Ngày 10/12 vừa qua, New Zealand phải đón nhận một hung tin: ngọn núi lửa tại đảo Trắng (White Island) phun trào, tước đi sinh mạng của ít nhất 5 người cùng hơn 30 người bị thương. Ngoài ra, 8 người khác được ghi nhận là mất tích, nhưng nhiều khả năng cũng thiệt mạng khi các đợt thăm dò cho thấy không hề có dấu hiệu của sự sống tại khu vực này.
Một mất mát có thể xem là rất lớn đối với New Zealand và ngành du lịch của quốc gia này. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở đây.
Theo các chuyên gia, bản chất của New Zealand tồn tại một sự thật hết sức đen tối, khi được kiến tạo từ các đợt núi lửa phun trào. Một ngày nào đó, núi lửa sẽ lại bùng nổ, quét sạch toàn bộ những gì đang tồn tại ở "xứ sở chim Kiwi".
Vấn đề là khi nào
"Vấn đề không phải là nếu nó xảy ra, mà là khi nào và ở đâu," - Janien Krippner, một chuyên gia nghiên cứu núi lửa tại New Zealand cho biết. "Hiểu đúng bản chất của thảm họa là điều cực kỳ quan trọng."
Theo Krippner, New Zealand có rất nhiều núi lửa, đa dạng về quy mô lẫn tuổi địa chất. Nó nằm trong Vành đai Lửa (Ring of Fire) - một vành đai có số lượng động đất và núi lửa phun trào nhiều nhất, và được xem là nơi có các hoạt động địa chất lớn nhất thế giới. Những thế lực kinh hoàng của tự nhiên đem đến cả những lợi ích và gánh nặng cho các lãnh thổ xung quanh.
"New Zealand, đặc biệt là các đảo phía Bắc, sở hữu rất nhiều núi lửa," - Robin Andrews, phóng viên và là một chuyên gia nghiên cứu núi lửa chia sẻ. "Núi lửa đã góp phần kiến tạo một trong những kiệt tác thiên nhiên tuyệt đẹp của Trái đất, nhưng đồng thời mang đến rủi ro động đất và phun trào cực mạnh. Đó là cái giá phải đánh đổi."
Việc núi lửa phun trào trên Đảo Trắng - hay còn gọi là đảo Whakaari theo như cách gọi của người dân địa phương - vốn không phải điều quá gây ngạc nhiên.
Hòn đảo này nằm trên một ngọn núi lửa chìm dưới đại dương, và đã có một số vụ bùng nổ nhỏ trong những năm gần đây. Đây vốn là nơi không có người ở, và núi lửa phun trào thường xảy ra vào lúc không có du khách ghé đến. Dẫu vậy, chúng cũng là dấu hiệu cho thấy một tương lai hết sức khó lường tại khu vực này.
Núi lửa Tarawera phun trào vào năm 1886
Các vụ phun trào lớn nhất tại New Zealand hầu hết xảy ra trước khi con người định cư ở đây, nhưng trong vài trăm năm qua, đã nhiều lần núi lửa gây ra thảm họa.
Năm 1886, 3 đỉnh núi của Tarawera tại đảo Bắc đã đồng loạt phun trào lúc nửa đêm với mức độ cực kỳ khủng khiếp, tạo ra sấm sét, động đất, dung nham ồ ạt tuôn trào và một cột tro bụi trải rộng đến cả chục kilomet.
Đó là một trong những sự kiện kinh hoàng nhất lịch sử, khi giết chết ít nhất 120 người và chôn vùi rất nhiều làng mạc, nhà cửa.
30 năm sau đó, đảo White lại chấn động bởi một vụ phun trào, chôn vùi 10 công nhân mỏ lưu huỳnh bằng hàng tấn đất đá và dung nham. Nạn nhân sống sót duy nhất trong thảm họa này được tìm thấy sau vài tuần, và đó là một con mèo. Sau này, người ta đặt tên cho nó là Peter Đại đế.
Giáng sinh năm 1953, dung nham từ núi lửa Ruapehu đã quét bay một cây cầu, khiến một đoàn tàu trật bánh và 150 người thiệt mạng. Sự việc được giới chức trách đánh giá là "Thảm họa đường sắt kinh khủng nhất", và đã "đem tới cho đất nước một mùa Giáng sinh tăm tối".
Trong những năm gần đây, núi lửa Ruapehu và Tongarino gần trung tâm đảo Bắc cũng có những đợt bùng nổ, nhưng không gây ra mất mát nào về người.
Đất nước kiến tạo bởi núi lửa
Núi lửa là thứ đã hình thành nên quốc gia này, nhưng nó không chỉ nằm ở địa hình mà còn gắn với văn hóa. Như người Maori, họ xem núi lửa là nơi linh thiêng, là hiện thân của thành thần và những chiến binh quả cảm. Ngoài ra, dung nham núi lửa giúp đất đai trở nên màu mỡ, giúp ích rất nhiều cho nông nghiệp.
Đó là chưa tính đến mảng du lịch. Núi lửa tại New Zealand hấp dẫn rất nhiều du khách mỗi năm. Thậm chí, đạo diễn Peter Jackson còn sử dụng Ngauruhoe làm bối cảnh cho vùng đất Mount Doom trong loạt phim Chúa tể của những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings) huyền thoại.
Du khách tại núi lửa đảo White trước khi thảm hoạ xảy ra
"Núi lửa có rất nhiều ảnh hưởng, không chỉ đến địa hình mà còn về cách đất nước này định hình nền kinh tế," - Krippner nhận xét.
Với động đất - một trong những thảm họa lớn tại New Zealand, hiện tại sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đã cải thiện được khả năng đối phó với tác động không thể tránh khỏi từ núi lửa sau đó. Một số tòa nhà được xây dựng làm nơi trú ẩn đặc biệt, với phần mái thiết kế để chống lại hàng tấn tro bụi đổ lên. Các tuyến đường di tản cũng được lên kế hoạch cụ thể.
"Điều quan trọng nhất là đất nước phải được chuẩn bị, và có những con người tận tâm giải quyết các vấn đề sẽ xảy ra," - trích lời Krippner.
Tuy nhiên, thực tế sẽ không dễ dàng như vậy. Theo Andrews, khi một dòng dung nham nóng chảy đang hướng đến khu vực đông dân cư, việc duy nhất có thể làm là kêu gọi mọi người chạy cho thật nhanh.
Đối với các nhà khoa học, núi lửa tại New Zealand có rất nhiều điều cần phải tìm hiểu. Dự đoán thời điểm phun trào là rất khó, cộng thêm các yếu tố địa chất đầy phức tạp cũng là một trở ngại.
"Có thể cả chục ngàn năm sau núi lửa mới tiếp tục phun, có thể là không bao giờ, nhưng cũng có thể là ngay ngày mai. Mọi người ai cũng muốn một cuộc sống ổn định, nhưng riêng với núi lửa thì có quy tắc bất di bất dịch: chúng ta không thể biết được."
Núi lửa vẫn sẽ hoạt động, và con người muốn sống ở đó phải luôn chuẩn bị tâm lý. Đó là điều chắc chắn.
Tham khảo: Science Alert