Không thể xử lý nổi nước ô nhiễm hạt nhân từ nhà máy Fukushima, Nhật Bản quyết định sẽ xả ra biển

BẢO NAM |

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ thải hơn 1 triệu tấn nước bị ô nhiễm từ nhà máy hạt nhân Fukushima, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và ngành đánh cá của chính nước này.

Lần xả nước đầu tiên sẽ diễn ra trong khoảng hai năm, giúp đội ngũ điều hành nhà máy là công ty điện lực Tokyo (Tepco) có thời gian bắt đầu lọc nước để loại bỏ các đồng vị có hại, xây dựng cơ sở hạ tầng và có được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Nhật Bản đã lập luận rằng việc xả nước là cần thiết để thúc đẩy quá trình ngừng hoạt động phức tạp của nhà máy sau khi nó bị tê liệt bởi trận động đất và sóng thần năm 2011, đồng thời chỉ ra rằng nước được lọc tương tự cũng thường xuyên được thải ra từ các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới.

Gần 1,3 triệu tấn nước bị ô nhiễm, tương đương số nước đủ để lấp đầy khoảng 500 bể bơi cỡ Olympic, đã và đang được chứa trong các bể chứa khổng lồ tại nhà máy Fukushima Daiichi với chi phí hàng năm khoảng 912,66 triệu USD - và không gian chứa này đang cạn kiệt.

Không thể xử lý nổi nước ô nhiễm hạt nhân từ nhà máy Fukushima, Nhật Bản quyết định sẽ xả ra biển - Ảnh 1.

Các bể chứa nước thải ô nhiễm nhìn từ trên không.

"Trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quy định đã được thiết lập, chúng tôi lựa chọn việc giải phóng vào đại dương", chính phủ cho biết trong một tuyên bố và nói thêm rằng dự án sẽ mất nhiều thập kỷ để hoàn thành.

Quyết định này đưa ra khoảng ba tháng trước khi Thế vận hội Olympic từng bị hoãn năm ngoái được tổ chức lại năm nay, với một số sự kiện chỉ cách nhà máy gặp sự cố chỉ khoảng 60 km. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào năm 2013 đã đảm bảo với Ủy ban Thế vận hội Quốc tế rằng Fukushima "sẽ không bao giờ gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho Tokyo".

Tepco có kế hoạch lọc nước bị ô nhiễm để loại bỏ đồng vị, chỉ để lại tritium, một đồng vị phóng xạ của hydro khó tách khỏi nước. Sau đó, Tepco sẽ pha loãng nước cho đến khi mức tritium giảm xuống dưới giới hạn quy định, trước khi bơm ra đại dương.

Tritium được coi là tương đối vô hại vì nó không phát ra đủ năng lượng để xuyên qua da người và các nhà máy hạt nhân khác trên thế giới thường xuyên bơm nước có hàm lượng đồng vị thấp vào đại dương.

Đồng minh của Nhật Bản là Mỹ đã lên tiếng ủng hộ và lưu ý rằng Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế trong việc xử lý địa điểm này kể từ sau vụ khủng hoảng ba lò phản ứng cách đây một thập kỷ.

"Trong tình huống độc nhất và đầy thách thức này, Nhật Bản đã cân nhắc các lựa chọn và tác động, minh bạch về quyết định của mình và dường như đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được chấp nhận trên toàn cầu", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố trên trang web của nó.

Tuy nhiên, những người phản đối kế hoạch vẫn lo ngại về mức độ tiềm ẩn của tritium hoặc các chất gây ô nhiễm khác.

Hàn Quốc bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng rằng quyết định này có thể gây ra tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự an toàn của người dân và môi trường xung quanh của chúng tôi." Nước này kêu gọi Nhật Bản cung cấp thêm thông tin về việc xả nước theo kế hoạch và cho biết họ sẽ đẩy mạnh việc đo đạc và giám sát phóng xạ bằng phương pháp của riêng mình.

"Sẽ rất khó để chấp nhận nếu Nhật Bản quyết định xả nước bị ô nhiễm mà không có sự tham vấn đầy đủ", chính phủ nước này cho biết trong một tuyên bố. Trung Quốc và Đài Loan cũng bày tỏ quan ngại.

Không thể xử lý nổi nước ô nhiễm hạt nhân từ nhà máy Fukushima, Nhật Bản quyết định sẽ xả ra biển - Ảnh 3.

Không thể kiểm soát nước thải ô nhiễm phóng xạ, Nhật Bản đã quyết định xả chúng ra biển.

Các nghiệp đoàn đánh cá ở Fukushima đã thúc giục chính phủ trong nhiều năm không xả nước ô nhiễm ra biển, cho rằng nó sẽ có "tác động thảm khốc" đối với ngành công nghiệp này.

Một bài báo trên tạp chí Scientific American vào năm 2014 đã báo cáo rằng khi ăn phải tritium có thể làm tăng nguy cơ ung thư, trong khi một số chuyên gia lo lắng về các chất gây ô nhiễm khác.

Ken Buesseler, một nhà khoa học cấp cao tại Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts cho biết: "Mối quan tâm của tôi là về các chất ô nhiễm phóng xạ không phải tritium vẫn còn trong các bể chứa ở mức cao".

Buesseler, người đã nghiên cứu các vùng nước xung quanh Fukushima, cho biết: "Những chất gây ô nhiễm khác này đều có nguy cơ ảnh hưởng lớn hơn tritium và tích tụ dễ dàng hơn trong hải sản và trầm tích đáy biển."

Tham khảo Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại