Nồng độ CO2 trong khí quyển đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua

THIÊN LONG |

CO2 đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua theo ghi nhận tại đài quan sát Mauna Loa (MKO) ở Hawaii, Mỹ mặc cho đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động kinh tế và công nghiệp bị trì trệ.

Trong hơn sáu thập kỷ qua, các phép đo CO2 trong khí quyển đã được thực hiện tại Đài quan sát NOAA ở Mauna Loa, Hawaii.

Nồng độ CO2 trong khí quyển đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua - Ảnh 1.

Theo số liệu mới nhất do NOAA công bố, lượng CO2 đo được tại đài quan sát đã đạt đỉnh vào tháng 5/2021 với nồng độ CO2 trung bình hàng tháng là 419 phần triệu (ppm). Con số đó thể hiện mức cao nhất kể từ khi các phép đo chính xác bắt đầu được ghi lại cách đây 63 năm.

Các phép đo CO2 tại trạm thời tiết ở Mauna Loa bắt đầu vào năm 1958 khi nhà khoa học Charles David Keeling bắt đầu thực hiện các phép đo.

Kết quả mới nhất tính tới tháng 5/2021 như đã nói ở trên là 419,13ppm, tăng nhẹ so với mức trung bình tháng 5/2020 là 417ppm. Lượng carbon trong không khí hiện nay nhiều như cách đây khoảng 4 triệu năm, thời điểm mực nước biển cao hơn hiện nay khoảng 24 mét.

Nồng độ CO2 trong khí quyển đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua - Ảnh 2.

Nồng độ trung bình CO2 trong khí quyển đo tại trạm Mauna Loa từ năm 1958 tới nay. Đơn vị tính: ppm

Nhà khoa học cấp cao của NOAA, Pieter Tans cho biết, CO2 cho đến nay vẫn là khí nhà kính do con người thải ra nhiều nhất vào bầu khí quyển.

Ông cho biết, CO2 có thể tồn tại trong khí quyển và đại dương hàng ngàn năm sau khi thải ra. Theo Tans, con người đang thêm khoảng 40 tỷ tấn CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm. Ông cho biết nếu chúng ta muốn tránh các hiện tượng biến đổi khí hậu thảm khốc, ưu tiên cao nhất của chúng ta phải là giảm lượng CO2 thải vào bầu khí quyển xuống bằng 0 càng sớm càng tốt.

Hiện nay phần lớn nguồn phát thải CO2 đến từ nhiên liệu hóa thạch sử dụng cho giao thông vận tải và sản xuất điện, sản xuất xi măng, phá rừng, nông nghiệp và các hoạt động khác. Đặc trưng của CO2 là giữ nhiệt và ngăn nhiệt từ bề mặt hành tinh thoát ra ngoài không gian. Lẽ dĩ nhiên điều dẫn đến sự ấm lên của hành tinh và hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan.

NOAA cũng cho biết thêm, chưa có thống kê chi tiết về việc liệu gián đoạn kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 có dẫn tới những thay đổi tích cực với khí hậu hay không. Một số người cũng tự hỏi liệu việc phong tỏa trên thế giới và ngăn mọi người ra ngoài, tham gia giao thông có làm giảm ô nhiễm hay không.

Tans cho biết, mức độ CO2 đo được không bị ảnh hưởng bởi sự phun trào của núi lửa Hawaii và các trạm này này nằm đủ xa các núi lửa đang hoạt động nên không lo các phép đo bị bóp méo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại