Rõ ràng là không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho một cái gọi là ngoại hình xinh xắn, ưa nhìn. Một người có thể đẹp trong mắt người này nhưng cũng có thể không hợp nhãn trong mắt người khác. Tuy nhiên nhiều người vẫn lôi vẻ ngoài người khác ra để bình phẩm, thậm chí là miệt thị gay gắt.
Có liên quan đến vấn đề này, mới đây, trên MXH đang xôn xao về vụ việc một nữ sinh trung học bất ngờ bị một nhóm học sinh gồm cả nam lẫn nữ lập hẳn một nhóm chat trên Facebook chỉ để... nói xấu. Các thành viên này đã lôi những bức ảnh cũ của nạn nhân ra để chế giễu, body-shaming, quấy rối. Đáng chú ý hơn, nạn nhân và phần lớn người trong số đó lại không hề quen biết.
Bài đăng đàn của nạn nhân đang gây xôn xao khắp MXH
N.H.A - nữ sinh là nạn nhân vì quá bức xúc đã đăng tải ảnh chụp màn hình lại các đoạn chat trong group nói xấu kể trên.
Theo đó, đang yên đang lành, H.A bỗng bị add vào một group gồm nhiều thành viên, tất cả đều là các nam sinh, nữ sinh đến từ nhiều trường THPT (trong đó có cả THCS) nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội. Mục đích của group không phải để trò chuyện, trao đổi mà lại là bình phẩm, đánh giá H.A bằng những câu từ hết sức xấu xí.
P.A và J.V - 2 tài khoản được cho là người khơi chuyện đã không ngừng add thêm các thành viên vào để cùng nhục mạ H.A. Gần 10 thành viên trong group ngoại trừ 1-2 người không lên tiếng thì số còn lại hầu hết đều mỗi người góp đôi ba câu hùa theo.
Người tiếp tục lấy ảnh H.A ra để chê, người đặt biệt danh tục tĩu cho cô bạn, người dùng ngôn ngữ để quấy rối... Đỉnh điểm nhất phải kể đến các phát ngôn như đậm chất body-shaming như: "Lũ con gái xấu phải biết vị trí của mình ở xã hội này", "xấu là một cái tội", "nhảy lầu hết đi"...
Cả nhóm gồm 10 thành viên đã thay phiên nhau nhục mạ H.A bằng nhiều từ ngữ khó nghe
Thậm chí khi cô bạn im lặng, nhóm còn bàn nhau gửi tin nhắn riêng bắt H.A đọc bằng được
Đỉnh điểm là phát ngôn đậm chất body-shaming này
Thậm chí, ngay cả lúc H.A vì không chịu nổi việc bị bắt nạt nên out group, nhóm này cũng không để yên mà lập tức add cô bạn vào trở lại. Đồng thời đe dọa nếu H.A còn im lặng thì sẽ gửi tin nhắn riêng, gửi ảnh chụp màn hình buộc H.A phải đọc và phản hồi.
Sự việc sau khi được đăng tải đã gây bất bình không hề nhỏ trong cộng đồng mạng. Tới thời điểm hiện tại, bài chia sẻ của H.A đã nhận được 20k lượt like cùng hơn 7,2k lượt share. Tất cả đều tỏ ra vô cùng khó hiểu trước hành động xấu xí của nhóm nam sinh nữ sinh. Đồng thời, mọi người cũng nhanh chóng truy ra các tài khoản có liên quan.
Trước sức ép từ cư dân mạng cũng như sự đứng ra dàn xếp của chị gái nạn nhân, một vài thành viên tham gia bắt nạt H.A đã khóa tài khoản. Một số khác thì đăng status xin lỗi. Tuy nhiên, những lời xin lỗi này theo mọi người đều chưa có thành ý, mang tính chống đối, thậm chí vẫn còn yếu tố cợt nhả.
Bài post xin lỗi của J.V - một trong những thành viên tích cực chế giễu H.A nhất
Các thành viên khác trong nhóm cũng lần lượt viết status xin lỗi, tuy nhiên những lời xin lỗi này được nhận xét là chưa thực sự có thành ý
Liên hệ với Q.A - một trong những người liên quan đồng thời là thành viên trong nhóm trên, nữ sinh này cho biết mọi chuyện bắt đầu từ việc H.A có một tấm ảnh cũ chưa được trau chuốt so với ảnh cô bạn tự đăng bây giờ.
Thế là một nam sinh tên P.A đã lập luôn group để nói xấu H.A, sau đó thêm các thành viên khác. Q.A cũng cho biết mình chỉ bị... vạ lây, bị add vào group chứ không nói gì H.A hết.
Q.A cũng đăng status xin lỗi dù nhận mình chỉ bị vạ lây
Vụ việc gây xôn xao này một lần nữa khiến người ta cảm thấy lo lắng vì tình trạng bắt nạt học đường nói riêng và bắt nạt trên mạng ( cyber bully ) hiện tại. Với những kẻ bắt nạt trong câu chuyện kể trên cũng như ở ngoài kia, có lẽ việc dùng câu chữ để trêu chọc người khác là việc bình thường, không gây ra hậu quả gì to tát. Thế nhưng, cần biết rằng mạng là ảo còn tổn thương là thật. Những tổn thương do ngôn từ gây ra có thể gây đau đớn, khắc sâu không kém gì vật thể hữu hình.
Bên cạnh đó, văn hóa học đường bị bóp méo, tình trạng những nam sinh nữ sinh đang tuổi ăn tuổi lớn lại vô tư xúc phạm người khác cũng cần được để tâm. Một số người cho rằng nguyên nhân có thể do nhà trường, gia đình chưa sát sao với con em mình, dẫn đến tình trạng các em có suy nghĩ lệch lạc về tiêu chuẩn ngoại hình cũng như việc giao tiếp trên MXH.