2 giờ chiều, tôi đến điểm hẹn gặp Hữu Quốc. Anh đang ăn bữa trưa muộn vì mải tập tuồng cho thí sinh chương trình Đường đến danh ca vọng cổ và Tài tử tranh tài.
Anh kêu cho tôi ly nước cam rồi châm thuốc hút và thong thả nhớ về những ngày xa lắc bằng giọng kể chầm chậm...
Nhà nghèo, đông anh em, cha mẹ cấm theo nghệ thuật
Tôi sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở Sài Gòn. Sau năm 1975, ba mẹ dắt theo 10 anh chị em tôi đi lập nghiệp vùng kình tế mới ở Tây Ninh giáp biên giới Campuchia.
Nhưng vì không biết làm ruộng nên năm nào cũng mất mùa đến mức trắng tay, cả nhà lại dắt díu nhau vòng ngược về Sài Gòn làm ăn.
Ba tôi xin vào làm công nhân ở một hãng giấy. Ngâm lồ ô riết, chân tay ông bị lở hết nhưng cũng không dám nghỉ việc vì sợ các con chết đói. Mẹ tôi làm đủ thứ nghề từ mở lò bánh bông lan đến bán cháo lòng để nuôi anh chị em tôi.
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Quốc trên sân khấu.
Nhà nghèo nhưng tôi học rất giỏi dù chẳng bao giờ học thêm. Năm lớp 5, tôi được chọn vào lớp chuyên văn của quận. Lên lớp 7 vì mê cải lương, tôi xin ba mẹ cho đi học ca cổ nhạc của thầy Út Trong.
Đang học lớp 9 chuyên văn, tôi thi vô trường Trần Hữu Trang, nơi đào tạo ra rất nhiều nghệ sĩ thành danh như Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thoại Mỹ...
Thi đậu nhưng gia đình không cho đi học vì lúc đó tôi đang học quá giỏi. Thầy cô bạn bè cũng ngăn cản vì nghĩ rằng nghề này long đong, không có tương lai.
Hơn nữa, vô trường Trần Hữu Trang gần như tôi phải nghỉ học văn hóa. Trường chỉ dạy bổ túc một số môn chính.
Tôi khóc năn nỉ mẹ: "Cả 1000 người thi mà trường chỉ lấy 40 học viên. Mấy anh chị đậu dự thính (diện đóng học phí) đã mừng lớn còn con đậu chính quy (được cấp học bổng), không phải đóng tiền mà sao ba mẹ không cho con học".
Mẹ tôi mủi lòng lại đi thuyết phục ba "Nó mê nghề này quá thì cứ để nó theo, sau này sướng khổ gì nó chịu".
Cũng vì câu nói đó của mẹ mà tôi gắng học, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. 17 tuổi, tôi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi trong tay.
Hữu Quốc với cố NSND Phùng Há.
Khóc vì 16 tuổi phải vẽ mặt để đóng vai già
Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi chưa bao giờ được đóng kép đẹp. Ngay từ thời còn học trong trường Trần Hữu Trang, thầy cô đã giao cho tôi đóng vai lão.
Tôi học trường Trần Hữu Trang đúng thời gian dậy thì nên bị vỡ giọng. Quãng thời gian đó, tôi chưa khôi phục được làn hơi nên giọng bị khào khào. 16 tuổi tôi lấy lại giọng nhưng ca hơi lão.
Vì thế cô Phùng Há giao cho tôi đóng vai Tư đồ trong vở "Phụng Nghi Đình". Tôi khóc nói với cô "Ai vô trường học cũng mong được làm kép đẹp, kép chánh, sao con còn trẻ lại phải vẽ mặt nếp nhăn để đóng vai ông già"?
Cô Phùng Há nói "Bây giờ có thể con khóc nhưng sau này con sẽ vui vì điều này, bởi con đi một con đường khác người ta và con sẽ thành công với vai già".
Lời tiên đoán của cô Phùng Há đúng sự thật. Từ đó về sau, tôi toàn đóng vai già. Các huy chương bạc, huy chương vàng tôi đạt được ở những kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đều nhờ thể hiện vai già.
Năm 21 tuổi, tôi đạt huy chương vàng hội diễn sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên với vai giáo sư Vinh trong vở "Bản tình ca quê mẹ" (1995).
Hữu Quốc với vai già trên sân khấu cùng các thí sinh Thử tài siêu nhí.
Rồi lần lượt các năm 1996, 1998, 2003, 2005, 2009, 2015 tôi tiếp tục nhận các huy chương vàng khác nhờ thể hiện vai già.
Năm 2007, tôi được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cùng nhiều cô chú và các anh chị lớn trong nghề như Minh Vương, Thanh Tuấn, Phượng Loan, Thoại Mỹ, Thanh Ngân, Tuấn Giao...
Tôi gần như là người trẻ nhất được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú trong đợt đó. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú chưa bao lâu, tôi gặp một biến cố trong nghề.
Tôi mất 7 năm sau đó sống trong tuyệt vọng khi mọi cánh cửa đều đóng sầm lại trước mắt mình…
Không cưới vợ chỉ vì bản thân muốn có một đứa con…
Cơ hội được trở lại làm nghề chỉ thực sự đến sau khi tôi đạt huy chương vàng liên hoan sân khấu chuyên nghiệp tại Bạc Liêu năm 2015 và Quán quân Tài tử tranh tài năm 2016.
Giờ tôi tham gia diễn kịch ở sân khấu Thế Giới Trẻ. Tôi cũng làm biên tập, đạo diễn một số chương trình game show và kịch dài.
Cuộc sống làm nghề của tôi đang trở lại và tôi rất biết ơn những người đã chìa tay kéo tôi lên lúc hoạn nạn.
NSƯT Hữu Quốc (ngoài cùng bên trái) cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác tham gia game show Tài tử tranh tài
Với cuộc sống riêng, tôi vẫn độc thân. Công việc của người nghệ sĩ thời gian rất thất thường, tôi sẽ không thể toàn tâm toàn ý lo cho gia đình được.
Tôi không muốn lấy vợ chỉ vì mình cần một đứa con. Tôi không muốn ai làm khổ mình nên tất nhiên tôi cũng sẽ không làm khổ người khác.
Lấy vợ để làm gì? Làm khổ cuộc đời người ta sao? Chỉ vì tôi ích kỷ muốn có một đứa con, cho họ vài đêm hạnh phúc rồi bỏ mặc họ làm nhiệm vụ nuôi con mình ư? Tôi không làm được! Mẹ tôi có đôi lúc muốn ép tôi cưới một cô gái nào đó, sinh con cho mẹ nuôi.
Nhưng tôi nói với mẹ "Nếu người con dâu đó là con ruột của mẹ thì mẹ nghĩ sao? Mẹ có muốn cô ấy sống cuộc đời như vậy không" và mẹ tôi im lặng!
Quan trọng là tôi vẫn sống tốt, vẫn cống hiến, vẫn làm tròn trách nhiệm một người công dân, một diễn viên, những chuyện khác hãy để nó tự nhiên!
* Ghi theo lời kể của NSƯT Hữu Quốc.