Phương Tây tạm dừng "tiếp lửa" cho Ukraine, Nga chớp thời cơ giành lợi thế

Hồng Anh |

Khi cuộc chiến với Nga chuẩn bị bước sang năm thứ 3, các nhà lãnh đạo Ukraine dường như đang phải chiến đấu trên một mặt trận mới: thu hút và duy trì sự ủng hộ của phương Tây.

Phương Tây tạm dừng "tiếp lửa" cho Ukraine

Khi lực lượng Hamas tấn công Israel vào ngày 7/10, gây ra cuộc xung đột mới tại Dải Gaza, sự chú ý của phương Tây đã chuyển sang khu vực Trung Đông. Các nhà ngoại giao và quan chức quân sự phương Tây thậm chí còn tập trung nhiều hơn cho khi vực này khi Mỹ và Anh trả đũa các cuộc tấn công của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn nhằm vào tàu thuyền và tàu hộ tống của họ. Trong bối cảnh xung đột lan rộng ở Trung Đông, chiến dịch phản công của Ukraine nhằm đẩy lùi Nga ra các vùng lãnh thổ cho đến nay vẫn chưa đạt được bất cứ tiến triển nào.

Phương Tây tạm dừng "tiếp lửa" cho Ukraine, Nga chớp thời cơ giành lợi thế- Ảnh 1.

Nhiều loại vũ khí phương Tây đang có mặt trên khắp tiền tuyến tại Ukraine. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Putin cho biết, quốc gia này vẫn giữ vững các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Thời gian gần đây, Moscow đã gia tăng các cuộc tấn công vào nhiều thành phố của Ukraine, đặc biệt nhắm vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng và cơ sở sản xuất vũ khí. Ở nhiều khu vực, Nga đã giành được thế chủ động trên chiến trường, đồng thời đang cố gắng tạo ra bước đột phá lớn.

Hiện cả Nga và Ukraine đều chưa thể hiện thiện chí đàm phán vì mong muốn tìm kiếm đòn bẩy trên chiến trường. Ukraine cho rằng, việc tham gia đàm phán có thể khiến họ phải nhượng lại lãnh thổ cho Nga khi mà sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev ngày càng giảm sút trong bối cảnh các trở ngại chính trị gia tăng.

Cuối tuần qua, Ukraine đã tổ chức cuộc họp gồm các quan chức cấp cao của những nước đang phát triển và các nước phương Tây ủng hộ Kiev tại Davos, Thụy Sỹ, trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhằm củng cố sự hỗ trợ và tăng cường gây sức ép cho Nga.

Các cuộc thảo luận tập trung vào một số điểm được nêu trong đề xuất hòa bình 10 điểm của Ukraine, trong đó nêu bật điều kiện Nga phải rút quân, tác động môi trường của cuộc xung đột và tầm quan trọng của việc ngăn chặn xung đột leo thang. Một quan chức EU cho biết, cuộc thảo luận đề cập đến tác động lan tỏa của cuộc chiến đối với tình hình an ninh lương thực toàn cầu.

Những người tham gia đàm phán cho biết, mặc dù các cuộc thảo luận rất hữu ích nhưng không tránh khỏi sự bất đồng quan điểm. Trong khi một số nước kêu gọi đưa Nga vào cuộc đàm phán thì một số nước khác yêu cầu Ukraine hành động nhiều hơn để buộc Nga rút lui.

Cuộc phản công thất bại của Ukraine vào mùa hè năm 2023 đã làm phức tạp thêm nỗ lực của các nhà lãnh đạo phương Tây nhằm kêu gọi sự ủng hộ của công chúng dành cho Kiev.

Ông Janis Kluge, thành viên cấp cao tại Viện an ninh và Quốc tế cho rằng, nếu như trong giai đoạn đầu cuộc chiến, các nhà lãnh đạo phương Tây tập trung chủ yếu vào năng lực phòng thủ của Ukraine, thì hiện giờ họ quan tâm nhiều hơn đến mối đe dọa từ việc Nga có thể giành chiến thắng.

Nga nhanh chóng chớp cơ hội giành lợi thế

Kết quả một cuộc chiến tiêu hao thường được quyết định bằng việc bên nào có ngành công nghiệp vũ khí tốt hơn. Nền kinh tế Nga có quy mô lớn gấp gần 14 lần so với Ukraine, nhưng nguồn lực của các đối tác hỗ trợ Ukraine cũng khá lớn và điều này có thể giúp Kiev phần nào cân bằng cán căn sức mạnh. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột bước sang năm thứ 3, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đang nỗ lực xoay chuyển cuộc xung đột theo hướng có lợi cho họ.

Đạn pháo là một trong những vẫn đề rõ ràng nhất. Vào giai đoạn cao điểm của cuộc phản công, Ukraine sử dụng khoảng 7.000 viên đạn mỗi ngày, nhiều hơn đáng kể so với Nga. Nhưng điều này đã thay đổi kể từ tháng 12/2023. Ukraine chỉ sử dụng khoảng 2.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi Nga sử dụng với số lượng cao gấp 5 lần.

Ông Jack Watling, nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh cho rằng, phương Tây phải đối mặt với 2 sự lựa chọn vô cùng khó khăn: Hoặc cung cấp cho Ukraine những gì mà nước này cần, hoặc hạn chế viện trợ Kiev để vượt Nga về dự trữ vũ khí.

Cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều đang gặp khó khăn trong việc cung cấp viện trợ cho Ukraine. Khoản tiền lên đến 60 tỷ USD mà Mỹ có kế hoạch viện trợ cho Ukraine vẫn chưa được Quốc hội nước này thông qua do tranh cãi về vấn đề nhập cư. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đang bất đồng về khoản hỗ trợ tài chính hơn 50 tỷ USD, giúp duy trì hoạt động của Ukraine trong 4 năm tới, sau khi Hungary phủ quyết kế hoạch này vào tháng 12/2023.

Ukraine lo ngại mâu thuẫn giữa các đảng phái của Mỹ và sự phản đối cửa ứng viên tổng thống Donald Trump sẽ làm mai một cam kết hỗ trợ từ Lầu Năm Góc, khiến họ phải phụ thuộc hoàn toàn vào châu Âu.

Đến thời điểm hiện tại, châu Âu được cho là đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình viện trợ cho Ukraine. Khoản viện trợ của các nước châu Âu gộp lại đã vượt qua con số 44 tỷ USD mà Mỹ dành cho Ukraine. Riêng Đức đã chi hơn 17 tỷ euro và các nước Bắc Âu cũng đang đẩy mạnh cam kết. Trong tháng 1/2024, NATO cho biết họ sẽ giúp một nhóm thành viên EU mua số lượng lớn 1.000 tên lửa phòng không Patriot trị giá khoảng 5 tỷ euro. NATO không được phép gửi viện trợ sát thương trực tiếp tới Ukraine, nhưng kế hoạch này sẽ cho phép các nước thành viên EU tự do chuyển giao tài sản phòng không của mình cho đối tác. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, không có nỗ lực nào trong số này đáp ứng được tính cấp bách của tình hình.

Theo Bộ Quốc phòng Estonia, sản lượng đạn pháo của Nga sẽ đạt 4,5 triệu quả trong năm nay. Còn RUSI cho rằng Nga đang sản xuất 100 tên lửa tầm xa mỗi tháng, nhiều hơn gấp đôi công suất so với giai đoạn đầu xung đột.

Ukraine buộc phải thay đổi chiến lược

Sản lượng đạn pháo của Mỹ và châu Âu cũng tăng mạnh, nhưng chưa đủ nhanh. Sản lượng đạn pháo 155 mm của Mỹ dự kiến sẽ đạt 1,2 triệu viên/năm vào năm 2025, tăng gấp 6 lần so với năm 2023. Sash Tusa, nhà phân tích quốc phòng tại công ty Agency Partners ước tính sản lượng đạn pháo của châu Âu sẽ đạt 1,25 triệu. Nhưng không giống như Mỹ, nơi các nhà máy sản xuất vũ khí thuộc sở hữu của chính phủ, châu Âu chủ yếu phụ thuộc vào các công ty tư nhân, nên việc mua sắm khó khăn hơn.

Nhận thấy nguy cơ thiếu đạn dược và vũ khí trong thời gian tới, quân đội Ukraine đã chuyển sang thế phòng thủ. Tổng thống Ukraine Zelensky muốn các công ty tư nhân hỗ trợ hoạt động quân sự bằng cách mở rộng công sự, nhằm giúp Kiev chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài. Đặc biệt khi quân đội Ukraine đang có dấu hiệu mệt mỏi do thiếu sự luân chuyển thường xuyên giữa các lực lượng.

Theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên Cứu Chiến tranh (ISW), kế hoạch năm 2024 của quân đội Ukraine khác với tầm nhìn của họ cách đây 12 tháng. ISW cho rằng, mục tiêu của Kiev có thể là giữ vững các vị trí mà họ đang năm giữ. Điều này một phần do cuộc phản công thất bại, một phần do chịu tổn thất lớn và sự sụt giảm hỗ trợ từ phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại