ một thông điệp cứng rắn rằng Washington không phải là người chơi duy nhất trên trường quốc tế "quan tâm" tới Venezuela, tác giả Erin Dunne viết.
Hành động trên của Nga được cho là khá bất ngờ đối với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn và nhạy cảm hiện nay. Phía Mỹ đã ngay lập tức lên án Nga có "bước leo thang liều lĩnh" và "hành động mâu thuẫn với lời kêu gọi không can thiệp vào chuyện nội bộ của Venezuela".
Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tuyên bố trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov rằng Washington sẽ "không ngồi yên" nhìn Moskva hành động ủng hộ Tổng thống Maduro như vậy, tuy nhiên ông này không nói rõ Mỹ sẽ phản ứng ra sao.
Nga là một trong những nước lên tiếng ủng hộ chính quyền ông Maduro đầu tiên và mạnh mẽ nhất sau khi lãnh đạo đối lập Juan Guaidó tự phong làm Tổng thống lâm thời của nước này.
Một phần lí do khiến Moskva ủng hộ ông Maduro mạnh mẽ đến vậy là bởi họ đã đầu tư hàng tỉ USD vào các hợp đồng quân sự và dầu khí tại Venezuela, và họ cần phải duy trì chính quyền này vì những khoản đầu tư của mình, cây viết Erin Dunne phân tích.
Tuy nhiên, theo cây viết người Mỹ này, động cơ thực sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin là chủ trương lâu nay của các lãnh đạo Nga và trước đó là lãnh đạo Liên Xô: thách thức Mỹ tại nơi Washington coi là "sân sau" của họ. Bằng những nước cờ "cao tay", ông Putin đang ngăn chặn từng bước trong kế hoạch lật đổ Tổng thống Maduro của chính quyền Mỹ và khôi phục lại sự ổn định trong khu vực này.
Trong vài năm gần đây, khi Venezuela chìm trong khủng hoảng kinh tế và lạm phát phi mã kéo dài, thì việc đầu tư của Nga vào nước này hầu như cũng không đem lại nhiều lợi nhuận. Do đó, có thể kết luận rằng Mỹ mới là lí do hợp lý khiến Moskva tiếp tục ủng hộ ông Maduro, Erin Dunne viết.
Máy bay vận tải IL-62M của Nga bất ngờ đưa 100 quân nhân tới Caracas hôm 23/3. Ảnh: Twitter.
Nga "cao tay" khiến Mỹ rối trí
Thực tế là, đoàn quân nhân 100 người mới được điều đến Caracas, cho dù có thêm gần 40 tấn hàng hóa đi nữa, cũng không thể nào đủ sức tham chiến - nếu kịch bản Mỹ can thiệp quân sự xảy ra. Tuy nhiên một lực lượng nhỏ như vậy cũng đã đủ khiến Mỹ "đau đầu" trong những ngày này.
Động thái trên không chỉ là thông điệp đe dọa gửi tới Mỹ, mà còn là hành động cổ vũ, hỗ trợ về vật chất và tinh thần đối với chính quyền ông Maduro trước những lệnh trừng phạt hà khắc. Moskva đã cho ông Maduro một "chỗ dựa" bằng sức mạnh quân sự và sự ủng hộ của nước ngoài khi Mỹ và nhiều quốc gia khác muốn dồn Caracas vào thế cô lập.
Như thường lệ, tất nhiên phía Mỹ đã đưa ra lời đe dọa ngay sau đó. Nhưng rõ ràng là hành động của Moskva đã khiến Mỹ "trông yếu đuối", tác giả Erin Dunne kết luận.