Nước cờ khó lường của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Tây Syria

Vũ Thu Hương |

Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang triển khai chính sách về dầu lửa giữa cuộc khủng hoảng do dịch bệnh virus corona gây nên. Tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang có những nước cờ khá khó lường…

Theo Jerusalem Post, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như có xu hướng tạo nên những “cuộc khủng hoảng” cho một mục đích nào đó. Trong vài năm qua, Ankara dường như đã “kích hoạt” một cuộc khủng hoảng mới mỗi tháng, đôi khi là với Mỹ.

Vào tháng 10/2019, Ankara mở cuộc tấn công vào phía đông Syria, khiến 200.000 người phải chạy trốn.

Vào tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ở Libya với một thỏa thuận năng lượng ở Địa Trung Hải và vào tháng 1 và tháng 2 vừa qua, Ankara đã tìm đến một cuộc khủng hoảng khác ở Idlib, với mục tiêu thúc đẩy người di cư đến châu Âu vào tháng 3.

Bây giờ, Ankara có thể đang nhắm đến một cuộc khủng hoảng mới ở Syria.

Kế hoạch mới của Thổ Nhĩ Kỳ dường như nhằm đẩy Mỹ ra khỏi các phần còn lại của Syria, nơi người Mỹ đang bảo vệ các mỏ dầu và tiếp tục hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria chống lại ISIS, diễn ra hồi đầu tháng 3.

Nước cờ khó lường của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Tây Syria - Ảnh 1.

Trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga Putin tại Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết dưới sự hỗ trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể xây dựng cơ sở hạ tầng nơi đây bằng cách sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ từ phía đông Syria.

“Chúng tôi có thể giúp đỡ đất nước Syria vốn bị tàn phá đứng vững trên đôi chân của chính họ”, ông Erdogan cho hay.

Kế hoạch của ông Erdogan được đưa ra trong bối cảnh cuộc tấn công của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn ở Idlib đã buộc khoảng 900.000 người phải rời bỏ nhà cửa vào tháng 1 và tháng 2. Ông Erdogan muốn có một thỏa thuận với Moscow.

Tìm đến thỏa thuận với Nga

Cuộc pháo kích của quân đội Syria, vốn được đánh giá có khả năng liên quan tới Moscow, đã làm thiệt mạng hơn 40 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, Idlib hồi tháng 2. Trước sự việc này, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ là tìm đến Moscow để đảm bảo có được một thỏa thuận tức thì.

Thổ Nhĩ Kỳ có lịch sử hợp tác lâu dài cùng Nga trong việc phân chia các khu vực của Syria. Bắt đầu từ năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng Nga và Iran tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria theo thỏa thuận Astana.

Trên danh nghĩa ủng hộ phiến quân đối lập Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho lực lượng quân đội Quốc gia Syria và sử dụng lực lượng này để chiến đấu với các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có liên quan đến tổ chức PKK.

Nước cờ khó lường của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Tây Syria - Ảnh 2.

Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phái lực lượng phiến quân Syria can dự vào cuộc chiến tranh ở Libya sau khi Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi các thỏa thuận về khí đốt và năng lượng ngoài khơi Libya vào tháng 12/2019.

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là: Sử dụng phiến quân để chống lại người Kurd và dùng chính sách đối ngoại mềm dẻo của mình khi đàm phán với Nga về phần còn lại của Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận với Nga vào tháng 9/2018 về vấn đề Idlib. Nga muốn các nhóm cực đoan liên kết với Al Qaeda rời Idlib.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại chưa biết phải làm gì với các nhóm, bao gồm các thành viên ISIS như thủ lĩnh ISIS Abu Bakr al-Baghdadi, người được người Mỹ tìm thấy sống cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vài km.

Một cách để đối phó với các nhóm khủng bố không do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn là để cho lực lượng quân đội Syria tiêu diệt chúng.

Đây là kế hoạch hồi tháng 12 và tháng 1 khi lực lượng Syria triển khai các đợt tấn công nhưng vì lực lượng quân đội Syria thắng lợi quá nhanh nên Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân tới Idlib để làm chậm bước tiến của quân đội Syria.

Trong bối cảnh đó, Nga đã triển khai các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ ở Munich và sau đó ở Moscow. Một thỏa thuận giữa hai bên được đưa ra ngày 5/3. Và sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến khích người tị nạn Syria đi đến châu Âu. Điều này gây ra các cuộc khủng hoảng với châu Âu.

Hồi tháng 10, sau các mối đe dọa của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã rút khỏi các vùng phía đông Syria. Thổ Nhĩ Kỳ đã ném bom vào Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn và lấn một phần miền đông Syria.

Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với Moscow vào giữa tháng 10, phân vùng một phần của miền đông Syria, tương tự như Idlib. Nhưng thỏa thuận có thể không được thực hiện. Moscow và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn Mỹ rời khỏi miền đông Syria.

Nước cờ khó lường của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Tây Syria - Ảnh 3.

Quyết tâm đẩy Mỹ ra khỏi Syria?

Để đẩy Mỹ ra khỏi miền đông Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã bóng gió với Washington rằng Ankara phản đối vai trò của Iran tại Syria.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompe và đặc phái viên chống ISIS James Jeffrey đều ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và hy vọng rằng nếu Mỹ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sẽ quay lưng với Iran.

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp tác với Iran, cho phép Iran thành lập doanh nghiệp ở Thổ Nhĩ Kỳ và gợi ý Washington có quan hệ nồng ấm hơn với Tehran. Nhưng rút cục chính quyền Mỹ muốn có nhiều biện pháp trừng phạt hơn.

Mỹ tức giận khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và năn nỉ Ankara thay thế vũ khí đó bằng hệ thống Patriot của mình. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ coi Moscow là một đồng minh đáng tin cậy hơn Washington.

Hôm 9/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết dầu mỏ ở Qamishli của Syria, một thị trấn chủ yếu tập trung người Kurd, nên được sử dụng để đầu tư, tái thiết các vùng khác của Syria. Dầu từ Deir Ezzor cũng có thể được sử dụng để phát triển quân đội Syria.

Ông Erdogan nói rằng ông đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đầu tháng 3 và rằng Mỹ một lần nữa khẳng định sẽ rút quân khỏi Syria.

Ông Trump e ngại Mỹ phải lãng phí tiền ở Syria nên chỉ giữ một số lượng nhỏ lực lượng quân đội nước này ở Syria sau khi rút quân vào tháng 10 để bảo đảm việc bảo vệ các mỏ dầu.

Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bày tỏ mong muốn sử dụng trữ lượng dầu mỏ của Syria vào một mục tiêu cụ thể nào đó. Ankara cho rằng Nga cũng đã có kế hoạch về việc này.

“Chúng tôi có thể tái thiết đất nước Syria khi có dầu mỏ”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn “hồi sinh” Syria và giúp chính quyền của ông Assad do Nga hậu thuẫn tồn tại, bất chấp những tuyên bố chỉ trích ông Assad trước đây của mình. Thổ Nhĩ Kỳ xem các chiến binh người Kurd, Ả Rập và Cơ đốc giáo trong lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn là những kẻ khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố những kẻ khủng bố người Hồi giáo đang hưởng lợi từ dầu mỏ. Và Ankara tuyên bố họ muốn có một Syria thống nhất dưới chế độ Assad do Nga hậu thuẫn.

Mỹ không thực sự quan tâm đến dầu ở Syria nhưng việc bảo vệ các mỏ dầu có thể giúp củng cố nguồn lực hạn chế của lực lượng SDF để lực lượng này tiếp tục bảo vệ các tù nhân ISIS.

Các cường quốc Mỹ và phương Tây yêu cầu SDF đóng vai trò giám sát các tù nhân ISIS, trong đó bao gồm hàng ngàn người nước ngoài đã bị bắt khi SDF đánh bại ISIS hồi năm ngoái.

Chính phủ châu Âu từ chối nhận lại công dân nước mình đã tham gia ISIS và thông tin với SDF rằng họ không thể giao nộp những người này cho chính quyền Syria hay trả tự do cho họ. SDFgiống như “nhà thầu” để chứa nhóm người này, với số lượng vài ngàn người tham gia ISIS cùng hàng chục ngàn thành viên gia đình của họ.

Bị cả Damascus và Washington cô lập, và bị coi là những kẻ khủng bố của Ankara, SDF có ít lựa chọn. “Thổ Nhĩ Kỳ chính thức muốn chúng tôi loại bỏ khỏi các khu vực này, bao gồm Deir al-Zor”, một thành viên của SDF nói với VOA hồi đầu tháng này.

"Mục đích đằng sau những bước đi"

Nước cờ khó lường của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Tây Syria - Ảnh 5.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang dùng chính sách dầu mỏ để đánh lạc hướng những vấn đề đang diễn ra ở nước ngày.

Khi đại dịch lan rộng ở đất nước này, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn dư luận biết rằng họ đang chiến đấu với những kẻ khủng bố Hồi giáo ở Đông Syria.

Không có cuộc tấn công nào vào Thổ Nhĩ Kỳ từ Đơn vị bảo vệ người SDF hoặc người Kurd (YPG). Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng lực lượng quân sự nước này đã vô hiệu hóa hai tên khủng bố YPG / PKK ở tây bắc Syria, ngày 21 tháng 3.

Dường như ủng hộ kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ với miền đông Syria, một số quan chức ngoại giao Mỹ bắt đầu ngừng đề cập đến các đối tác SDF do Mỹ hậu thuẫn ở miền đông Syria. Một cuộc họp ngắn của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10 tháng 3 đã không đề cập đến SDF mà cho biết Mỹ hay NATO đang tìm cách hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.

Dường như Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực thôn tính các khu vực của người Kurd dọc biên giới và khiến người dân phải bỏ đi như cách đã được thực hiện ở Afrin và Tel Abyad sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công.

Nga có thể cũng nhận thấy cơ hội ép Mỹ rời khỏi miền đông Syria và cũng có thể có một thỏa thuận về Idlib nào đó được đưa ra với chính quyền Syria nhằm đổi lấy doanh thu từ dầu mỏ cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là các khoản thu từ dầu mỏ ít ỏi mà là loại bỏ Mỹ khỏi vùng đất này. Nga cũng chung quan điểm này với Ankara.

Tuy nhiên, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang có những khúc mắc trong cuộc tuần tra chung tại Idlib và các khu vực khác của Syria nhưng họ phải hợp tác cùng nhau thay vì đụng độ.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc tuần tra chung thứ hai tại Idlib trong tuần này. Làm việc cùng nhau để giảm ảnh hưởng của Mỹ mang đến lợi ích cho cả hai nước.

Thổ Nhĩ Kỳ cần một cuộc khủng hoảng mới. Tuy nhiên, đại dịch có thể là một trong những cuộc khủng hoảng thực sự rất khó, rất thách thức với Ankara trong khi mà nước này đang cố gắng đứng vững trong cuộc chiến về dầu lửa ở Syria chống lại cả Washington và Moscow.

Thổ Nhĩ Kỳ cần một cuộc khủng hoảng mới. Tuy nhiên, đại dịch có thể là một trong những cuộc khủng hoảng thực sự rất khó, rất thách thức với Ankara trong khi mà nước này đang cố gắng đứng vững trong cuộc chiến về dầu lửa ở Syria chống lại cả Washington và Moscow.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại