Trong khi phần lớn chúng ta chỉ trích hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra tác động lâu dài đối với sức khỏe của hành tinh. Nhưng mặt khác, tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch cũng gián tiếp gây ra những tác động ngắn hạn đối với sức khỏe của chính con người.
Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Harvard thực hiện đã làm sáng tỏ mức độ của vấn đề. Theo đó họ đã phát hiện ô nhiễm không khí phát sinh từ nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2018.
Nghiên cứu được thực hiện với sự hợp tác của các nhà khoa học đến từ Đại học Birmingham, Đại học Leicester và Đại học London (UCL) tập trung vào một loại dạng ô nhiễm không khí được liên quan đến hạt bụi mịn PM2.5 với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron.
Chúng được thải ra từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm cháy rừng, khí thải của xe cộ và việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Do kích thước siêu nhỏ, chúng có thể xâm nhập vào phổi và dòng máu, qua tiếp xúc mãn tính, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như hen suyễn, ung thư phổi, bệnh mạch vành và đột quỵ.
Giáo sư Eloise Marais đến từ UCL chia sẻ: "Đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra các hạt bụi mịn chứa nhiều chất độc và xâm nhập sâu vào phổi. Những rủi ro khi hít phải những hạt bụi PM2.5 này đã được ghi nhận trước đây."
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ bổ sung thêm bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí do sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch có hại cho sức khỏe toàn cầu. Chúng ta không thể tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch dù biết rằng có những tác động nghiêm trọng như vậy đối với sức khỏe và có các lựa chọn thay thế khác sạch và khả thi hơn".
Sử dụng nguồn thông tin từ vệ tinh quan sát để tính toán nồng độ bụi trên toàn cầu có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn phát thải khác như cháy rừng và xe cộ, Marais và các đồng nghiệp của cô đã tìm cách đánh giá mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5.
Các nhà khoa học sử dụng một mô hình hóa học khí quyển tiên tiến được phát triển tại Harvard, kết hợp với ước tính lượng khí thải từ các lĩnh vực khác nhau như sản xuất điện, vận tải và công nghiệp.
Sau đó, nhóm sử dụng mô phỏng hóa học oxidant-aerosol từ NASA để tính toán nồng độ ô nhiễm PM2.5 từ nhiên liệu hóa thạch ở các địa điểm khác nhau. Hệ thống của các nhà khoa học có thể chia toàn bộ địa cầu thành các phân đoạn nhỏ chỉ 50 x 60 km.
Kết hợp dữ liệu hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao và dữ liệu về nơi con người sinh sống, nhóm nghiên cứu có thể đưa ra kết luận chi tiết hơn về chất lượng không khí mà mọi người đang hít hàng ngày. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình đánh giá rủi ro mới dựa trên cập nhật về mối liên hệ giữa việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm bụi PM2.5, ngay cả ở nồng độ thấp và tỷ lệ tử vong.
Các nhà khoa học nhận thấy, tỷ lệ tử vong do tiếp xúc lâu dài với khí thải từ nhiên liệu hóa thạch cao hơn nhiều. Trước đây, một nghiên cứu toàn diện về tỷ lệ tử vong do tất cả các nguồn vật chất dạng hạt đã chỉ ra con số tử vong hàng năm là 4,2 triệu người, bao gồm các nguồn như khói bụi do hỏa hoạn.
Nhưng trong nghiên cứu mới nhất, các tác giả nghiên cứu mới kết luận rằng, chỉ riêng lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch đã gây ra 8,7 triệu ca tử vong trong năm 2018, chiếm gần 1/5 hay 18% tổng số toàn cầu.
Đồng tác giả Joel Schwartz, Giáo sư Dịch tễ học Môi trường tại Đại học Harvard cho biết: "Thông thường, khi chúng ta thảo luận về sự nguy hiểm của hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, đó là trong bối cảnh nồng độ CO2 trong khí quyển tăng cao và biến đổi khí hậu. Nhưng chúng ta thường bỏ qua tác động tiềm tàng đến sức khỏe của các chất ô nhiễm cùng với khí nhà kính."
"Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách định lượng những hậu quả sức khỏe của việc đốt nhiên liệu hóa thạch, chúng tôi có thể gửi một thông điệp rõ ràng đến các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về lợi ích của việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thay thế".
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Environmental Research mới đây.
Tham khảo Newatlas