Nước châu Á làm lộ "điểm yếu" của EU khi giáng đòn lên Moscow: Không thể đánh gục xương sống kinh tế Nga

Duy Anh |

Quy mô nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế từ Ấn Độ của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mức kỷ lục vào năm 2023.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: PTI

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: PTI

Chỉ số của Ấn Độ chỉ ra nguồn gốc năng lượng tới EU

Nhập khẩu dầu tinh chế từ Ấn Độ của Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên mức kỷ lục vào năm 2023, cùng thời điểm quy mô nhập khẩu dầu thô Nga của New Delhi tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Tờ The Independent (Anh) nhận định, điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở châu Âu có thể nhận được khối lượng xăng, dầu diesel, dầu hỏa và các sản phẩm dầu khác với khối lượng chưa từng thấy có nguồn gốc từ Nga qua Ấn Độ vào năm ngoái, bất chấp các lệnh trừng phạt được áp đặt sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Mối quan hệ Nga - Ấn Độ

Ấn Độ không giấu việc sẵn sàng mua dầu của Nga bất chấp chiến sự ở Ukraine , duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow, đồng thời tìm kiếm quan hệ đối tác thương mại và quốc phòng chặt chẽ hơn với các quốc gia phương Tây.

Theo dữ liệu thị trường Kpler do The Independent phân tích, Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô Nga hàng đầu thế giới vào năm ngoái, trung bình 1,75 triệu thùng mỗi ngày với mức tăng 140% vào năm 2022.

Đồng thời, nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ Ấn Độ của EU đã tăng 115%, từ 111.000 thùng mỗi ngày vào năm 2022 lên 231.800 thùng mỗi ngày vào năm 2023, con số cao nhất trong 7 năm qua được Kpler phân tích và The Independent nhận xét rất có thể là cao nhất từ trước đến nay.

Nhà phân tích của Kpler ông Matt Smith cho biết: "Ấn Độ có thể mua dầu giá rẻ cho các nhà máy lọc dầu của mình sau đó xử lý và bán các sản phẩm đã lọc với giá cao hơn và thị trường châu Âu sẵn sàng trả tiền. Châu Âu rất cần nguồn năng lượng thay thế cho năng lượng Nga."

Doanh thu từ dầu mỏ là xương sống của nền kinh tế Nga. Các nước châu Âu, nhóm G7 và Úc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với dầu, bao gồm các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và yêu cầu nước này thực thi bán dầu ở mức trần 60 USD/thùng sang các nước khác.

Tuy nhiên, The Independent nhận định, việc các thùng dầu có nguồn gốc từ Nga vẫn đang được đưa vào thị trường châu Âu qua thị trường thứ 3 cho thấy tính lỏng lẻo của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Nước châu Á làm lộ "điểm yếu" của EU khi giáng đòn lên Moscow: Không thể đánh gục xương sống kinh tế Nga- Ảnh 1.

Con đường vận chuyển dầu của Nga tới Ấn Độ. Để đến Ấn Độ, các tàu chở dầu từ Nga có thể đi từ Biển Baltic qua eo biển Đan Mạch, Gibraltar và kênh đào Suez hoặc từ Biển Đen qua eo biển Bosphorus và kênh đào Suez.(Datawrapper/The Independent)

Các lệnh trừng phạt Nga bị suy yếu

Các công ty theo dõi thương mại dầu mỏ cho biết, không thể phân biệt được sản phẩm tinh chế nào có nguồn gốc từ Nga một khi chúng đã được tinh chế ở một quốc gia khác. Tuy nhiên, có thể theo dõi quá trình nhập khẩu dầu thô và điểm đến của các sản phẩm đã lọc từ các cơ sở cụ thể.

Theo Kpler, ví dụ, nhà máy lọc dầu Jamnagar ở Vịnh Kutch trên bờ biển phía tây Ấn Độ, là điểm đến hàng đầu của dầu thô từ Nga đến Ấn Độ. Lượng dầu thô nhập khẩu của Nga chiếm 34% lượng dầu nhập khẩu của nhà máy này.

Và 30% hàng xuất khẩu của nhà máy lọc dầu Jamnagar vào năm 2023 hướng tới châu Âu. Nhà phân tích Smith nhận định: “Điều này làm suy yếu các lệnh trừng phạt.”

Nước châu Á làm lộ "điểm yếu" của EU khi giáng đòn lên Moscow: Không thể đánh gục xương sống kinh tế Nga- Ảnh 2.

Nhà máy lọc dầu thô của Jamnagar ở bang Gujarat của Ấn Độ

“Không thể loại bỏ dầu thô hoặc các sản phẩm được tạo ra từ nguyên liệu của Nga khỏi thị trường toàn cầu. Nga cũng là một nước đóng vai trò quan trọng đến mức các cường quốc như EU,... không muốn loại bỏ hoàn toàn nguồn cung của Nga khỏi thị trường toàn cầu vì điều đó sẽ khiến giá tăng đột biến,” chuyên gia Smith nhận xét.

Khoảng 20 trong số 27 nước EU đã nhập khẩu các sản phẩm dầu từ Ấn Độ vào năm ngoái, trong đó Hà Lan chiếm 24% tổng khối lượng.

Tiếp theo là Pháp chiếm 23%, Romania với 12%, Ý và Tây Ban Nha mỗi nước 11%. Ấn Độ cũng xuất khẩu các sản phẩm đã lọc như xăng, nhiên liệu máy bay và dầu diesel sang Đức và Bỉ với tỷ lệ 7% mỗi sản phẩm.

Ông Smith nói rằng EU đang "đi trên dây" giữa việc muốn giảm tài trợ cho Điện Kremlin trong khi đảm bảo đủ nguồn cung của Nga được đưa ra thị trường toàn cầu để tránh tăng giá - điều này sẽ gây tê liệt về mặt kinh tế đối với các quốc gia phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại