Nụ cười Tổng thống Rouhani và nước cờ cao tay tại SCO: Iran đột phá ngoạn mục vòng vây Mỹ?

Hải Võ |

Trong khi hồi chuông cảnh báo xung đột gióng lên ở Vịnh Ba Tư, đã có những diễn biến đặc biệt tại hội nghị cấp cao lần thứ 19 của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) hồi tuần qua.

Ngoại giao quyến rũ của Iran tại SCO

SCO được phương Tây nhìn nhận là một "liên minh" chính trị, kinh tế và an ninh quan trọng nhất ở khu vực Âu-Á, song đây không phải là một "NATO Âu-Á". SCO không lên kế hoạch cho bất kỳ hành động phiêu lưu nhân đạo nào.

Báo Asian Times đưa tin, bức ảnh chụp ở hội nghị Bishkek, Kyrgyzstan, hồi tuần trước thể hiện một câu chuyện mang ý nghĩa khác, trong đó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thủ tướng Pakistan Imran Khan xuất hiện bên cạnh 4 lãnh đạo các nước Trung Á.

Các lãnh đạo này đại diện cho 8 thành viên của SCO. Ngoài ra, tham dự kỳ họp ở Kyrgyzstan còn có 4 quan sát viên: Afghanistan, Belarus, Mông Cổ, đặc biệt có Iran. Thêm vào đó, có 6 đối tác đối thoại tham dự, gồm: Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và đối tác quan trọng Thổ Nhĩ Kỳ.

SCO dự kiến sẽ có sự mở rộng quy mô quan trọng vào năm 2020 với khả năng trao quy chế thành viên chính thức cho Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Xét đến những diễn biến địa chính trị mới đây tại Trung Đông, sự hiện diện của "quan sát viên" Iran ở Bishkek hoàn toàn không phải là sắp xếp ngẫu nhiên.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có những nước cờ đầy khôn ngoan. Việc ông tham gia trực tiếp trên bàn nghị sự SCO với các ông Putin, Tập Cận Bình, Modi và Imran được xem là tín hiệu quan trọng. Ông chỉ trích chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump là "rủi ro nghiêm trọng đối với ổn định khu vực và thế giới", đồng thời đề nghị một cơ chế ưu đãi đối với tất cả doanh nghiệp đến từ khối SCO có cam kết đầu tư vào thị trường Iran.

Dù chưa có bằng chứng, Nhà Trắng đến nay đã cáo buộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là thủ phạm đứng sau vụ tấn công hai tàu chở dầu trên Vịnh Oman tuần trước. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif chỉ trích chính sách "ngoại giao phá hoại" của Mỹ, và điều này không ảnh hưởng đến nghị trình của tổng thống Rouhani ở hội nghị SCO.

Ông Tập Cận Bình tỏ thái độ kiên quyết rằng Bắc Kinh sẽ phát triển các liên hệ với Tehran "bất chấp tình hình diễn biến ra sao". Iran là mắt xích trọng yếu trong chương trình Con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc xúc tiến - trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI).

Ban lãnh đạo Iran nhận thấy rõ giải pháp ứng phó căng thẳng với Mỹ hiện nay là liên kết toàn diện với hệ sinh thái kinh tế rộng lớn của khu vực Âu-Á, bởi các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran (gồm Pháp, Anh và Đức) đến nay không thể hỗ trợ giải cứu nền kinh tế Iran trước sức ép cấm vận từ Mỹ.

Nụ cười Tổng thống Rouhani và nước cờ cao tay tại SCO: Iran đột phá ngoạn mục vòng vây Mỹ? - Ảnh 2.

Từ trái qua: Các ông Putin, Tập Cận Bình, Rouhani dự hội nghị thượng đỉnh SCO ngày 14/6 (Ảnh: AFP / Vyacheslav Oseledko)

Iran - Trái tim khu vực

Iran nằm ở trái tim của bản đồ kết nối giữa BRI, SCO, và Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU). Cả Nga và Trung Quốc đều không thể cho phép Iran bị "bỏ rơi". Quốc gia Trung Đông này đại diện cho nguồn dự trữ năng lượng hấp dẫn, một thị trường nội địa khổng lồ, và đặc biệt Tehran là mặt trận tiền tuyến chống lại các mạng lưới phức tạp buôn lậu ma túy, vũ khí và các phần tử thánh chiến - những vấn đề lo ngại chung của các thành viên SCO.

Ở khu vực Tây Nam Á, Nga và Iran có những lợi ích riêng. Điều Moskva quan tâm là ngăn chặn các phần tử cực đoan xâm nhập vào vùng Trung Á và Caucasus để tiến hành những âm mưu tấn công vào Liên bang Nga. Bên cạnh đó, Nga cần duy trì hiện diện hải-không quân ở Syria, cũng như bảo đảm dòng chảy thương mại trong buôn bán dầu khí.

Về phần mình, Tehran không thể ủng hộ những thỏa thuận ngầm giữa Moskva và Tel Aviv - được cho là nhân tố khiến các mục tiêu IRGC và Hezbollah bị Israel ném bom, nhưng các tài sản của Nga thì hoàn toàn vô sự.

Nụ cười Tổng thống Rouhani và nước cờ cao tay tại SCO: Iran đột phá ngoạn mục vòng vây Mỹ? - Ảnh 3.

Tổng thống Rouhani cười vui vẻ trong cuộc gặp với tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO ở Bishkek ngày 14/6 (Ảnh: Alexey Druzhinin / Sputnik / AFP)

Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang, an ninh trong nước đang là ưu tiên hàng đầu đối với Iran, nhưng điều này không đồng nghĩa Tehran từ bỏ lộ trình hội nhập với khu vực Âu-Á.

Mối liên kết Á-Âu thậm chí đã trở nên sáng rõ hơn ngay sau hội nghị SCO ở Bishkek và Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) ở Dushanbe, Tajikistan.

Các phiên họp Bishkek và Dushanbe mở rộng hơn nữa những nghị trình từng được thảo luận ở diễn đàn kinh tế St Petersburg. Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh, tất cả các thành tố cần phải được hội nhập: BRI, EAEU, SCO, CICA, và ASEAN.

Tuyên bố Bishkek của các thành viên SCO nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an ninh cho Hiệp ước khu vực Trung Á không vũ khí hạt nhân, "không chấp nhận ý đồ bảo đảm an ninh của một nước bằng cách tổn hại an ninh các nước khác, và lên án việc đơn phương triển khai không giới hạn các hệ thống phòng thủ tên lửa bởi một một số nước hay một nhóm nước".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại