Mới đây, trong talk show Ký ức tươi đẹp, "ông hoàng cải lương" Kim Tử Long đã có những chia sẻ về tuổi thơ đam mê âm nhạc, giai đoạn anh đi học ca cổ chuyên nghiệp và những vui buồn trong hơn 20 năm đi hát.
Hồi nhỏ tôi như con gái, để tóc bum-bê, trắng nõn, mũm mĩm
Lúc tôi mới khoảng 9-10 tuổi, tôi cùng bạn bè có đi bán bánh in, bánh tròn tròn, nhỏ nhỏ, màu xanh, đỏ hồng. Mỗi lần đi bán 1 mâm như vậy được khoảng mấy ngàn, bán hết là lời gấp đôi.
Hồi đó, tôi phải đi bộ qua cầu Nguyễn Biểu, vô trong lò để lãnh bánh in, bê mâm đi bộ về bán. Mà nhà tôi không cực khổ gì, thấy bạn bè đi bán thì tôi cũng đi bán thôi. Có lần tôi lãnh bánh, đi qua cầu Y, gió ào ào, bay nguyên một cái mâm xuống cầu Y luôn. Người ta khóc còn tôi thì tỉnh queo. Tôi còn cười, rồi xong, hết vốn, đi về.
Tôi còn nhớ ngày xưa, tôi mê hát chứ không mê học, học dở lắm. Cái thời bài Bahama mama đang nổi, tôi có biết tiếng Anh, tiếng Mỹ gì đâu, nhưng nghe xong là tôi ca, mà tôi dám đứng trước cả trường hát luôn.
Hồi nhỏ tôi như con gái, để tóc bum bê, trắng nõn, mũm mĩm lắm. Tôi lên sân khấu khán giả ở dưới thương tôi lắm, cho tiền, cho đồ đạc tùm lum.
Chuyển qua ca cổ là một bước ngoặt trong cuộc đời của tôi
Từ nhạc trẻ, nhạc disco chuyển qua ca cổ là một bước ngoặt trong cuộc đời của tôi. Có lẽ ông tổ đã cho tôi gặp được người thầy đầu tiên - đó là thầy Dương Quang, còn có biệt danh là Tám Đen, em ruột của nghệ sĩ Minh Vương.
Nhà tôi và NSND Minh Vương ở quận 8, cách nhau một con đường. Tôi vô hẻm chơi vòng vòng thì gặp Minh Vương, chơi được 1 năm tôi mới phát hiện ra Minh Vương là nghệ sĩ.
Đến năm 14 tuổi, Tám Đen đưa tôi đến đoàn Minh Vương hát, tôi đi coi hoài rồi thích luôn.
Tôi học ca giống Minh Vương được khoảng mấy tháng thì có đoàn của địa phương thành lập, tôi mới xin vô hát. Khi hát, tôi ca những bài tân cổ của Dương Quang chỉ dạy, nhưng mà hát không có nhịp nhàng gì.
Người trong đoàn mới nói là không được, Kim Tử Long phải đi học nhịp, chứ nếu ca theo kiểu amateur thì người ta chỉ nghe được giọng hát không chứ không chuyên nghiệp.
Từ đó tôi bắt đầu vào trường học. Người thầy đầu tiên dạy tôi đờn ca là thầy Út Trong. Thầy rất khó tính, ca trật là thầy lấy cái song lang đánh một cái.
Tuy nhiên ba tôi không biết tôi đi hát cải lương, tôi giấu hết. Đến khi nhà trường gửi giấy thông báo trò Long nghỉ học, bị ba gọi ra tôi mới khai thiệt.
Nhiều fan của các nghệ sĩ khác bảo tôi nhàm, lố lăng
Ngón tay có ngón dài, ngón ngắn, mình được 1000 người thương thì cũng có khoảng vài chục người ghét.
Có nhiều khán giả ái mộ nghệ sĩ khác thì không thích tôi. Ví dụ tôi với anh Vũ Linh, tôi rất thần tượng NSƯT Vũ Linh, học được nhiều từ anh. Chúng tôi thân với nhau, chưa bao giờ tôi so sánh bản thân với anh Vũ Linh.
Nhưng fan của anh Vũ Linh nhiều người lại không thích tôi, họ nói tôi diễn dở. Nhiều người còn bình luận trên mạng nói tôi làm mất thần tượng, nhàm, lố lăng.
Khi tham gia game show, tôi biết đó là fan của các nghệ sĩ khác nhưng vẫn bình luận vô: "Cảm ơn em đã góp ý, nhưng theo anh nghĩ người nghệ sĩ là của công chúng, anh sẽ cố gắng làm hết mình cho chương trình".
Tôi từng đổi tên thành Kim Tứ Long được 1 tháng mà không ai biết
Một người nghệ sĩ mà không có khán giả thì buồn lắm. Điều hiện giờ tôi có được không phải là tài sản mà là cái tên của tôi.
Má Phùng Há đã đặt cho tôi cái tên Kim Tử Long nhưng đã có lúc tôi muốn đổi tên. Nhạc sĩ Minh Vy - chồng Cẩm Ly từng nói với tôi: "Em thấy anh đi hát nhiều, quay hình nhiều nhưng cái tên anh không có lớn, hay là anh đổi tên đi".
Tôi về nằm suy nghĩ hoài, "Kim" là vàng, "Long" là rồng, "Tử" là chết, con rồng vàng chết làm sao lên. Nhưng má Phùng Há nói với tôi là không phải, "Kim" là vàng, "Long" là rồng, "Tử" là con, nghĩa là con rồng vàng đang bay nhảy trên bầu trời nghệ thuật.
Tôi về đổi lại thành Kim Tứ Long, nghĩa là con rồng vàng bay nhảy khắp 4 phương trời. Tôi lấy tên Kim Tứ Long được khoảng 1 tháng không ai biết luôn.
Nhưng sau đó, tôi về thắp hương, quỳ trước bàn thờ tổ chuộc lỗi, xin lấy lại tên Kim Tử Long.