Gần 50 năm đi hát, tôi bị người ta đì lên đì xuống. Nếu không có bản lĩnh, lòng đam mê thì đã bỏ nghề lâu rồi.
Khi gặp bất cứ biến cố nào tôi đều lấy chữ nhẫn của nhà Phật làm đầu. Nhẫn nhịn để vươn lên, trả lời cho việc họ từng khinh dễ mình!
Hồi đó có một ông bầu từng tuyên bố trước tôi và mọi người rằng: "Bạch Long mà bước lên sân khấu là tôi trả vé". Vì câu nói đó, tôi cố gắng trau dồi nghề nghiệp, gây dựng tên tuổi để trả lời cho người đó biết rằng: Họ đã sai.
Sau này, chính ông bầu đó lại mời tôi về hát và tôi nhận lời. Diễn xong tôi hỏi: "Giờ anh còn trả vé nữa không?". Ông bầu đó cười cười nói: "Thôi, tôi biết lỗi rồi...".
Nghệ sĩ Bạch Long - ảnh: Cao Thanh Hương.
Hồi tôi còn hát ở 1 đoàn cải lương, tay phó đoàn mượn nợ dựng vở và bắt nghệ sĩ diễn không lương để trả. Nhưng người đó còn chơi một trò rất không hay là khai khống tiền nợ để đút túi riêng.
Ví dụ dựng tuồng 20 triệu thì họ kê lên 40 triệu rồi chia chác với nhau. Trong khi nghệ sĩ thắt lưng buộc bụng, đêm nào diễn xong cũng mệt mỏi đi về thì những người ngồi chơi lại nhận lương "kiêm nhiệm"!
Tôi phát hiện ra điều này vì sau mỗi đêm diễn, diễn viên phải ký vào một cuốn sổ lương nhưng không được nhận đồng cát-xê nào.
Lúc ký, tôi thấy có những người lãnh 10.000, 15.000 đồng với lý do kiêm nhiệm chức vụ gì đó. So với ngày ấy, đó là một số tiền lớn, nhưng quan trọng là họ chẳng làm gì.
Tôi bỏ diễn những suất sau nên bị đánh công văn gửi các đoàn hát trong thành phố đề nghị không nhận Bạch Long. Tôi nghĩ, mình sống bằng nghề hát mà giờ người ta chặn đường thế này, mình chết đói rồi sao?
Nhưng 2 tuần sau, trưởng Đoàn cải lương Phước Chung nghe tin tôi nghỉ việc bên kia thì mời về.
Sau này, con trai tay vị phó đoàn gây khó dễ với tôi lại rất mê cải lương nên tìm tới Đống Ấu Bạch Long học nghề. Tôi biết nhưng vẫn dạy bình thường, chưa bao giờ kể nó nghe về chuyện ba nó từng làm với tôi.
Nghệ sĩ Bạch Long rất được lòng anh em đồng nghiệp... có lẽ vì anh luôn chịu phần thiệt về mình!
Tôi nghĩ rằng, cái ác lúc nào cũng hiện hữu nhưng cuộc sống cần có cái thiện để cân bằng lại.
Người ta hại tôi, tôi giận mà hại lại thì tôi khác gì họ! Nghĩ thế tôi hỉ xả hết. Lấy chữ ân nghĩa mà ứng xử lại với chính những người hãm hại mình!
Cũng có người từng hỏi, sao tôi làm được thế? Có lẽ tôi hiền từ lúc còn trong bụng mẹ. Hồi còn đi học, tôi không bao giờ muốn hơn bạn bè.
Học võ, tới ngày thi đấu lên đai tôi năn nỉ thầy cho tôi khỏi đấu. Thầy bảo, "không đấu sao mày lên đai?" .
Tôi trả lời: "Con học võ để biết áp dụng sân khấu thôi, muốn lên đai con phải đánh bạn kia đau. Bạn muốn lên đai cũng phải đánh con đau. Hai thằng đều đau. Mặt mày bầm tím sao con đi hát...?".
Thầy bảo: "Tao chưa thấy thằng nào như mày...".
* Ghi theo lời kể của nghệ sĩ Bạch Long